Phận người bên bờ sông lở

18/08/2018 - 06:00

PNO - Ở “xóm sạt lở” thuộc khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, người ta lo lắng nghĩ ra muôn ngàn cách tháo chạy để đỡ thiệt hại nhất khi có sạt lở.

Biên dựng: Hoài An

Mưa lớn, anh Toàn phải vội đưa mấy đứa nhỏ ra phòng trọ ở đường Nguyễn Bình khi trời vừa chập choạng tối. Có đứa khóc thét đòi ở lại, nhưng mẹ anh kiên quyết bắt đi. Không đi sao được, khi nước sông đã mấp mé sau hè…

Đo từng tấc đất mép sông

Dòng sông Rạch Tôm nước đục ngầu sau cơn mưa chiều. Đứng bên này bờ, nhìn sang xã Phước Kiển (H.Nhà Bè, TP.HCM), một dãy biệt thự ven sông vừa mới mọc lên, tiếng máy công trình dồn dập. Ở phía bờ chúng tôi đang đứng, dãy nhà cấp 4 nằm chực chờ dưới miệng “hà bá”. Từ mé sông Rạch Tôm, chúng tôi bước đúng bảy bước thì đến chỗ bờ hè bà Trần Thị Đặng (61 tuổi) đang ngồi. Đặt từng bước chân lên đoạn đất mong manh cách ngăn giữa ngôi nhà bà Đặng và mé sông, chúng tôi rùng mình.

Phan nguoi ben bo song lo
Sáu năm qua, mỗi ngày, bà Đặng đều cẩn thận đếm từng bước chân đo khoảng cách nhà mình với bờ sông đang sạt lở

Gần cả đời người gắn bó với bờ sông Rạch Tôm (nhánh của sông Phú Xuân, thuộc khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè), bà Đặng thuộc lòng con nước theo từng mùa. Khi xây nhà, gia đình bà đã chọn một vị trí an toàn cách bờ sông đến 30m để tránh sạt lở. Nhưng điều không phải ai cũng biết trước là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, người ta lấn sông, bít dòng chảy để xây công trình ven sông, gây sạt lở nhiều đoạn trên sông Rạch Tôm và bà Đặng chỉ là một trong rất nhiều người phải gánh chịu hậu quả.

Bà nhớ như in vụ sạt lở vào rạng sáng 31/7/2012, nhấn chìm gần 700m2 đất của người dân tại đây. Từ đó đến nay, khoảng cách của nhà dân ở đây với bờ sông chỉ còn đếm bằng bước chân. Sáu năm qua, mỗi ngày, bà Đặng đều cẩn thận đo khoảng cách giữa nhà mình với bờ sông. Mỗi ngày, khoảng cách ấy một ngắn lại, đồng nghĩa với việc sông sắp “nuốt” nhà và nỗi lo sợ của bà càng lớn thêm. Mỗi lần đo là một lần bà thở gấp.

Dắt chúng tôi đi dọc dãy nhà có hàng chục hộ dân đang sinh sống, bà Đặng bỗng giật thót, như rùn người lại khi thấy một đoạn bờ kè bằng gỗ đã mục nát, bị sóng đánh văng ra vài cây. “Trời, mới nhìn thấy đó mà”, bà thốt lên, mặt không giấu được vẻ hoảng hốt. Nằm cách bờ sông cả chục mét là những ngọn dừa đang thoi thóp dưới dòng nước như một chứng nhân cho vụ sạt lở 6 năm về trước. Tấm biển cảnh báo khu vực sạt lở cũng nằm xiêu vẹo sát mé sông, được người ta căng dây chống đỡ cho khỏi ngã.

Cách nhà bà Đặng 40m, 7 năm về trước cũng bị sạt lở nên đây là khu vực “báo động”. Nguy hiểm như vậy nhưng vẫn còn vài chục người đang bám trụ ở đây sinh sống. “Tôi lo nhất là tụi nhỏ. Nếu mất nhà, tụi nó sẽ ở đâu?”. Nói đến đó, bà lặng đi.

Phan nguoi ben bo song lo
 

Sóng vẫn ì oạp vào mé hiên, trồi sụt. Bao kiếp người xóm này đã trồi sụt theo sông, hết ông bà đến cha mẹ, không lẽ đời cháu lại nhấp nhô tiếp? Trước mùa mưa năm nay, bà Đặng lên khu đất cao cách mé sông vài trăm mét dựng tạm căn chòi để phòng khi đêm hôm có sạt lở, sẽ chạy lên lánh nạn. Nhưng căn chòi tạm làm không phép, địa phương buộc tháo dỡ, bà Đặng đành quay lại bám trụ chốn cũ.

Mấy hôm nay mưa lớn, anh Trần Văn Toàn (ngụ tại khu phố 5, thị trấn Nhà Bè) đứng ngồi không yên. Hôm trước, anh Toàn phải vội “áp tải” mấy đứa nhỏ ra phòng trọ ở đường Nguyễn Bình khi trời đang mưa như trút nước. Lo sông lở, mấy năm nay, anh Toàn thuê phòng trọ ở đường Nguyễn Bình để làm nơi tá túc cho đám trẻ. Anh Toàn hình dung một ngày nào đó, con nước hung bạo sẽ cuốn căn nhà của mình xuống sông, nhưng anh không dám nói ra, vì sợ mẹ anh buồn.

“Thôi thì ở được ngày nào hay ngày đó, chứ đi đâu bây giờ”, người đàn ông ngoài 40 tuổi thở dài. Trước mùa mưa, gia đình anh Toàn cũng đã lên phương án chống chọi khi xảy ra sự cố sạt lở. Anh đem gửi đống giấy tờ quan trọng ở nhà người thân, chỉ để lại các vật dụng thiết yếu trong nhà. Những đêm mưa lớn, anh thường giật mình thức dậy coi con nước. Nếu chẳng may bờ sông bị sạt lở, anh sẽ hô hoán cho mọi người cùng chạy.

Căn nhà cấp 4 của anh Lê Văn Thơm cũng nằm trong diện báo động sạt lở. Khoảng cách giữa bờ sông và căn nhà được ngăn bằng những cọc gỗ đơn sơ; nước lớn, sóng mạnh là có thể tan tành. Ở khu nhà anh Thơm, người ta hay nuôi chó, ban đêm cột nó ở hiên nhà phía sau, phần để canh trộm theo đường sông vào, phần để phòng khi có sạt lở, biết đâu con chó sẽ báo động cho chủ nhà thoát nạn. 

Phan nguoi ben bo song lo
 

Ở “xóm sạt lở” thuộc khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, người ta lo lắng nghĩ ra muôn ngàn cách tháo chạy để đỡ thiệt hại nhất khi có sạt lở. Thế nhưng, những cách thủ công như trên cũng là “chẳng đặng đừng”, bởi khi sông đùng đùng nổi giận, ai mà biết trước. Ở H.Nhà Bè, đã có không ít căn nhà bị sông “nuốt” bất thình lình vào ban đêm. Nhiều người vô gia cư chỉ sau một đêm, phải vào trạm xá cũ tá túc. 

Sống tạm bợ vì quy hoạch “treo”

“Sao cô không dời ra mặt đường sinh sống để bớt nguy hiểm?”. Nghe chúng tôi hỏi, bà Đặng khựng lại rồi hỏi dồn: “Đi đâu bây giờ? Chẳng lẽ bây giờ bỏ nhà, ra thuê nhà trọ sống? Tụi tui muốn lắm chứ, nhưng đi bằng cách nào?”. Dứt lời, bà Đặng dắt chúng tôi ra sau căn nhà có mảng tường bị nứt toác do sụt lún. Vừa rồi, bà Đặng định gia cố, nâng cấp căn nhà mình nhưng vướng quy hoạch, không được xây dựng. Việc vướng quy hoạch tưởng chừng như không liên quan gì đến sạt lở nhưng nó đang “trói chân” người dân nơi đây.

Giở xấp hồ sơ dày cộm về chuyện quy hoạch, bà Đặng rành rọt thuyết minh về “vòng kim cô” trói chân người dân. Mười hai căn nhà ven sông Rạch Tôm thuộc quy hoạch khu dân cư Hồng Lĩnh. Trước nguy cơ sạt lở cao, UBND thị trấn Nhà Bè đã nhiều lần vận động người dân di dời khỏi khu vực này nhưng người dân không đồng ý vì không có tiền di dời, một phần đất chưa chốt được giá đền bù, một phần khác không được đền bù.

Người dân nhiều lần làm thủ tục, có đưa bản đồ, có đơn kêu cứu, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Theo một văn bản của UBND thị trấn Nhà Bè, việc người dân yêu cầu đền bù là có cơ sở. Chính quyền địa phương đã từng mời Công ty Hồng Lĩnh đến họp để giải quyết đền bù với người dân nhưng công ty không cử đại diện dự mà chỉ có ý kiến là không đền bù phần đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này tạo ra sự tranh chấp giữa các bên, dẫn đến người dân không có tiền để di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Phan nguoi ben bo song lo
Bên kia là dãy biệt thự ven sông mới mọc lên, còn bên này, bờ sông tiếp tục sạt lở

Bà Đặng nghẹn ngào: “Đi thì coi như mất nhà, mất đất. Ở lại thì bỏ mạng dưới sông lúc nào không hay. Quy hoạch treo, mạng sống chúng tôi cũng treo theo”. Theo bà, mấy năm trước, chính quyền cũng đưa ra giải pháp cho người dân ở khu sạt lở ra bên ngoài mua đất trả góp, nhưng không ai chịu đi. Đi sao được khi mà tiền đền bù chưa được nhận, lấy gì trả góp tiền mua đất, rồi tiền đâu xây nhà?

Tan ca trong cơn mưa chiều tầm tã, anh Trần Văn Vũ trở về nhà trên con đường lầy lội với dáng vẻ thấp thỏm. Khuôn mặt anh rạng rỡ khi thấy đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên vẹn, không bị nước nhấn chìm. Mùa mưa năm ngoái, căn nhà anh Vũ bị nước ngập sâu hơn nửa mét, đồ đạc hư hỏng rất nhiều. Năm nay, anh định nâng cấp lại căn nhà cho khô ráo nhưng vì vướng quy hoạch nên không làm được. Không biết khi nào mới được dọn đi nên anh Vũ đành phải mua bao xi măng, nâng tạm nền sân phía sau để chắn nước. “Tạm bợ thôi chứ nước lớn thì phải chịu ngập”, anh Vũ nói.

Mùa mưa tới, biết là vẫn phải sống trong khu sạt lở, gia đình anh Vũ bàn nhau mang sổ đỏ ra ngân hàng vay tiền để làm bờ kè chống sạt lở. Họ vừa bỏ ra 75 triệu đồng mua cây gỗ về đóng bờ kè sau nhà với hy vọng sẽ chống chọi với nước sông thêm một, hai năm nữa. Trút cả gia tài để giữ nhà nhưng anh Vũ cũng không biết có thoát nạn hay không vì sạt lở sông ngày càng nghiêm trọng hơn.

***
Khi chúng tôi rời khỏi “xóm sạt lở”, bà Đặng, anh Vũ, anh Toàn vẫn ngồi thẫn thờ đưa mắt nhìn về hướng dãy biệt thự đang xây dựng ở bờ sông đối diện. Mấy đêm rồi, tiếng máy công trình ở phía đối diện khiến họ mất ngủ. Nếu bờ bên kia, người ta xây dựng lấn sông, chắc chắn phía bên này sẽ hứng chịu hậu quả rất nặng nề. 

Dân vùng sạt lở tự trang bị áo phao

Nhiều năm nay, người dân sống ở khu vực sạt lở thuộc khu phố 1, P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM lúc nào cũng trữ sẵn áo phao bởi nhà và người có thể bị cuốn xuống sông bất cứ lúc nào. Chốt bảo vệ của khu phố này cũng được trang bị sẵn đồ cứu hộ bởi thời gian qua, khu vực này đã nhiều lần xảy ra sạt lở.

 Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI