Bếp ăn nghĩa tình

10/06/2015 - 14:22

PNO - PN - Gần đây, những cán bộ Hội năng động ở Chi hội Phụ nữ khu phố (KP) 5 (P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM) đã tổ chức bếp ăn từ thiện, giúp cho nhiều người nghèo qua cơn thắt ngặt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Một miếng khi đói…

Vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy, đúng 4g sáng, trụ sở Ban điều hành KP.5, nơi đặt bếp ăn nghĩa tình bắt đầu đỏ lửa. Tất bật chuẩn bị hơn 400 suất cơm, các thành viên trong tổ nấu ăn làm việc không ngơi tay. Người vo gạo, người chiên trứng, nấu canh, người sắp xếp bàn ghế, đũa muỗng…

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, có “thâm niên” tại bếp ăn vui vẻ cho biết: “Quy trình nấu chính của tổ là vào thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần, mỗi ngày do một nhóm phụ trách, nhưng các ngày trước đó mọi người đã phải chuẩn bị công đoạn sơ chế nguyên vật liệu, kiểm tra các thứ gạo, dầu ăn, gia vị… Ngoài công việc may gia công, nấu đám tiệc trong xóm, rảnh lúc nào là tôi chạy sang đây phụ giúp chị em”.

Cơm nấu xong được đóng hộp 300 suất, trong đó dành 75 suất cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Q.2; 20 suất phát miễn phí tận nhà cho người già neo đơn. Số còn lại bán với giá 2.000đ/suất cho trẻ em cơ nhỡ, những người nghèo khó.

Vừa đóng hộp các phần cơm, dì Võ Thị Kim Em góp chuyện: “Tuy giá 2.000đ nhưng mỗi phần cơm đều có các món mặn, xào và canh. Vừa rẻ vừa ngon nên bà con đến mua đông lắm. Tầm 10g là thời gian phát cơm và bán cơm mang về, đúng 11g trưa mới mở bán cho khách ăn tại chỗ. Mỗi lần nhìn lũ trẻ ngồi ăn ngon lành, ai nấy đều xúc động, nhất là những đứa trẻ phải bỏ học, vào đời sớm”.

Bep an nghia tinh

Hàng trăm suất cơm đã sẵn sàng để phục vụ người nghèo

Là một trong các hộ gia đình được nhận cơm miễn phí của bếp ăn, gia đình bà Võ Thị Liễu gồm bảy nhân khẩu chỉ trông chờ vào tiền công phụ hồ của người con gái lớn. Cũng nhờ các suất cơm của bếp ăn từ thiện này mà gia đình bà bớt được áp lực chạy gạo mỗi ngày. "Các cô nhiệt tình, lại rất chu đáo. Biết tôi tuổi cao, không ăn được đồ cứng, mỗi lần đem cơm đều để riêng phần thức ăn “đặc biệt” cho tôi. Còn dặn má nhớ ăn uống đầy đủ, bữa sau con sẽ đổi món cho má dễ dùng hơn...", bà Liễu xúc động kể.

Qua tìm hiểu, được biết trước khi khánh thành bếp ăn 2.000đ vào năm 2011, để giúp trẻ em suy dinh dưỡng, người già trong KP có được bữa ăn tươm tất, bà Trần Thị Thanh Thủy (Ban điều hành KP) đã tự bỏ tiền túi hai lần trong một tháng nấu các suất cháo dinh dưỡng cùng cơm chay, phát cho người nghèo. Cô Thủy kể: “Nhờ các chị em trong KP, mỗi người góp một chút nên nồi cháo của mình mới có thể duy trì lâu dài. Khi đó, ai cũng muốn có được nhiều nồi cháo, nhiều suất cơm chay hơn nữa để sẻ chia với người nghèo, nhưng vì khả năng có hạn nên giúp được lúc nào hay lúc nấy”.

Từ tháng 3/2014, UBND P.Bình Trưng Đông, UBND Q.2 cùng các nhà hảo tâm đã hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn hoạt động. Từ cháo dinh dưỡng, cơm chay, nay đã được thay thế bằng các bữa cơm với nhiều món mặn; khu vực nấu bếp cũng được xây dựng khang trang với đầy đủ các thiết bị như tủ đông, nồi cơm điện công nghiệp, trang bị bàn ghế… Cứ thế, đến nay bếp ăn nghĩa tình mà người dân quen gọi là bếp ăn 2.000đ đã phục vụ 57.600 suất/năm.

Tủ sách miễn phí

Không chỉ cung cấp những suất cơm, những người tổ chức bếp cơm còn lập tủ sách để phục vụ miễn phí mọi người. Em Nguyễn Thị Thảo Hiền hào hứng: “Mỗi tuần ba lần, em đều đến đây mua cơm cho cả nhà. Tranh thủ thời gian chờ lấy cơm, em thường ghé vào đọc sách. Ở đây có rất nhiều sách, truyện cho thiếu nhi lựa chọn. Bạn nào cũng có thể đến đây đọc sách, vui chơi mà không phải mất tiền”.

Chị Võ Thị Tường Vy, người quản lý phòng đọc sách chia sẻ: “Một lần ghé thăm bếp ăn, thấy có nhiều trẻ em thường quậy phá, đùa giỡn trong khi chờ ba mẹ mua cơm, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ đã nảy ra ý định mở phòng đọc sách cho tụi nhỏ ngay tại bếp ăn. Giữa tháng 1/2015, phòng đọc đi vào hoạt động với đủ các loại sách báo, truyện tranh, bàn ghế, dụng cụ tập vẽ… phục vụ trẻ em. Nơi đây, Đoàn Thanh niên KP còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt hè, lớp học tình thương cho trẻ em”.

Từ khi có phòng đọc sách, trẻ con ít lang thang bên ngoài, không còn tụ tập quậy phá; cha mẹ các em yên tâm hơn vì biết con cái mình đang ở đâu, làm gì. Các em còn biết sẻ chia khi cùng nhau đóng góp sách, tham gia giữ gìn, dọn dẹp phòng đọc. Vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, các đoàn viên trong KP tổ chức lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật, mồ côi không có điều kiện đến trường.

 VIỆT PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI