Nơi trẻ con sinh ra trẻ con, chị em ruột làm thông gia với nhau

15/02/2018 - 09:16

PNO - Ở độ tuổi "trăm rằm", nhưng những cô cậu ở miền Tây xứ Nghệ lại xem đây là lứa tuổi đẹp nhất để dựng vợ, gả chồng. Và dù tán thành hay không, nhiều gia đình vẫn không dám cấm đoán bởi nỗi sợ "lá ngón tử thần".

Sợ “ế” trước tuổi

Nằm ở nơi “thâm sơn cùng cốc” với bốn mùa đắm chìm trong sương mù bao phủ, xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có hơn 95% dân số là đồng bào người Mông sinh sống. Ẩn mình lớp sương mù bao phủ, căn nhà bằng ván gỗ của ông Chồng Sở (50 tuổi, bản Phà Bún) những năm gần đây thêm chật chội hơn bởi phải kê thêm những chiếc giường tạm bợ cho cô con gái cùng những đứa con quay về nhà sinh sống.

Tròn 13 tuổi, ở độ tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ Mông, Hờ Y Xùa (con gái ông Sở) gặp một chàng trai bản rồi cả hai người đem lòng thương nhau sau một buổi đi chợ phiên. Không lâu sau đó, người đàn ông này sang bắt Xùa về làm vợ của mình.

Cuối năm đó Xùa sinh được một cô con gái, cuộc sống vợ chồng này cứ thế êm đềm trôi qua với công việc trỉa ngô, sẵn trên nương rẫy làm nguồn thu nhập chính. Cho đến trước ngày Xùa sinh đứa con thứ 3 thì hai vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn do cuộc sống khó khăn. “Họ không thương mình nữa nên mình đưa các con về nhà mình ở thôi”, Xùa nói với vẻ mặt đượm buồn và cho biết sau khi đứa con thứ 3 chào đời, người mẹ 3 con này vừa một tay chăm con vừa chăm chỉ lên trồng lúa, trồng ngô.

Noi tre con sinh ra tre con, chi em ruot lam thong gia voi nhau
Bản Phà Bún, xã Huồi Tụ nằm cheo leo ở lưng chừng núi.

Dáng người nhỏ nhắn với khuôn mặt già hơn so với tuổi của mình, Lầu Y Hùa (24 tuổi, em dâu Xùa) vội vã chạy vào bên bếp lửa sưởi ấm cùng chị dâu sau buổi làm nương ngày giá rét. Cũng như người chị dâu của mình, năm lên 16 tuổi, Hùa được một người giới thiệu rồi nên duyên vợ chồng với Hờ Bá Khư (26 tuổi) chỉ sau vài lần gặp mặt.

“Trước đây, con gái lên 14, 15 tuổi mà chưa lấy chồng là lo lắm rồi, ai cũng sợ bị ế cả chứ không phải như bây giờ. Hơn nữa, đối với con gái ở đây, việc lấy chồng cũng rất lo vì không ai biết hoàn cảnh, gia thế nhà chồng như thế nào cả. Chỉ biết yêu rồi cưới, đến khi cưới về mới biết thôi”, Hùa nói.

Chị em ruột trở thành thông gia

Không giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác, Lỳ Y Già (16 tuổi, trú bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ) vẫn tiếp tục đến trường học từ hơn 1 năm qua nhờ nhận được sự quan tâm, động viên của chồng và bố ruột. Vẻ mặt đượm buồn khi nhắc lại ngày cưới của cô con gái đầu hơn 1 năm trước, ông Lỳ Nhìa Cở (46 tuổi, bố của Già) nói: “Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi cũng không thể làm căng hơn”.

Noi tre con sinh ra tre con, chi em ruot lam thong gia voi nhau
Hai chị em dâu Hờ Y Xùa và Lầu Y Hùa.

Là công chức văn hóa xã hơn chục năm nay, ông Cở quyết tâm xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn nhưng không ngờ chính bản thân ông lại gặp phải tình cảnh éo le này. Người bố 2 con này kể, hơn 1 năm trước, khi ông đi dự đám cưới một người thân ở xa về tới nhà thì mới ngã ngửa biết tin cô con gái đầu mới lên 15 tuổi đã cuốn gói đồ đạc về nhà chồng. 

“Là cán bộ mà như vậy thì mình nói còn ai nghe nữa. Nhưng mà biết làm sao được, tôi đành chịu phạt chứ không thể làm căng. Làm căng lên chúng kéo nhau đi ăn lá ngón thì lại mất luôn cả con”, ông Lỳ Nhìa Cở nói.

“Vợ tôi là chị ruột của bà thông gia bên đó nhưng đành chịu. Khi về nhà thì tôi mới biết là con rể và gia đình nhà trai qua xin đưa Già về làm vợ”, ông Cở nói và cho biết ít ngày sau thì gia đình nhà trai qua bàn chuyện cưới xin cho cả hai.

Nỗi sợ về “tử thần lá ngón”

Đối với đồng bào thiểu số miền Tây Nghệ An, những cây lá ngón mọc rải rác hai bên đường được xem là dược thảo kịch độc quen thuộc đối với lớp trẻ mỗi khi gặp uất ức hay buồn phiền. Sau ít lời hỏi thăm và thôi thúc con gái tiếp tục theo học để biết con chữ, ông Cử cho biết không ít đôi trai gái đã tìm đến lá ngón để tự sát do bị cản trở chuyện yêu đương.

“Bản thân mình là cán bộ mà có con như vậy thì làm sao nói được ai nữa. Nhưng đành chịu vì tình thế đã rồi. Khi mình về thì con gái đã là ma nhà người ta, không hoãn được nữa. Hơn nữa, nếu làm căng thì sợ chúng nó đi ăn lá ngón, mình lại mất luôn cả con”, ông Cử buồn bã nói.

Noi tre con sinh ra tre con, chi em ruot lam thong gia voi nhau
Chị Hờ Y Xùa mang các con quay về nhà bố ruột của mình ở sau nhiều năm lấy chồng.

Ông Hạ Bá Lỳ Phó chủ tịch xã Huồi Tụ cho biết, những năm qua, chính quyền xã này cũng đã tích cực trong giáo dục giới tính, tuổi dậy thì nhưng do trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn còn diễn ra nhiều. “Chúng tôi vẫn chủ yếu tuyên truyền là chính, chứ xử phạt thì rất khó bởi lẽ thự tế các cặp vợ chồng này còn quá ít tuổi, lấy nhau khi chưa có điều kiện kinh tế gia đình. Hơn nữa, dù xử phạt nhưng họ không đóng thì không làm được gì”, vị Phó chủ tịch UBND xã này nói.

Xã Huồi Tụ có có hơn 4.000 hộ với 9.000 nhân khẩu, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào những vựa lúa, ngô, sẵn… từ nương rẫy. Bà Vi Thị Sen – Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Huồi Tụ cho biết, tình trạng hôn nhân ở tuổi vị thanh niên, cận huyết thống trên địa bàn xã này vẫn đang diễn ra khá phổ biến mỗi năm. Theo thống kê sơ bộ, trong hai năm trở lại đây, xã này có hơn 50 cặp đôi lập gia đình ở độ tuổi từ 14 – 16 tuổi.

Theo ông Lỳ, việc xóa bỏ tình trạng trên gặp thêm nhiều khó khăn bởi tình trạng tìm đến lá ngón để tự sát khi bị ngăn cấm chuyện tình cảm vấn đang là nỗi sợ của những người làm cha, làm mẹ nơi đây. Bởi thế, khi những đôi trẻ yêu nhau và xin cưới, người thân dù muốn hay không thì cũng không dám ngăn cản mà chỉ còn biết lo chuyện cưới xin cho đám trẻ.

“Mới đây, một cậu bé 16 tuổi sau khi cưới vợ được gần 3 tháng thì đột nhiên lại nảy sinh tình cảm và yêu thêm một cô bé 15 tuổi nữa. Quyết định lấy thêm vợ nữa, cậu bé này sau đó dẫn cô bé về nhà làm vợ 2. Tuy nhiên, khi đang trên đường dẫn vợ 2 về thì bị gia đình ngăn cản, cả hai đã hái lá ngón ăn tự tử”, ông Lỳ kể.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI