Bệnh nhân tâm thần cũng bị phân biệt

01/06/2013 - 08:11

PNO - PN - Hiện TP.HCM có khoảng 3.000 bệnh nhân (BN) tâm thần lang thang không thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Họ không được hưởng nguồn thuốc điều trị miễn phí, nhất là các loại thuốc thế hệ mới ít biến chứng. Các cơ sở chăm...

Bệnh nhân lang thang thường mắc bệnh nặng

Nếu có người nhà “bảo hộ” thì những BN tâm thần sẽ được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) của Bộ Y tế. Thế nhưng, với những BN lang thang, thậm chí ngay cả BN đang điều trị tại các cơ sở của CTMTQG, nhưng nếu bị người nhà bỏ rơi cũng sẽ được chuyển về các trung tâm điều trị tâm thần do Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP) quản lý.

BS Bùi Văn Xây, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Q.Thủ Đức, lo lắng: BN do Sở LĐ-TB-XH quản lý không nằm trong CTMTQG nên không được cung ứng các loại thuốc miễn phí, do đó nguồn thuốc phụ thuộc vào khả năng hỗ trợ của BV Tâm thần TP.HCM - nơi phân phối thuốc của CTMTQG. Hiện Trung tâm có 1.250 BN nhưng chỉ có 14 loại thuốc điều trị và chỉ duy nhất thuốc Olanzapin (điều trị cơn kích động) là thuốc thế hệ mới. Nếu các loại thuốc khác chỉ vài trăm đồng/viên thì thuốc Olanzapin khoảng 4.000đ/viên. Một tháng, Trung tâm được BV Tâm thần hỗ trợ 2.000 viên, nhưng nếu BV Tâm thần hết thuốc thì Trung tâm cũng không biết cầu cứu ở đâu. Những lúc thiếu thuốc thế hệ mới, Trung tâm rất chật vật thay đổi phác đồ điều trị bằng thuốc cũ vì cơ thể BN phải cần một thời gian nhất định mới đáp ứng hiệu quả với thuốc.

“Mỗi lần đi nhận thuốc cho người bệnh, tôi thấy có sự thiếu công bằng giữa BN tâm thần lang thang với BN tâm thần của CTMTQG. Ví dụ, cơ sở điều trị thuộc CTMTQG sẽ được nhận các loại thuốc thế hệ mới như Fluoxetin 20mg viên nén hoặc viên nhộng dành để chống bệnh trầm cảm; trong khi chúng tôi vẫn nhận thuốc thế hệ cũ là Amitriptylin 25mg” - BS Lương Thị Phượng, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Q.Thủ Đức cho biết.

BS Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Tâm thần TP.HCM, giải thích: “BV Tâm thần là đầu mối cung cấp thuốc của CTMTQG đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần do ngành y tế quản lý. Hiện BV quản lý hơn 5.000 BN tâm thần phân liệt đến nhận thuốc thường xuyên, chưa kể hàng ngàn BN động kinh cũng cần nguồn thuốc điều trị. Tuy nhiên, vì các trung tâm điều trị bệnh tâm thần của Sở LĐ-TB-XH cũng thiếu thuốc nên chúng tôi phải san sẻ”.

Benh nhan tam than cung bi phan biet

Bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Q.Thủ Đức đang chờ khám

Mua bảo hiểm y tế có giải quyết rốt ráo?

Bà Hồ Thị Thu Huyền, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP, băn khoăn: “Trước đây, Sở quản lý khoảng 1.000 BN tâm thần, nhưng số BN lang thang, không người thân trên địa bàn TP ngày càng đông nên đòi hỏi phải có nguồn thuốc điều trị ổn định. Hiện nay, Sở có ba trung tâm chuyên điều trị cho khoảng 3.000 BN tâm thần tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), Tân Định (Tân Uyên, Bình Dương), Bình Đức (tỉnh Bình Phước). Theo tôi, dù BN thuộc ngành nào quản lý cũng phải thống nhất trong một phác đồ điều trị chung và cùng nằm trong CTMTQG để được điều trị như nhau. Chưa kể, những BN lang thang, cơ nhỡ, bỏ nhà đi... thường là những BN tâm thần nặng, nếu không được điều trị tích cực sẽ rất nguy hiểm cho xã hội”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết, Sở đã đề nghị Sở Y tế TP.HCM là mỗi khi báo cáo số lượng BN tâm thần cho UBND TP phải báo cả số BN trên địa bàn TP, kể cả BN do Sở LĐ-TB-XH quản lý. Mục đích là để xin cho khoảng 3.000 BN này được vào CTMTQG. Nếu không được thì cũng để UBND TP biết, dự trù kinh phí, đảm bảo nguồn thuốc cho người bệnh tâm thần trên địa bàn. Nhằm tránh khả năng thiếu thuốc điều trị, trước hết Sở LĐ-TB-XH sẽ mua thẻ BHYT cho BN tâm thần. Tuy nhiên, một số BS cho biết, danh mục thuốc BHYT thiếu các loại thuốc thế hệ mới.

Trong khi đó, bà Hồ Thị Thu Huyền băn khoăn: “Việc khám chữa bệnh ban đầu bằng thẻ BHYT tại các cơ sở cũng khó thực hiện khi hiện nay, Sở LĐ-TB-XH còn có hai cơ sở thiếu BS vì không tuyển được; trong khi, theo quy định của Bộ Y tế thì cơ sở khám bệnh phải có BS. Còn nếu đưa BN lên tuyến phường/xã khám sẽ rất khó khăn vì số lượng bệnh lớn, nhiều BN nằm liệt giường hoặc bị kích động, khó kiểm soát hành vi...”. Theo bà Huyền, nếu Bộ Y tế đưa những BN này vào CTMTQG sẽ ổn định hơn, vì y sĩ cũng biết cách phát thuốc cho người bệnh theo phác đồ sẵn có. Nếu không, UBND TP phải có một quy định nào đó để đưa BS chấp nhận về công tác ở các cơ sở điều trị BN tâm thần.

 Văn Thanh

Bệnh nhân tâm thần được hưởng CTMTQG ngoài việc nhận thuốc miễn phí còn được tập luyện phục hồi chức năng, giảm hành vi gây rối. Mục tiêu của chương trình là phát hiện sớm người bệnh thông qua nhân viên trạm y tế chủ động phát hiện người bệnh và vận động người nhà đưa vào chương trình điều trị. Tuy nhiên, CTMTQG quản lý theo nơi cư trú, nên những bệnh nhân lang thang, sẽ không nằm trong chương trình.

BS Trần Duy Tâm
(BV Tâm thần TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI