Bệnh viện của những trái tim hồng

19/09/2016 - 15:00

PNO - Tài xế Tư Cường, chủ chiếc xe 16 chỗ khoe, hai năm nay, mỗi tháng anh đều có “mối” chở người từ cái bè đi Đồng Nai khám bệnh vài lần. 

Tài xế Tư Cường, chủ chiếc xe 16 chỗ khoe, hai năm nay, mỗi tháng anh đều có “mối” chở người từ cái bè đi Đồng Nai khám bệnh vài lần. Anh tự hào: “cực mà vui! Mấy bác sĩ (BS) còn động viên tui ráng hỗ trợ cho bệnh nhân (BN)”

Có bệnh vẫn... yên tâm

Đúng hẹn, khoảng 19g30 ngày 7/9, Tư Cường tấp xe vào lề Quốc lộ 1A, đoạn ngang Q.12, TP.HCM đón tôi. Anh cười tươi rói:“Thông cảm nghen, xe hết chỗ rồi. Giờ chót có thêm hai dì xin theo”.

Tôi ngồi bệt xuống sàn, gần cửa xe. Tình cờ, người phụ nữ ngồi cạnh tôi là vợ Tư Cường, tên Thư, tưởng tôi theo xe đi khám bệnh, chị hướng dẫn: “Chỗ này khám được lắm. Tái khám 10.000 đồng, người mới 20.000 đồng”. Chị giới thiệu, trên xe có 12 người mới đi lần đầu, năm người là BN tái khám.

Chị Ba Tiết, khoảng 50 tuổi, kể: “Tôi đau khớp, còn bị cao huyết áp, theo bệnh viện (BV) này hai năm rồi. BS khám kỹ lắm. Có nhiều người dân cầu An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) lên chỗ này khám bệnh”.

Chị chỉ bốn người ngồi cạnh nói: “Hỏi mấy ông bà này nè, trừ lần đầu tầm soát hết một triệu tư, sau này mỗi đợt đi khám tốn tổng cộng chưa tới 500.000 đồng có thuốc tới 14 ngày, BS, y tá ân cần, ai mà không trở lại”…

Xe Tư Cường đưa chúng tôi đến cổng BV Tâm Hồng Phước (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) lúc hơn 21g. Tư Cường và vợ xuống xe, tay cầm CMND và thẻ BHYT của 17 hành khách và vợ chồng anh. Khoảng 20 phút sau, vợ chồng Tư Cường quay ra thông báo: “Số 13. Đi trễ nên bốc tới số này, chờ lâu lắm. Giờ cả nhà mình qua khách sạn Hà Huy ở. Mai đúng 5g dậy tập trung. Ai xét nghiệm thì nhịn đói nghe”.

Benh vien cua nhung trai tim hong
Bệnh nhân chờ tới lượt khám

Mỗi người đóng 30.000 đồng tiền phòng trọ. Bốn cái giường đơn, máy lạnh chạy rì rầm. Theo lời chị Thư, phòng trọ nào đêm nay cũng đầy cứng. Các bãi xe quanh BV đầy nghẹt ô tô, xe máy. Nhiều người đã tự chạy xe máy từ miền Tây lên đây khám bệnh.

Anh Tuấn ở Giồng Trôm, Bến Tre cho biết, xe đoàn của anh mỗi tuần lên BV này năm ngày: “Nhiều người xứ tui về đây khám chữa bệnh. Em ruột tôi cần mổ khớp, BV thành phố kêu giá tới 90 triệu nhưng chữa ở BV này chỉ tốn hơn 35 triệu”. Xác nhận sự chênh lệch giá “một trời một vực” vụ thay khớp, chị Năm Hiếu - chủ xe Ba Sơn ở Cai Lậy cho biết, đoàn chị dẫn đi BV này khám từng có vài trường hợp như vậy.

Chị kể: “BV ở tỉnh báo em gái tôi phải thay khớp, chuẩn bị trước 80 triệu đồng. Em tôi chồng mới mất, con nhỏ, đâu có tiền lo nhiều vậy. Tôi rủ nó lên đây khám, mổ, thay khớp xong tốn chưa tới 30 triệu đồng”.

Khoảng 8g sáng 8/9, tại sảnh BV đã hàng trăm BN ngồi chờ. Một nữ y tá ân cần hỏi chúng tôi đi theo đoàn nào. Nghe khách lẻ, cô chỉ tôi đến bốc số thứ tự: 182! Bảng điện tử đang ghi thứ tự đến lượt khám số 21.

Người đàn ông khoảng ngoài 60 tuổi đứng lên, nhường ghế: “Tụi tui khám xong rồi, giờ vô nghe BS tư vấn”. Theo lời ông, tối hôm qua đoàn ông từ Mộc Hóa, Long An lên đây lúc hơn 22g, bốc đuợc số 2. Hỏi tối hôm qua ngủ ở đâu? Ông chỉ tay: “Trong đó. Cô vô trong đó lấy chiếu trải nằm cho khỏe”. Nhìn vô trong, hàng chục người đang nằm trên những chiếc chiếu đơn. Dãy phòng có ba chiếc quạt và một cái máy lạnh.

Bệnh viện "bất thường"

Trong chuyến đi “xác minh” hiện tượng dân đồng bằng đổ xô đi khám bệnh ở BV Tâm Hồng Phước như một sự bất thường, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được “mục sở thị” nhiều việc.

Ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: “Trước đây cũng có một vài đơn thư khiếu nại, tố cáo về tình trạng thu hút người dân đồng bằng sông Cửu Long về BV Tâm Hồng Phước khám, chữa bệnh. Không ít cá nhân đặt nghi vấn về sự trục lợi BHYT, trục lợi cơ chế, lợi dụng, áp đặt người bệnh…

Sở đã lập các đoàn kiểm tra, phỏng vấn người đến khám chữa bệnh, cuối cùng nhận thấy việc người dân ở miền Tây Nam bộ tìm đến đây là hoàn toàn tự nguyện, vì chất lượng phục vụ tốt nhưng chi phí thấp. BV không hề có sai sót gì trong quy trình khám chữa bệnh hay sử dụng BHYT”.

Tuy BN đông nhưng BV có cách thức tổ chức khoa học. Mỗi đoàn từ 15 đến hơn 50 người, được giao cho 2-3 nhân viên BV phụ trách, hướng dẫn đến các khu vực khám tuần tự theo nhu cầu. Bảy nhân viên bảo vệ và các y tá lúc nào cũng quan sát và sẵn sàng hướng dẫn BN.

Benh vien cua nhung trai tim hong
BS Nguyễn Thế Thử (trái) đang duyệt miễn giảm cho nạn nhân

“Chúng tôi nghe đồn làm tài xế hay trưởng đoàn có hoa hồng, kiếm lời cũng bộn?”. Nghe tôi “thắc mắc”, ông Quang, tài xế đoàn xe từ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cười ngất: “Cô hỏi hết các bác tài ngồi ở bãi xe này coi, ai nói làm trưởng đoàn sướng? Sướng, sao chủ xe hông làm?”.

Hồ Văn Long, một tài xế ở Đồng Tháp thiệt tình: “Tụi tui làm tài xế còn được ngủ nghỉ, chứ làm trưởng đoàn là xấc bấc xang bang! Lo chuyện đi đứng, ăn ở, có người khéo thu vén, cũng dư được vài trăm mỗi ngày, nhưng cực lắm cô ơi. Phải theo sát từng người, dẫn người ta đi khám, coi lịch BS hẹn, hướng dẫn cách uống thuốc, đi lấy cơm từ thiện…

Năm ngoái, lúc mới chạy xe tuyến này, vợ tui thấy ham, cũng kêu tui làm trưởng đoàn để kiếm thêm chút ít. Tui từ chối, bà ấy tự làm được hai lần, thấm đòn, hết dám ho he. Giờ chị họ tui theo xe làm trưởng đoàn, chỉ thấy chịu cực là… giỏi”.

BS Nguyễn Thế Thử, Giám đốc BV Tâm Hồng Phước khẳng định: “Chúng tôi không chủ trương chi hoa hồng cho bất kỳ ai. Từng đồng khám bệnh phải chắt chiu, trang trải cho BN nên không có việc trả tiền cho cò hay dịch vụ”.

Khi chúng tôi chia sẻ với ông thông tin các BN phải trả thêm chi phí (dù mỗi người chỉ từ 20.000-50.000 đồng, tùy đoàn) cho trưởng đoàn, BS Thử rất tâm tư. Ông nói: “Thú thực, tôi không thể quản lý được những việc nằm ngoài khuôn viên BV. Tuy nhiên, tôi cũng rất cảm kích các vị phụ trách đoàn. Nhiều người tìm tôi, xin miễn giảm cho BN quên CMND, quên thẻ BHYT, có người lần nào lên BV cũng vác một hai bao gạo cho bếp ăn từ thiện”.

Những trái tim hồng

Thấy tôi hỏi cách nhận cơm từ thiện, chị tạp vụ ngưng lau nhà, trả lời: “Chị hỏi trưởng đoàn hay tài xế xe đoàn chị đi”. Nghe tôi nói lần đầu đi khám một mình, một BN tận tình hướng dẫn: “Chị ra chỗ đăng ký khám, nói với người ta để nhận phiếu vô lãnh cơm. Muốn ăn chay, ăn mặn đều có”.

Benh vien cua nhung trai tim hong
Bệnh nhân nhận cơm từ thiện sáng 8/9

Tôi hỏi thêm: “Anh đi khám ở đây nhiều lần rồi hả? Anh ở đâu vậy?”. Anh này nói như “khoe”: “Tôi ở Giồng Trôm, Bến Tre. Xã tôi nhiều người khám ở BV này”. “Sao phải đi khám bệnh xa dữ vậy?”. Anh giải thích: “Ở đây người ta khám kỹ, quan tâm tận tình lắm”.

Trong buổi sáng ngày 8/9, BS Thử đã giải quyết miễn giảm trực tiếp nhiều trường hợp BN nghèo không có thẻ BHYT. Ông Lê Văn Rạt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An, trưởng đoàn khám bệnh của xã nói: “Hai năm qua, từ khi biết BV này, tôi đã tổ chức nhiều đoàn đến đây khám chữa bệnh, nhiều người dân các hộ chính sách, hộ nghèo của xã đã được khám, chữa miễn phí”.

BS Thử cho biết, mô hình BV này là tâm huyết cả đời của ông. Ông vốn là đại tá, BS chuyên khoa II về ngoại khoa của BV quân đội 7A. Về hưu, ông quyết định gom hết vốn liếng để mở BV Tâm Hồng Phước.

Giai đoạn đầu mới thành lập, những năm 2007-2009 rất khó khăn. Nhưng rồi tiếng lành về dịch vụ, chất lượng khám chữa bệnh của BV lan xa, thu hút nhiều BN, đặc biệt là BN các tỉnh miền Tây Nam bộ.

BS Thử nói: “Ngày lập BV, tôi cũng không hình dung nổi mỗi ngày BV phải tiếp nhận cả ngàn BN như thế này”.

Theo BS Huỳnh Cao Hải - PGĐ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đã có thời BS Thử khó khăn, phải cầm tài sản, vay nợ ngân hàng… nhưng ông vẫn quyết định giữ vững hướng phát triển của BV: đồng hành với người nghèo.

Lý giải vì sao chi phí phẫu thuật của BV về cơ, xương khớp hay ngoại khoa đều rẻ hơn các BV khác, BS Thử thẳng thắn: “Tôi từ chối hoa hồng của đối tác, thế thôi! Điều đó lý giải tại sao nhiều loại thủ thuật của BV rẻ hơn một nửa so với các BV khác”.

Dùng thuốc nội là “thói quen” của BS quân đội. Ông không bỏ thói quen đó và hiểu rõ chỉ cần dùng đúng thuốc đúng liều là có thể cứu được nhiều BN. Theo đánh giá của các BS chuyên khoa cơ xương khớp, BS Thử hiện là BS hàng đầu về ngoại khoa, cơ xương khớp của quân đội.

Trong lần ghé thăm BV cách đây chưa lâu, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, điều BV Tâm Hồng Phước đã làm được cho dân nghèo, không chỉ là việc giảm giá, hay mỗi năm khám chữa bệnh miễn phí được cho bao nhiêu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bao nhiêu người thân liệt sĩ, gia đình chính sách mà cái chính là đã giúp được cho người dân, đặc biệt là người dân ở đồng bằng sông Cửu Long ý thức tầm soát sức khỏe định kỳ.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI