Bài 2: Lách luật từ 'mục đích nhân đạo'

26/06/2014 - 17:14

PNO - PN - Thông tin cho phép mang thai hộ “vì mục đích nhân đạo” khiến những người hiếm muộn con cái như vỡ òa niềm hạnh phúc, thế nhưng “soi” kỹ dự thảo luật thì không phải trường hợp nào cũng có thể thở phào nhẹ nhõm.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Khó tìm người mang thai hộ

Như thông tin đã đưa, vì không được “thương mại hóa” nên luật quy định, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải có mối quan hệ họ hàng ruột thịt. Thế nhưng, thực tế có nhiều trường hợp không tìm được người mang thai hộ. Vợ chồng anh Nguyễn Thành Nh. và chị Hoàng Nhi K. (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) dù mỗi bên có ba-bốn chị em gái, nhưng không ai đồng ý hỗ trợ. Anh chị vẫn còn hai phôi thai trữ sẵn từ năm 2011 ở ngân hàng phôi của Bệnh viện (BV) An Sinh nhưng suốt mấy năm qua vẫn chờ cơ hội thành hình. Anh Nh. đau khổ kể: “Vợ chồng tôi cố gắng tìm người mang thai hộ nhưng chưa có kết quả. Mấy tháng trước tôi nghe ở khu nhà trọ trong con hẻm sát BV Từ Dũ, chuyện má chồng mang thai hộ con dâu. Chúng tôi vui quá, mang chuyện này về bàn bạc với gia đình thì má tôi giãy nảy: “Tao và chị sui mang thai, đẻ con cho bây, dị hợm hết sức”.

Chị H.T.T.N. mồ côi từ nhỏ, sống ở làng SOS Gò Vấp, còn anh T.V.T. chồng chị từ năm 12 tuổi đã mất cha mẹ sau một tai nạn giao thông nên cùng em gái sống nương nhờ một trại trẻ mồ côi tại Hải Phòng. Cưới nhau sáu năm không có con, khi đến một BV phụ sản khám và điều trị, chị N. mới hay mình không có tử cung. Được các bác sĩ hướng dẫn, chị N. đã cấy thành công phôi, gửi ngân hàng ở BV Từ Dũ từ năm 2010, với hy vọng đến ngày luật cho phép nhờ người mang thai hộ. Sau đó, cô em gái của anh T. vui vẻ nhận lời giúp anh trai. Sự thể chẳng ngờ, tháng 6/2012, cô em gái qua đời. Với chị N., luật đã thông qua, nhưng đường con cái của chị vẫn mịt mờ.

Nói về chuyện nhờ người mang thai, chị Trần Thị Minh L., kỹ sư hóa của một tập đoàn dệt may bật khóc: “Hai vợ chồng tôi đều là con một, hai bà mẹ của chúng tôi đều quá 70. Luật không cho mang thai hộ từ người xa lạ thì những phụ nữ như tôi nếu không “làm liều” chỉ còn biết sống trong cô quạnh”. Chị L. năm nay 39 tuổi, bị dị tật bẩm sinh ở tử cung.

Theo luật, những trường hợp như vợ chồng anh Nh, chị N., chị L. cùng biết bao hoàn cảnh tương tự khác sẽ hoàn toàn bế tắc. Phải chăng vì thế mà việc đẻ thuê vẫn cứ sẽ diễn ra trong âm thầm, lén lút?

Bai 2: Lach luat tu 'muc dich nhan dao'

Nhiều phụ nữ hiếm muộn hạnh phúc khi sắp làm mẹ. Họ may mắn hơn những người phải tìm người khác mang thai hộ

Cần được tư vấn kỹ

5 giờ sáng ngày 24/6, chúng tôi hẹn gặp một phụ nữ “đẻ thuê” bị “bỏ rơi” khi cái thai chưa tròn sáu tháng. Chị tên D.T.T.H., 37 tuổi, nhà ở trong một con hẻm đường CMT8, P 13, Q.Tân Bình. Chị H. tâm sự: “Hoàn cảnh khó khăn quá, tôi suốt ngày quần quật kiếm tiền nuôi tụi nhỏ, vừa mệt mỏi truy tìm cha mẹ của thằng nhỏ này...”.

Năm 2010, H. quyết định làm một cú liều, mang thai hộ cho một đôi vợ chồng doanh nhân hiếm muộn. Chị kể: “Lúc đó tôi bế tắc vô cùng, chồng bị ung thư qua đời, để lại một đống nợ nần cùng hai đứa con còn quá nhỏ. Tôi bán căn nhà ở đường Lý Thường Kiệt để trả nợ và về đây mua căn nhà nhỏ này để sống. Đang dạy ở một trường tiểu học, do nghỉ việc lo chuyện nhà quá nhiều, tôi làm việc không hiệu quả, sau đó đành xin nghỉ việc. Chẳng may vừa lúc đó, mẹ tôi bị ung thư dạ dày. Tôi nhận lời mang thai hộ giúp hai vợ chồng này để có tiền chữa bệnh cho mẹ. Vì biết gia cảnh tôi khó khăn, họ hợp đồng đến 180 triệu đồng, lo toàn bộ các chi phí y tế, dịch vụ liên quan sinh nở. Tôi mang thai đến tháng thứ sáu thì việc kinh doanh của họ bị thua lỗ và họ bán nhà bỏ trốn. Lúc em gái tôi hay tin này, nó xộc đến nhà chở tôi tới ngay công ty đó, nhìn cảnh tượng hàng chục người đứng vây trước cổng công ty, tôi ngất ngay tại chỗ”.

Sau khi sinh đứa trẻ, chị H. gần như trầm cảm, kiên quyết không cho em gái mang đứa trẻ cho người khác, cứ khư khư giữ bé, còn gọi nó là “báu vật 200 triệu” của mình. Chị Dương Thị L. Ch., em gái của chị H. tâm sự: “Chị ấy tạm ổn định tinh thần, chịu đi làm việc lại khoảng hai năm nay thôi. Cuối năm 2012, người phụ nữ nhờ mang thai hộ quay về thành phố, tôi và chị tôi mang con đến giao thì cô ta phủi tay không nhận rồi bỏ trốn”.

Hoàn cảnh đau lòng của chị H. không phải hiếm. Tại buổi góp ý cho dự thảo Luật Hôn nhân gia đình do Hội LHPN TP.HCM tổ chức mới đây, luật sư Dương Thị Tới - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, dù mang thai hộ mang tính nhân đạo cũng phải có hợp đồng ràng buộc hẳn hoi. Có những cặp vợ chồng lúc đầu hăm hở nhờ người mang thai hộ, nhưng đến khi thai được sáu-bảy tháng lại ly hôn, không còn muốn có con nữa. Người mang thai hộ vô tình phải nuôi luôn đứa nhỏ. Điều này sẽ rất thiệt thòi cho họ, nhất là những người kinh tế khó khăn.

Đồng tình với việc cần có những quy định rõ ràng, hợp đồng chặt chẽ cho việc mang thai hộ, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ cho biết, quá trình mang thai, sinh đẻ không thể nói trước được điều gì, vì vậy nếu phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh thì người nhờ mang thai hộ cũng phải nhận con sau sinh chứ không được bỏ trốn.

Thậm chí, sản phụ có thể bị tiền sản giật, tiểu đường, tai biến sản khoa, băng huyết sau sinh, tử vong… thì người nhờ mang thai hộ cũng phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng họ. Ngược lại, người mang thai hộ phải có trách nhiệm giao con cho người nhờ mang thai, chứ không vì nảy sinh tình cảm mà không giao con. Do đó, trước khi mang thai thì người mang thai hộ phải được tư vấn mọi rủi ro và trách nhiệm. Để đảm bảo an toàn khi mang thai thì người mang thai hộ cần được khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như: viêm gan siêu vi B, HIV và chủng ngừa một số loại vắc-xin trước mang thai như những phụ nữ có dự định mang thai khác.

Bác sĩ Tuyết cho rằng: “Để tránh tình trạng thương mại hóa, Bộ Y tế nên cho phép thực hiện việc mang thai hộ ở BV công và mỗi vùng miền chỉ chọn duy nhất một BV đủ tiêu chuẩn thực hiện mang thai hộ. Hiện nay, Việt Nam có đến 19 trung tâm hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên số nơi thực hiện mang thai hộ theo hình thức nhân đạo không nhiều nên cần kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, nếu cơ sở tư nhân đặt lợi nhuận lên hàng đầu thì họ sẽ thực hiện lén lút mang thai hộ theo hình thức thương mại”.

Khả năng “chảy máu” ngoại tệ vì lách luật

Trên thế giới hiện có chưa tới 10 nước cho phép mang thai hộ. Ở châu Á thì có Ấn Độ và Thái Lan cho phép mang thai hộ bằng cả hình thức thương mại hóa. Việt Nam có từ 7-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không thể có con. Chi phí thực hiện mang thai hộ tương đương với việc thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện, chi phí thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới, tại BV Từ Dũ chỉ khoảng 50-60 triệu đồng/lần thực hiện, trong khi ở Thái Lan lên đến 200 triệu đồng.

Luật cho phép mang thai hộ chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, với quyết định cấm đẻ thuê và chỉ cho người có họ hàng mang thai hộ, nhiều người sẽ lại ra nước ngoài để nhờ mang thai hộ. Một phụ nữ 34 tuổi ở Q.3, TP.HCM từng sang Thái Lan nhờ người mang thai hộ chia sẻ: “Suốt cả một năm trời tôi sống đau khổ, lo sợ… Cứ sợ mất con, cứ lo người đàn bà ấy quỵt tiền, hoặc đến giờ chót đòi thêm chi phí…”.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM nói: “Mặc dù pháp luật quy định khá chặt chẽ việc mang thai hộ là vì mục đích nhân đạo, nghiêm cấm việc thương mại hóa, song thực tế rất khó để có thể nhận biết và xử lý vi phạm này và việc lách luật có thể xảy ra, dưới dạng hỗ trợ tiền quà và giá trị vật chất khác. Thậm chí nếu không quy định chặt chẽ và phù hợp, sẽ khó ngăn được dòng chảy những người lén lút, âm thầm đẻ thuê hoặc ra nước ngoài tìm người mang thai hộ”.

 HẠNH CHI - VĂN THANH

Phải có sự đồng ý bằng văn bản

Việc mang thai hộ trên cơ sở tự nguyện của các bên và phải được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Đối với người được nhờ mang thai hộ, phải có đủ các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý; trong trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Thạc sĩ - luật gia Hoàng Kim Chiến (Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI