Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Có bao che thì xây dựng không phép mới tồn tại được'

10/07/2019 - 16:23

PNO - Ông Nhân nói: 'Nếu xây dựng không phép thì lãnh đạo quận/huyện, xã/phường phải biết chứ. Có bao che thì xây dựng không phép mới tồn tại được'.

Mạnh tay xử nhà không phép, quyết liệt xử cán bộ buông lỏng quản lý xây dựng là những gì phải làm sau khi nhiều sai phạm trong quản lý xây dựng bị phát hiện tại TP.HCM.

Hơi nóng này phả ra từ Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 30. Nhưng cũng ở đó, một góc nhìn khác, đã thử đứng về thân phận con người.

Nhà không phép năm sau cao gấp đôi năm trước

Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 30, diễn ra trong ngày 8, 9/7/2019. Lãnh đạo các địa phương là điểm nóng về xây nhà không phép như Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn... giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phải báo cáo tình hình và cách khắc phục.

Theo báo cáo của Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường, tình hình xây dựng ở quận Thủ Đức diễn biến khá phức tạp.

Trong các năm 2015-2017, số lượng các công trình không phép, sai phép có giảm.

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, công trình sai phép lại tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số công trình xây dựng sai phép là 121, tăng gấp đôi so với cả năm 2018. Số công trình không phép là 59, cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.

Tại huyện Hóc Môn, năm 2016 có 210 vụ vi phạm xây dựng. Năm 2017 có 218  vụ. Năm 2018, có 87 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã phát hiện 52 vụ vi phạm xây dựng và đã xử lý.

Tại huyện Bình Chánh, từ năm 2014-2016, có 2.918 vụ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Trong đó, vận động chấm dứt ngay từ đầu là 186 trường hợp, chiếm 6%. Lập hồ sơ xử lý 2.727 trường hợp. Trong các năm  2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, số vụ vi phạm bị phát hiện là 2.180 trường hợp.

Tính chung cả TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, có 1.640 trường hợp vi phạm xây dựng, gồm 616 trường hợp xây dựng không phép.

Ong Nguyen Thien Nhan: 'Co bao che thi xay dung khong phep moi ton tai duoc'
Một dãy nhà mọc lên ngay trong khu quy hoạch ở xã Bình Hưng

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: con số vi phạm như vậy, tức là mỗi quận, huyện chỉ có 25 trường hợp. 

“Với con số này, nếu xây dựng không phép thì lãnh đạo quận/huyện, xã/phường phải biết chứ. Có bao che thì xây dựng không phép mới tồn tại được” - ông Nhân nói. 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trách nhiệm không chỉ ở chủ tịch quận mà bí thư quận phải có vai trò cùng giám sát. Ông giao cho lãnh đạo các quận, huyện phải chấn chỉnh tình trạng vi phạm xây dựng trước kỳ Đại hội Đảng bộ quận, huyện.

Buông lỏng việc quản lý xây dựng, nhiều cán bộ đã bị xử lý. Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã cảnh cáo ông Trần Văn Dũng - Ủy viên Ban thường vụ quận ủy, Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức; cảnh cáo ông Nguyễn Nam Hải - Trưởng phòng Quản lý đô thị; cách tất cả chức vụ trong đảng đối với ông Nguyễn Tấn Phát - Bí thư chi bộ Đội Thanh tra quận và yêu cầu Sở Xây dựng cách chức đội trưởng Đội Thanh tra.

Ông Dương Hồng Thắng - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - cho biết, từ tháng 6/2018, huyện này đã kỷ luật 14 công chức. Các lực lượng thanh tra của huyện đã xử lý 6 cá nhân và 1 tập thể liên quan đến vi phạm về xây dựng và đề nghị Công an TP.HCM khởi tố 2 vụ việc liên quan đến vi phạm xây dựng.

Thân phận con người?

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - đã đưa ra góc nhìn rất riêng từ thân phận con người. Đó là những người nghèo, người nhập cư với mong muốn được an cư ở TP.HCM để lập nghiệp.

“Dù công nhân nghèo, từng giọt mồ hôi của họ đang đóng góp vào tăng trưởng GDP của TP.HCM. Là thành phố văn minh, nghĩa tình, chúng ta cần nhìn thêm ở chiều đó, để có cách tháo gỡ; chứ không chỉ đơn thuần là cưỡng chế, tháo gỡ” - ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng cho rằng, lỗi còn ở chính lãnh đạo TP.HCM: “Những giải pháp mà Giám đốc Sở xây dựng đưa ra là những gì mà chúng ta đã và đang làm. Nhưng tại sao đã và đang làm mà đến lúc này lại bùng phát tràn lan như vậy? Phải nhìn nhận nhu cầu nhà ở là nhu cầu cấp bách tại TP.HCM. Loại trừ những nhà xây dựng của đầu nậu, của những người cố tình vi phạm pháp luật, chúng ta phải nhìn ra nhu cầu thật về nhà ở của người lao động. 

Họ đang có nhu cầu ở quận vùng ven, huyện ngoại thành - những nơi đang có tốc độ đô thị hóa lớn. Chúng ta chưa thấy lỗi của mình. Trước đây, chúng ta kêu gọi các nhà đầu tư cùng thành phố xây dựng khu lưu trú cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhưng chúng ta đã buông lỏng, không sát”.

Theo nhận định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, các điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian qua tại TP.HCM là quận 2, 9, 7, Thủ Đức, huyện huyện Bình Chánh, Hóc Môn… Đây là các quận, huyện đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, là nơi tập trung rất đông người nhập cư. 

Nhìn vào thì cứ ngỡ là đất rộng người thưa, nhưng theo phân tích của ông Nguyễn Văn Phụng - Bí thư Huyện ủy Bình Chánh - quy hoạch đất ở cho dân là thấp so với nhu cầu thực tế. 

Thống kê của huyện Thủ Đức cũng cho thấy, 75% công trình không phép diễn ra chủ yếu tại các khu vực đang quy hoạch như quy hoạch Đại học Quốc gia ở phường Linh Trung; khu thực nghiệm của Trường đại học Nông Lâm TP.HCM; đất công viên cây xanh ở phường Tam Phú, đất quy hoạch ga Bình Triệu... 

Hiếu Nguyễn

 
TIN MỚI