Phải đập bỏ bức tường định kiến

13/05/2017 - 19:01

PNO - Một gánh chè góc phố nuôi đàn con lớn khôn, một tổng công ty tư nhân mấy chục ngàn lao động, cái nào lớn hơn cái nào?

 (Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright)

Sẽ chẳng có thể cân đo điều gì ở đây được, bởi từ đó, một người hay ngàn người, đều cần cơm ăn áo mặc và lớn khôn, và chính những con người đó, mới thực sự đặt những viên gạch làm nên nền kinh tế. Nhưng, gánh chè của người mẹ bươn chải hay nỗi lo lời lãi của ông chủ tập đoàn, đều là nỗi thao thức của người lao động bị bủa vây tứ bề của những quyết sách trì trệ bao nhiêu năm qua.

Chính họ, những người dân, bằng khao khát áo cơm và làm giàu đất nước, cần được xem là chủ nhân thực sự chứ không phải được làm đẹp với những mỹ từ. Bây giờ giấc mơ bình minh đã hé ra với họ trong làm ăn, nhưng họ cần công bằng từ luật chơi, cách chơi và người chơi một cách thật sự...

Mãi đến lúc này, cảm xúc của tôi vẫn còn đang rối rắm trước thông tin các rào cản, định kiến đối với kinh tế tư nhân sẽ được xóa bỏ. Tôi cứ ao ước, giá mà từ những năm 1976, các nhà lãnh đạo của ta cũng có tư duy cởi mở và tầm nhìn chiến lược như vậy, có lẽ hôm nay đất nước đã khác, chắc chắn là phát triển hơn rất nhiều so với mức hiện nay.

Phải dạp bỏ búc tuòng dịnh kién
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa. Ảnh: Fulbright.

Thậm chí, đến thời kỳ đổi mới năm 1986, chúng ta vẫn chưa có được tư duy và tầm nhìn này nên trong việc hoạch định chính sách và hành xử với doanh nghiệp (DN), chúng ta đã tạo ra một khoảng chênh lệch cực lớn giữa khu vực DN nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân, khiến nền kinh tế phát triển một cách méo mó và đầy rẫy bất công.

Từ góc độ khách quan, khối DN nhà nước đã nhận được quá nhiều ưu đãi về tài nguyên (đặc biệt là đất đai), nguồn vốn, cơ chế chính sách; hình thành nên những DN độc quyền với vô số đặc quyền. Trong khi đó, khối DN tư nhân phải tự bươn chải, vấp phải hàng loạt rào cản, hứng chịu bao rủi ro trong kinh doanh và phải tự gánh nhiều hậu quả nếu cạnh tranh thất bại.

Từ đó, nhiều người chỉ khát khao (thậm chí chạy vạy) để bước chân vào khu vực DN nhà nước, cơ quan nhà nước và ở vị trí đó, họ nhìn các DN tư nhân có vẻ rất thấp kém so với vị thế và tầm vóc của mình, như một cái gì đó lẽ ra phải loại bỏ mà vẫn đang phải miễn cưỡng chấp nhận. Mấy mươi năm sống, làm việc và hành xử trong một môi trường như thế, tôi tin tư duy đó vẫn bám chặt trong não trạng của rất nhiều người độ tuổi 40 trở lên. Muốn thay đổi, có lẽ chúng ta sẽ phải cần một hành trình dài, chứ khó làm được trong ngày một ngày hai.

Cho nên hôm nay, khi nói xóa bỏ các rào cản và định kiến đối với kinh tế tư nhân, tôi cho rằng, định kiến mới chính là vấn đề chúng ta cần đặc biệt lưu ý. Nếu chúng ta không loại bỏ được những định kiến không chuẩn mực về khu vực kinh tế này thì sẽ khó lòng đưa ra được những quyết sách hợp tình, hợp lý cho kinh tế tư nhân phát triển.

Nếu chúng ta vẫn giữ tư duy tháo bỏ rào cản là hành động ban ơn cho DN tư nhân thì chính sách của ta sẽ vẫn mãi không bao giờ công bằng. Điều quan trọng nhất, theo tôi, chính là sự công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế phải là việc tất nhiên, chứ không phải đó là một ưu đãi mới dành cho khu vực kinh tế tư nhân.

Chẳng hạn, DN muốn hoạt động thì phải có đất đai. Làm sao để các DN tư nhân cũng có thể thuê đất làm nhà xưởng, mở văn phòng tương tự các DN nhà nước. Nếu một DN cần thuê đất 50 năm chẳng hạn, thì họ chỉ việc trả tiền rồi thuê 50 năm, chứ không phải DN này thì được thuê 50 năm còn DN khác lại phải trả tiền hàng năm. Làm sao để DN tư nhân cũng dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất hoặc vốn hỗ trợ khó khăn chứ không bị bắt phải đứng ngoài cuộc chơi.

Chính sách thuế phải mang tính ổn định, chứ không phải mỗi năm hoặc vài năm lại điều chỉnh một lần khiến DN trở tay không kịp. Ta đã thấy, sau nhiều năm được ưu ái, có những DN nhà nước đã tích lũy được tiềm lực rất to lớn, giữ thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực; trong khi kinh tế tư nhân lại nhỏ lẻ và yếu ớt.

Nhà nước sẽ phải có chính sách chống độc quyền và có cơ quan kiểm soát độc quyền hoạt động như một tòa án độc lập - một cơ quan bán tư pháp, bán hành chính, chứ không phải là một cơ quan trực thuộc Bộ Công thương như hiện nay. Khi những rào cản đã được tháo dỡ, những định kiến được xóa bỏ, các DN cũng cần phải năng động hơn trong hoạt động kinh doanh: tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất để bước vào một cuộc chơi sòng phẳng, nhà nước không thể làm thay nghĩa vụ của DN.

Cuối cùng, tôi có một ước mơ, những anh hùng của chúng ta có thể là người vừa bước ra khỏi bàn đàm phán với chiến thắng là mang về cho các DN Việt những hợp đồng có lợi ích kinh tế cao cho quốc gia, tạo công ăn việc làm cho người dân. Họ xứng đáng được tôn vinh, được đặt tên đường như những anh hùng khác.

Thành Nhân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI