Nơi 32 dân công hỏa tuyến ngã xuống, hoa thơm ngát mọc lên

03/07/2018 - 17:46

PNO - Nhắc lại lịch sử không phải để khơi gợi nỗi đau chiến tranh, mà thế hệ trẻ được nghe chuyện nguồn cội, cảm nhận sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến để mảnh đất Bình Chánh trở nên yên bình, đẹp đẽ.

Các ca khúc với chủ đề “Đêm trắng Vĩnh Lộc” dần đưa những người tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 trở lại không khí bi hùng ngày xưa. Lời ca, tiếng hát như ru hời trên cánh đồng bưng Láng Cát, lấn át bom rơi, đạn rải.

Nơi đó không còn tiếng súng, chỉ thấy các cô gái, chàng trai dân công hỏa tuyến đang chuyển thương binh của Sư đoàn 9 xuống thuyền, rồi cùng đợi tải đạn về điểm tập kết. 

Noi 32 dan cong hoa tuyen nga xuong, hoa thom ngat moc len
Sáng 3/7, lễ kỷ niệm 50 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, ngã xuống được tổ chức trọng thể.

Sống trong từng câu chuyện kể

Nơi đó, những chiếc thuyền con không bị vỡ từng mảng, những tấm ván thô không dùng che chắn đạn, tiếng nói, tiếng cười của 32 dân công hỏa tuyến vang cả cánh đồng bưng. Các cô gái, chàng trai ngày trên đồng, đêm chuyển thương, tải đạn vẫn còn sống mãi ở nơi đó – nơi con tim của đồng đội, tấm lòng của thế hệ trẻ đang hướng về. 

Tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 (đường Dân Công Hỏa Tuyến, Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) ngày hôm nay, một lần nữa 32 dân công hỏa tuyển vẫn sống lại trong các câu chuyện kể của đồng đội, của người cha, người mẹ, trong những trang dự thi viết về dân công hỏa tuyển của các em học sinh, đoàn viên,…

Noi 32 dan cong hoa tuyen nga xuong, hoa thom ngat moc len
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thiếu tướng Phan Tấn Tài, cùng lãnh đạo huyện Bình Chánh đến dâng hương tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968.

Bước ra từ cõi chết, bà Nguyễn Thị Khỏi như một minh chứng sống cho nghị lực phi thường của những dân công hỏa tuyến. Theo bà Khỏi, khi đoàn dân công bị trực thăng phát hiện và truy kích, các xuồng nhỏ gần như bể nát, bà bị hất xuống sông, bụi dứa ngã đè lên người. Trên bị không kích, dưới bị ngộp nước, bà Khỏi xác định sẽ chết tại nơi này.

“Khi tôi cố gắng đẩy bụi dứa ra để thoát thân thì thấy máy bay soi đèn phía trước, đằng sau là khoảng tối, nếu kịp chạy qua khoảng tối ấy, có thể tôi sẽ được sống. Nhưng chưa kịp đứng dậy, tôi nghe tiếng hét “chạy, chạy đi!” quay lại sau lưng, chị Để chạy ra trước, chiếc máy bay phát hiện, bay vụt qua đầu tôi.

Chúng ráo riết dò tìm, rải đạn lên người chị Để, nhờ thế mà chỗ của tôi tối mịt, tôi bò ra khoảng 10 mét rồi thiếp đi. Tỉnh dậy nghe tin chị Để hy sinh, còn tôi, 50 năm vẫn nhớ về chị Để. Nếu không nhờ chị ấy, tôi sẽ trở thành dân công hỏa tuyến thứ 33”, bà Khỏi xúc động.

Noi 32 dan cong hoa tuyen nga xuong, hoa thom ngat moc len
Bà Khỏi luôn nhớ về liệt sĩ Nguyễn Thị Để, người đã hy sinh để đánh lạc hướng địch, và câu nói của chị Hiệp trước lúc hy sinh: "Đứa nào còn sống sót, nhắn với má nuôi con dùm chị".

Nhớ về anh em, đồng đội, bà Lê Thị Trang (Ba Khuynh) bồi hồi: “Hôm ấy, như mọi hôm, Chín Rê (liệt sĩ Phạm Thị Rê – PV) chạy qua nhà rủ Hai Xúc đi tải thương, tải đạn nhưng Hai Xúc bị bệnh nên kêu Chín Rê ở nhà một hôm. Chín Rê gạt ngang: "hôm nay có chết tao cũng đi, anh em đang cần mình giúp đỡ". Rồi Chín Rê chạy đi, không ngờ đếm ấy, chị cùng 31 dân công hỏa tuyến khác nằm lại cánh đồng bưng”.

Nơi máu nhỏ xuống nở hoa tươi thắm

Nhắc về con gái mình, mẹ của liệt sĩ Huỳnh Thị Điệp (hy sinh lúc 25 tuổi, có một con gái vừa mới lên 5) cười buồn: “Cha và chồng nó chiến đấu ở chiến khu, Điệp không nỡ đi luôn nên ở nhà làm dân công hỏa tuyến. Chiều hôm ấy nó xin tôi đi, tự nhiên tôi thấy bồn chồn không yên nên nói với Điệp, con ơi, con đi rồi con có bề gì, con của con sống làm sao?

Con gái tôi trả lời má để con đi, ba con, chồng con còn ở chiến khu, con ráng góp sức cùng anh chị em để ba con mau về với má. Không ngờ nó đi rồi đi luôn”.

Noi 32 dan cong hoa tuyen nga xuong, hoa thom ngat moc len
Những tiết mục văn nghệ tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968, là sự biết ơn, tôn vinh 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc đã ngã xuống để quê hương tươi màu

Trước đêm nữ dân công Nguyễn Thị Quới đi chuyển thương binh, mẹ của chị - Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đà nghe ngóng có Mỹ phục kích ở ấp trong, bà cố gắng ngăn con gái mình, nhưng quay sang, chị Quới đã chuẩn bị ra đường.

“Nó vừa thắt khăn rằng qua eo vừa nói con không đi thì ai đi hả má? Mình vận động chị em mà bây giờ mình ở nhà, mấy chị mấy em sao có tinh thần mà đi. Ở trong ấp còn ba, bốn anh bộ đội bị thương, không đi không được má ơi. Thôi má cứ để cho con đi”, chị nheo mắt, ôm má của mình, quay đi rồi trở thành liệt sĩ…

Nhắc lại lịch sử không phải khơi lại nỗi đau nơi ký ức. Lịch sử là cội nguồn, là những năm tháng hào hùng đi kèm sự hy sinh anh dũng của cha, ông. Lắng nghe chia sẻ, càng xúc động, người trẻ càng không cho phép bản thân mình quên đi những mất mát, hy sinh. Nhớ không phải để căm thù, mà nhớ để biết ơn, để tự hào, là động lực để mỗi thanh niên cùng ra sức giữ gìn và xây dựng đất nước.

Noi 32 dan cong hoa tuyen nga xuong, hoa thom ngat moc len
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đà trong lễ kỷ niệm.

Chị Phan Thị Kim Tú (24 tuổi, thanh niên xung phong huyện Bình Chánh) nói: “Hằng ngày, đi trên con đường Dân Công Hỏa Tuyến, nhưng nếu không có buổi lễ kỷ niệm này, không nghe các cô, chú kể lại thì tôi đâu thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh, hiểu được giá trị của thời bình. Chúng ta không nói để căm thù, mà đó là tôn vinh giá trị lịch sử và tiếp tục xây dựng quê hương”.

Sau 50 năm, nơi 32 dân công hỏa tuyến nằm xuống, cống hiến tuổi xuân, hoài bão, và xương máu, đã trở nên giàu đẹp với những tòa nhà khang trang, với đồng ruộng xanh mướt, những hàng hoa đỏ thắm, thơm ngát từng ngõ hẻm. Tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968, một lần nữa, các cô gái, chàng trai ngày ấy đã sống lại trong không khí hào hùng.

Phạm An - Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI