Nước đã rút, nhưng tiếng khóc xé trời còn đó...

08/08/2016 - 06:29

PNO - Nước đã rút, nhưng tiếng khóc xé trời còn đó, bởi dưới bùn đất hoang tàn, còn bảy thi thể vùi vạ đâu đó chưa tìm ra. Cả hai thôn Sủng Hoảng 1 và 2 xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai rơi vào hoảng loạn.

Mất hết, tan nát hết từ nhà cửa, vườn tược, trường học, và đau thương hơn là bao gia đình mất đi người thân. Những mái nhà vùi trong đất và rác. Những gương mặt thất thần, vỡ ra như bùn vì không tin mình tay trắng, không tin cha mẹ mình, con cái mình chết trước mắt mình, tuột khỏi tay mình trong nháy mắt.

“Lúc đầu mưa nhỏ, gần sáng thì nghe cái ầm, thế là cuống chạy, chỉ có mấy người ngủ và người già, con nít chạy không kịp nên đá đè, lũ cuốn chết mất...”. Đó là lời kể của những phận đời nhỏ nhoi nhưng may mắn tránh được cơn cuồng nộ của lũ ở hai thôn tang thương này. Nhưng, liệu sự bé nhỏ, yếu ớt, mong manh của họ, thi gan được với sơn thần, thủy quái đến bao giờ? Đói, khát, rét. Những dáng ngồi rã rời, quỵ xuống, bất lực. Lũ đã rút, nắng đã lên, và đau thương đùn lên, như nằm như ngồi, như biệt tích trong ngổn ngang bùn rác, vừa lặng im vừa hiển lộ như trêu ngươi, như thách thức.

Nuoc da rut, nhung tieng khoc xe troi con do...
Ảnh: Báo Lào Cai

Chỉ sau một đêm là mất tất cả. Màn trời chiếu đất đã đành, nhưng vết chém mất người thân, sao lành được. Vì thế cái câu hay lặp lại “cuộc sống trở lại bình thường” như giễu cợt nỗi đau. Không gì là bình thường cả. Không thể là bình thường. Ngày tháng qua đi, nỗi đau ngủ yên mà thôi, bởi dòng sông, dòng suối kia vẫn sôi sục quặn đỏ rồi vàng đục bùn đất, như thè lưỡi hái tử thần đe dọa, rập rình, đột ngột như từ dưới đất trồi lên, cuống phăng tất cả.

Những động tác cứu viện của chính quyền sau lũ là đương nhiên và câu chuyện chống lại thảm họa thiên tai, năm nào cũng thế, lặp đi lặp lại bổn cũ. Cảnh báo - có, cảnh báo thường xuyên và bài học chống lũ với “bốn tại chỗ” ai cũng thuộc nằm lòng, nhưng khi cái chết ập đến, là đứng kêu trời. Mưa lũ đã về và càng ngày, nơi bão lũ “viếng thăm” không còn mặc định là miền Trung như bao năm nữa, mà đã rộng ra cả nước.

Vẫn chưa thể quên những tiếng kêu thất thanh trong đêm đến lãnh đạo các tỉnh miền Trung qua điện thoại từ dân vùng lũ, kêu trong tuyệt vọng khi nước đã ngang cổ. Vẫn chưa quên những bàn tay chỉ còn sức vẫy một lần yếu ớt qua viên ngói trên nóc nhà bởi không còn sức kêu cứu nữa. Vẫn còn đó những dáng ngồi mục ra như rơm rạ khi lũ tan, khi nhà cửa, người thân đã về với hà bá. Cho nên, dân vùng lũ cay đắng thêm một đoạn nữa sau phương châm bốn tại chỗ, là… chết tại chỗ.

Không ai đủ sức chống lại thiên tai, vì thế, hành xử khôn ngoan là né tránh chứ không phải là đương đầu. Năm nào điệp khúc đau thương do lũ bão vẫn nổi lên, ít hay nhiều mà thôi. Thực tế tại các địa phương cho thấy, việc riết róng quy hoạch dân vùng trũng, sát sườn núi, chân núi có nguy cơ cao bị lũ quét, là cực kỳ cần thiết để tránh tổn thất và nhiều nơi khi lũ lớn xảy ra, đã giảm thiểu được thiệt hại về người và của. Mà làm điều đó, việc đầu tiên là chính quyền không được hô khẩu hiệu, làm cho có, manh mún, mà phải có kế hoạch bài bản đi liền với đảm bảo dân sinh, làm sớm từ đầu năm, nhất là giao thông.

Xây nhà chống lũ, khu dân cư tránh lũ để người dân thoát được họa chết chóc và kiên quyết di dời dân nếu có cảnh báo nguy hiểm. Lãnh đạo phải coi chuyện sống-chết của dân là nhiệm vụ chính trị để đánh giá trách nhiệm của họ. Đi cùng việc đó, công tác dự báo mưa lũ phải chính xác, việc ứng cứu luôn đặt trong tình trạng báo động, phải bèn mọi cách cứu dân, xem mạng sống của dân là trên hết, là đặc biệt, chứ không thể ầu ơ.

Trên mạng có bình luận chuyện đưa thực phẩm cho dân đang rét đói ở Sủng Hoảng bằng ròng rọc qua sông, rằng trực thăng ở đâu mà làm kiểu thủ công thế này? Lũ bão xảy ra thường xuyên, năm nào, mùa nào cũng có người chết, vì thế không thể châm chước cho cái câu nghe đã nhà m tai là... quá bất ngờ!

Ở đây cần lắm quyết sách lương tâm và trách nhiệm của nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương và điều đó có giá trị hơn bất kỳ một gói quà cùng lời chia buồn thoáng qua nào, bởi bên cạnh không có nguyên nhân thường được… rút kinh nghiệm, thì bao lần đã được nghe người có trách nhiệm ở địa phương than: xin ngân sách phòng chống lũ cho dân nhưng năm nào trung ương để đến mùa mưa mới duyệt, mình ứng ngân sách trước thì sang năm chờ vốn rót về dài cổ, nên biết làm sao bây giờ!

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI