Nước đổ đầu vịt

04/01/2019 - 11:30

PNO - Dù có đi góc bể chân trời nào, người Việt vẫn khư khư ôm ý nghĩ tài sản cao hơn tính mạng.

Mới đây, một tờ báo loan tin: chủ một tiệm nail ở Mỹ là người Việt, khi bị khách quỵt tiền làm móng, đã chạy theo chặn đầu xe và bị tông chết. Có một góc nhìn, cũng từ người Việt ở nước ngoài, rằng, dù có đi góc bể chân trời nào, người Việt vẫn khư khư ôm ý nghĩ tài sản cao hơn tính mạng: nhà cháy vẫn lao vào giựt đồ, nứt sập nhà vẫn cố ở, biết chết vẫn lội ra giữa dòng lũ để cứu bầy heo bị trôi… Họ lý luận đơn giản, đó là tài sản tích cóp một đời.

Nuoc do dau vit
Ảnh minh hoạ

Dẫn chuyện này, vận vào câu chuyện tài xế uống rượu điều khiển xe, tông người khác chết, vậy phương tiện là chiếc xe có bị tịch thu không? Từ năm 2015, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất sung công nếu xe gây chết người mà người điều khiển say rượu bia, nhưng sau đó gây tranh cãi, bởi có khi xe của chủ khác, chủ xe không có lỗi. Chuyện không có hồi kết, nhưng rõ ràng, trừ yếu tố pháp lý gây tranh cãi, thì suy nghĩ chuyện tài sản ở người Việt, sống ở đâu cũng vậy.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, qua hai đợt cao điểm kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn từ tháng 4-5 và tháng 8-9/2018, cảnh sát giao thông đã xử lý 27.586 trường hợp. Trong đó hơn 5.500 lượt tài xế ô tô và trên 22.000 lượt tài xế xe máy vi phạm; đã tước hơn 5.400 giấy phép lái xe, tạm giữ 6.648 phương tiện. Tuy nhiên, tệ nạn rượu bia trong giới tài xế xem ra vẫn còn rất phổ biến.

Quan chức nước mình thường có câu rằng chuyện này nọ nước ngoài làm rồi. Vậy, ví dụ ở Nhật, lái xe có nồng độ cồn vượt mức cho phép, bị phạt tù 3 năm, người cung cấp bia rượu cho tài xế cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Ở Hàn Quốc, lái xe say rượu có thể bị phạt tù 6 tháng…thì sao các vị không áp dụng ngay đi, hễ ngồi sau tay lái mà có nồng độ cồn vượt mức cho phép thì dứt khoát ông bà sẽ ngậm ngùi ca “xuân này con không về”? Tại sao không tịch thu phương tiện? Đừng nghĩ rằng, vậy thì quá oan cho chủ xe.

Khi luật như thế ban ra, tài xế buộc phải biết rằng, hễ vi phạm luật thì dứt khoát ngồi tù, mất tài sản. Ông bà đừng viện lý do nhà em nghèo. Thưa, giàu nghèo thì có quan trọng bằng mạng người không? Chủ phương tiện buộc phải biết là nên giao xe cho ai; do liên đới đến quyền lợi của mình, họ sẽ có cách ràng buộc, thỏa thuận khi giao điều khiển phương tiện.

Hiện có 35 văn bản từ trung ương được ban hành, liên quan đến quản lý bia rượu, nhưng đâu lại vào đấy. Làm sao để giới tài xế nghĩ rằng không phải chờ cầm dao giết người mới tra tay vào còng; làm sao để những kẻ gieo cái chết sau vô-lăng biết sợ, biết quý mạng người như mạng mình, chứ không phải mấy triệu đồng phạt hành chính, bằng lái bị tước mấy tháng mấy năm…

Đừng họp hành tranh cãi nữa, phải dùng “bàn tay sắt” trong việc xử lý những kẻ nồng nặc mùi men khi điều khiển phương tiện giao thông, bởi quá nhiều cái chết oan ức từ những cơn say của các hung thần đường phố. Còn các tài xế, có bao giờ các vị nghĩ rằng, gia đình mình, nếu lỡ rủi ra đường rồi vĩnh viễn không về do đồng nghiệp mình say rượu, lúc đó các vị nghĩ sao?

Nước mình có những điều rất lạ. Nhiều thứ không nên cấm, nhưng cứ làm ngặt nghèo, khiến dân tình ca thán; còn những thứ nhởn nhơ hằng ngày buộc phải ra tay dứt khoát, thì lại được xử theo kiểu xìu xìu ển ển, phạt cho tồn tại. Đành rằng giáo dục pháp luật là một biện pháp quan trọng, nhưng nếu chế tài không đủ sức răn đe thì chẳng khác chi nước đổ đầu vịt.

Mộc Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI