Nơi trú ẩn giữa Sài Gòn cho những sản phụ bị ruồng bỏ

29/10/2019 - 09:00

PNO - Câu dỗ dành “mẹ đây, mẹ đây" thỉnh thoảng vang lên trong phòng. Những “người mẹ" đang ngồi đó cũng chính là những sản phụ từng bị người yêu quay lưng, bị gia đình ruồng bỏ, tìm đến nương tựa ở mái ấm này.

 “Con đứng lên đi, con đứng được mà”. Từ góc phòng, sư cô Chúc Từ ngồi bệt xuống đất, nắm lấy hai bàn tay nhỏ xíu của một đứa trẻ và lặp lại giọng đầy khích lệ. Đây đó có vài phụ nữ im lặng dỗ giấc cho những đứa trẻ vừa trở mình, miệng khẽ nói: “Mẹ đây, mẹ đây". Tôi đến gần đứa trẻ đang tập đứng với sư cô, hỏi mẹ bé đâu. Sư cô vừa vỗ về đứa trẻ, vừa nói: “Mẹ em bán nước đằng sở thú để nuôi anh bệnh, em ở với cô, bữa nào rảnh, mẹ mới qua thăm”. 

“Đoạn đời đó lỡ không ai nâng…”

Căn nhà nằm trong hẻm 57 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cách Thảo Cầm Viên - nơi mưu sinh của người mẹ nọ - chỉ hơn 1km, nhưng một trời cách biệt. Bên này, mỗi ngày, đứa trẻ lớn lên trong vòng tay của người phụ nữ không máu mủ. Bên kia, người mẹ trẻ lầm lũi mưu sinh, chỉ rời cái hàng nước lưu động vào nửa đêm để vạ vật ngủ trong căn phòng trọ chật chội gần đó. Họ biết đến nhau qua sự kết nối của một bác sĩ.

Noi tru an giua Sai Gon cho nhung san phu bi ruong bo
Sư cô Chúc Từ đang dỗ dành đứa trẻ: “Con đứng đi! Con đứng được mà...”

Lần đó, sư cô Chúc Từ đang tất bật với những đứa trẻ trong mái ấm thì nhận được một cuộc điện thoại, báo ở khoa sản một bệnh viện, đang có một bà mẹ định bỏ con. Tất tả chạy đến, sư cô Chúc Từ đối diện với một phụ nữ đang nức nở rằng cuộc sống hiện tại vốn đã quá sức, chị không thể nuôi đứa trẻ vừa sinh. Khi biết chị đang nuôi một đứa con 4 tuổi, chồng bỏ đi, sư cô Chúc Từ ngỏ lời cưu mang đứa trẻ mới sinh với lời hứa “sẽ nuôi cho bé được lớn lên như những đứa trẻ khác, chừng nào mẹ sẵn sàng nuôi con thì đến nhận lại". Người mẹ nhận lời. 

Ngày xuất viện, sư cô Chúc Từ được bác sĩ mời lên gặp, trao cho một gói thuốc, dặn: “Anh trai của bé nhiễm HIV, cô phải tuân thủ lịch uống thuốc của bé để hai tháng sau quay lại xét nghiệm, lúc đó mới biết chắc bé có bị nhiễm bệnh hay không”. Trọng trách đến đột ngột, bà nghe rụng rời. Ở nhà, hơn 20 đứa trẻ và 10 sản phụ đang chia nhau từng chút không gian. Riêng phần không gian đã không đủ để chăm sóc cách ly một đứa trẻ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Nhưng, khi người mẹ đã một mực khước từ việc nuôi con, sư cô biết mình không đành ngoảnh mặt. 

Sư cô Chúc Từ mày mò tìm đọc những kiến thức chăm sóc bệnh nhân HIV để vừa đảm bảo sức khỏe cho đứa trẻ, vừa bảo vệ những bà mẹ và em nhỏ khác trong mái ấm. Ngày xét nghiệm, cả “nhà" hồi hộp. Trời thương, đứa trẻ “âm tính" với vi-rút HIV. 

Câu dỗ dành “mẹ đây, mẹ đây" thỉnh thoảng vang lên trong phòng. Những “người mẹ" đang ngồi đó cũng chính là những sản phụ từng bị người yêu quay lưng, bị gia đình ruồng bỏ, tìm đến nương tựa ở mái ấm này. An trú nơi này cho đến tháng thứ sáu sau sinh, khi đã đủ sức lao động, họ rời mái ấm đi tìm việc. Lúc này, cả mái ấm, có 10 sản phụ đang chờ sinh, 22 đứa trẻ, nhưng chỉ có chừng 7 người mẹ.

Nhiều người mẹ sớm rời mái ấm, gửi con lại cho sư cô Chúc Từ nuôi giúp, hẹn “chừng nào đủ điều kiện, sẽ đón về". Những người mẹ còn lại chia nhau chăm “con". Đâu đó trong căn phòng có hơn 20 đứa trẻ chỉ vài tháng tuổi này, có một đứa trẻ là con ruột của họ. 

Nhìn T.H. đang thuần thục dỗ dành cùng lúc hai đứa trẻ, tôi thật khó hình dung rằng mới tháng trước, chính cô đã muốn nhảy khỏi chuyến xe đò Ninh Thuận - TP.HCM để “chết đi cho hết khổ". Lúc biết mình mang thai, cũng là lúc H. bị người yêu ruồng bỏ. Quay về nương tựa gia đình, H. bị cả nhà đùng đùng nổi giận, một mực buộc “đi đâu khuất mắt để khỏi vấy dơ dòng họ".

Sau cơn nóng nảy, mẹ H. gọi điện cho con, nhẹ nhàng khuyên H. bỏ cái thai, làm lại cuộc đời. Đến tháng thứ chín, khi mẹ vẫn một mực bắt bỏ đứa con mới được về nhà, H. quyết định bắt xe đò vào xin nương nhờ mái ấm của sư cô Chúc Từ. Chuyến xe dằn xóc hôm đó vắt kiệt sức cô gái trẻ đang yếu đuối về cả thể trạng lẫn tinh thần. Vừa gặp lần đầu trước cổng mái ấm, sư cô Chúc Từ đã nhận ra cơn kiệt sức của H. chính là dấu hiệu chuyển dạ. H. được đưa vào viện cấp cứu và sinh con ngay sáng đó. 

Noi tru an giua Sai Gon cho nhung san phu bi ruong bo
Những đứa trẻ chỉ vài tháng tuổi nằm ngủ trong giấc trưa ở mái ấm của sư cô Chúc Từ

Có điều gì mà tình thương không thắng nổi?

Năm 2017, khi đi thăm một thai phụ qua lời giới thiệu của một người quen, sư cô Chúc Từ lần đầu đối diện với một phụ nữ bụng bầu vượt mặt mà gương mặt ngơ ngác, vô hồn. Lần đó, chồng của thai phụ vừa bỏ đi. Chị luẩn quẩn trong cuộc sống túng thiếu ở tháng thứ bảy của thai kỳ. Căn phòng trọ tối tăm, không cửa, không điện.

Tặng một chút quà kèm một cuộc thăm hỏi rời rạc, lúc ra về, sư cô Chúc Từ cứ ám ảnh với câu hỏi: rồi cô ấy sẽ sống sao, đứa trẻ sẽ sinh ra thế nào với một người mẹ không còn muốn sống? Quay lại lần tiếp theo, bà mời thai phụ về sống cùng với lời hứa sẽ cưu mang hai mẹ con cho đến khi chị đủ cứng cáp.

Lúc đó, ngôi chùa Bồ Đề ở Q.4, TP.HCM - nơi sư cô Chúc Từ đang tu - không đủ chỗ, bà bàn với một vài phật tử thân thiết, thuê một căn nhà làm chỗ ở cho sản phụ trong những ngày ở cữ. Căn nhà ở đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận sau đó đã trở thành địa chỉ để các thai phụ bơ vơ tìm đến. Lúc có hơn 10 sản phụ cùng tá túc, mái ấm mới bắt đầu được dời sang căn nhà hiện tại.

“Dù mái ấm có rộng rãi và dư chỗ ở cho các em, tôi vẫn muốn các em được đón về, sống trong tình thương của gia đình. Nhưng hình như có những điều mà tình thương không thắng nổi" - sư cô Chúc Từ phân vân. Từ cái ngày phải bắt đầu mày mò học các kiến thức về thai nghén, về trẻ sơ sinh, bà cũng bắt đầu “học" những điều lạ lùng như là “bà ngoại một mực đòi bỏ đứa cháu", “người mẹ nhất quyết đuổi đứa con gái lỡ lầm đi để giữ thanh danh dòng họ".

Khi đưa ra quyết định cưu mang, bà luôn yêu cầu thai phụ phải cung cấp giấy tờ tùy thân, thu xếp gia đình để tránh những hiểu lầm, phiền lụy. Sau mỗi cuộc sinh, khi những người mẹ bắt đầu gọi về báo tin cho gia đình, bà cũng thấp thỏm. Có khi, cuộc gọi báo tin ra đời của một đứa trẻ lại khiến những người lớn ruột rà động lòng nghĩ lại, dang tay cưu mang, nhưng cũng có lúc, “tình thương không thắng nổi", chính người thân lại ra điều kiện với sản phụ: “Nếu mày bồng con về, mẹ tự tử". 

Mới ba tháng trước, H.M. đang ở mái ấm thì được mẹ đón về H.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ chăm sóc. Vừa mừng rỡ tiễn M. về được chừng một tháng, sư cô Chúc Từ lại nghe M. nức nở trong điện thoại: “Con sinh rồi nhưng mẹ con đòi đem cho đứa bé, nếu con không đem cho, mẹ sẽ chết. Con sợ mất mẹ, mà con cũng sợ mất con. Con khổ quá sư cô ơi!”.

Sư cô Chúc Từ cũng bàng hoàng. Bà vừa khuyên M. bình tĩnh thì cuộc gọi phải dừng trong tiếng khóc nghẹn phía bên kia. Trong mái ấm lúc đó, người đàn ông 60 tuổi vẫn lặng lẽ phụ chăm sóc nhà cửa như có linh tính, hỏi sư cô Chúc Từ: “Con M. gọi có chuyện gì sao?”. Nghe hết mọi chuyện, ông quyết: “Giờ tui chạy xuống Thốt Nốt, rước đứa nhỏ về. Cô gọi con M., nói nó gửi con lên đây nuôi, chừng nào nó thu xếp được bà già thì lên đây rước con về, đừng có đem cho mà tội”.

Noi tru an giua Sai Gon cho nhung san phu bi ruong bo
Những người mẹ đang bận bịu với giờ vào giấc trưa của các con

Chỉ một tháng sau khi gửi con lên mái ấm, M. đã “thu xếp được bà già", lên Sài Gòn tìm việc làm để ở trong mái ấm với con.

Người đàn ông vừa xuất hiện trong câu chuyện giữa những người phụ nữ bơ vơ và vị sư cô chân yếu tay mềm đó chính là một trong những Mạnh Thường Quân đã đồng hành cùng sư cô Chúc Từ từ ngày mái ấm được thành lập. Làm chủ một doanh nghiệp lâu năm, lúc mái ấm mở ra cũng là lúc ông đến tuổi nghỉ hưu. Ông dần bỏ bớt công việc, rồi dần về làm toàn thời gian ở mái ấm.

Ở mái ấm lắm lúc chìm trong cơn trầm uất thai kỳ này, vị chủ doanh nghiệp dày dạn thương trường chỉ lặng lẽ lo chuyện điện đóm, cửa ngõ, làm tài xế, làm người bốc vác, làm “cha" của những sản phụ. Rồi trong chính những lúc rối bời nhất, cũng chính ngôi nhà này đã chứng kiến ở những người thầm lặng nọ một chiến thắng phi thường của tình thương. 

Lúc tôi ra về, một sản phụ đang dắt xe ra khỏi nhà. Vị “cha nuôi" nói với theo, nhắc lại đường đi cho sản phụ: “Dễ lắm, con đi thử cho quen”. Ông làm tôi nhớ đến câu khích lệ mà sư cô Chúc Từ nói với đứa trẻ tập đứng khi tôi vừa đến: “Con đứng lên đi! Con đứng được mà”. 

Minh Trâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI