Nỗi oan giày cao gót

21/11/2019 - 20:05

PNO - Bị mang ra đổ lỗi như nguyên nhân trong nhiều vụ tai nạn giao thông, Giày cao gót kêu oan...

Tối 21/11, Tòa án nhân dân Phục trang đã đưa vụ án Giết người trong trạng thái mất kiểm soát ra xét xử. Bị cáo Giày cao gót bị cáo buộc tội đã gây ra những cái chết thương tâm vào sáng 20/11 ở Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội, tối 21/10/2018 tại Ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM và trong nhiều vụ việc khác không đếm xuể.

Noi oan giay cao got
Vụ tai nạn liên hoàn sáng 20/11 ở Hà Nội khiến chiếc Mercedes cháy trơ khung, một người chết tại chỗ. Nguyên nhân được cho là do nữ tài xế đạp nhầm chân ga.

Trước tòa, bị cáo Giày cao gót thừa nhận mình có xuất hiện trong các vụ tai nạn chết người nói trên, thừa nhận vào thời điểm xảy ra tại nạn, bà Vũ Thị Hồng Thái và bà Nguyễn Thị Nga thực sự đã tác động lực lên mình để nhấn vào chân ga xe hơi, nhưng vẫn cương quyết không nhận tội.

“Thưa quý tòa” - bị cáo Giày cao gót nói - “Tôi vốn được sinh ra từ nhu cầu làm đẹp của phụ nữ. Đã từ rất lâu, đến nỗi tôi không còn nhớ nữa, tôi đã được gắn liền với hình ảnh sang trọng, quý phái của quý bà. Thậm chí ở những sự kiện lớn như các liên hoan phim, những cuộc thiết đãi quan trọng, tôi được mặc định là thứ không thể thiếu nâng đỡ đôi chân, vóc dáng quý bà. Có thể nói không quá lời rằng trong tủ giày của bất kỳ người phụ nữ nào có chút điều kiện đều có tôi”.

Đoạn Giày cao gót kể về lịch sử bản thân, hành trình chinh phục thế giới… phóng viên tòa án đã lược bỏ, vì khá dài, dù nếu ghi chép lại cũng sẽ có nhiều điều thú vị. Chi tiết đáng chú ý trong hồ sơ các vụ tai nạn liên hoàn là cả bà Vũ Thị Hồng Thái - người điều khiển xe Mercedes ở Hà Nội và bà Nguyễn Thị Nga - người lái xe BMW ở TP.HCM đều khai mình đã đạp nhầm chân ga, khi đang mang giày cao gót.

Noi oan giay cao got
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hầu hết nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông đều do ý thức của người lái xe

“Thưa quý tòa” - Giày cao gót trầm giọng - “Không có điều luật nào cấm hay buộc phụ nữ mang giày cao gót. Đó là quyền tự do cá nhân của mọi phụ nữ (thậm chí là đàn ông). Tuy nhiên trong các trường đào tạo lái xe, các lời khuyên an toàn lái xe đều khuyến cáo không nên mang giày cao gót.

Cầm trên tay giấy phép lái xe, dù là các chị hay các anh đều đã được đào tạo kỹ năng lái xe an toàn, đã biết không nên mang giày cao gót khi lái xe. Giờ tai nạn xảy ra, sao lại đổ lỗi cho bị cáo. Bị cáo có bắt ai phải mang mình trong chân đâu”.

“Chưa kể” - Giày cao gót lên giọng - “Quy tắc lái xe thể hiện rõ - đã thắng thì không ga, đã ga thì không thắng - nên bàn đạp thắng và ga đã được các nhà thiết kế xe đặt gần nhau, lái xe được dạy chỉ dùng chân phải điều khiển hai bàn đạp này. Nhưng xin quý tòa hãy xem lại đoạn clip của một YouTuber triệu view - giám đốc của một công ty giải trí đăng trên mạng. Khi lái xe, phu nhân ông ấy đã đặt hai chân trên bàn đạp thắng và ga - điều các chuyên gia an toàn đã cảnh báo nhiều lần về nguy cơ tai nạn. Rất nhiều người lái xe số tự động khác cũng để chân kiểu tréo ngoe ấy. Cái bà phu nhân trong cái clip triệu view ấy cũng từng gây tai nạn rồi đấy, mà bà có chừa đâu.”.

Trước khi tòa nghị án, được nói lời cuối cùng, Giày cao gót quyết liệt: “Người ta hay nói “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác” theo ý mỉa mai khả năng lái xe của phụ nữ. Người ta đổ lỗi cho bị cáo - Giày cao gót - khiến các chị khó xoay trở, vướng dây. Thậm chí người ta đổ cho chuyện mất bình tĩnh, nhầm chân ga… trong các vụ tai nạn. Không ai nhận lỗi vô ý thức, coi thường tính mạng, tài sản của mình và người khác của bản thân.

Không ai bắt ai mang giày cao. Không ai bắt ai uống bia rượu. Không ai bắt ai lái xe, càng không bắt phải sắm những chiếc xe động cơ mạnh. Con người quyết định mọi thứ, kể cả chuyện không chịu học hành đến nơi đến chốn, không chịu tuân thủ luật lệ, quy định… rồi lúc xảy ra chuyện, lại đổ thừa cho một thứ nhỏ bé như bị cáo. Hỏi thiên lý ở đâu?”.

Nhân Sư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI