Những phận đời buồn ở xã có 120 người mù

09/10/2018 - 12:00

PNO - Người dân xã Quảng Xuân, H.Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình sống dựa vào những động cát, phận áo cơm cũng buồn như cát. Không hiểu vì lý do gì, xã này có đến 120 người bị mù hoặc mờ mắt.

30 năm bồng cháu xin cơm

Dẫn tôi đi trên con đường bê tông hướng vào làng Thanh Bình, chị Võ Thị Nhường - Chủ tịch Hội Người mù xã Quảng Xuân - kể: "Không biết răng (sao),  đoàn mô (nào) về thăm cũng hỏi chuyện người mù. Đó là "đặc sản" quê chị. Người mù ở đây tội lắm, làm lụng được chi mô (gì đâu). Mỗi năm, cứ tới ngày thành lập Hội Người mù, mình đi xin được đồng mô thì cho hội viên đồng đó. Xin mãi cũng thấy tủi thân, nhưng không xin thì mấy ai cho tiền. Nhiều lúc thấy ngại, cũng phải ráng chú ơi". 

Nhung phan doi buon o xa co 120 nguoi mu
Bà Dương Thị Vẩy 30 năm bồng trẻ sơ sinh quanh làng để kiếm cơm

Để minh chứng cho khốn khó đang bủa vây, chị Nhường đưa tôi đến gặp bà Dương Thị Vẩy, đang trông trẻ thuê ở đầu làng Thanh Bình. Nghe tiếng chó sủa, một cô gái trạc tuổi ba mươi chạy ra mở cửa, mời khách vào nhà với giọng hỏi đượm buồn: "Anh ghé thăm o (cô) Vẩy hả? Từ nhỏ, o bồng em, rồi chăm em cho đến khi lớn. Giờ tới lượt o Vẩy bế con em. Trong làng ni, hễ nhà nào có cháu nhỏ, o Vẩy cũng đến giúp cả. Dù mắt mù nhưng o thao tác rất nhanh. Ai có cháu, gửi cho o cũng ưng ý hết. Thấy cảnh o Vẩy tội quá nên nhiều năm nay, cả làng ai có cơm cho cơm, để o nuôi 3 chị em mù".

Trong số những người mù ở xã Quảng Xuân, gia đình bà Dương Thị Vẩy (56 tuổi) thuộc diện đặc biệt vì có đến 3 chị em gái đều bị mù bẩm sinh. Ngoài chị gái Dương Thị Vắn đã mất, bà còn có thêm chị gái Dương Thị Vó. Hiện tại hai chị em bà đang sống chung trong ngôi nhà tình nghĩa. Khi chúng tôi đến thăm, người chị dâu tóc điểm bạc đang dọn dẹp, giặt giũ trong nhà. Bà nói: “Vẩy đang đi giữ cháu thuê đầu làng, Vó vừa được đứa cháu vào dắt đi chơi, để tôi chạy sang đưa về”.

Một lúc sau, người đàn bà xuất hiện ở phía mấy bụi chuối, không phải đường chính để vào nhà, với những bước đi dò dẫm, một cánh tay quờ quạng xung quanh, còn một cánh tay kia níu lấy người cháu gái. So với người em bị mù tên Vẩy tôi vừa gặp ở đầu làng Thanh Bình, bà Vó cao và gầy hơn. Từ ngày cha mẹ qua đời, cả 3 chị em phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con xóm giềng. Cũng từ đó, họ nhận việc bồng trẻ cho bà con trong xóm, đổi cơm ăn qua ngày chứ không lấy tiền.  

Bà Vó kể: “Thời trước, ai cũng cơ cực, sinh con ra được vài bữa là phải lo đi kiếm miếng ăn. Bởi vậy, nhiều gia đình neo người, nhờ tụi tui tới bế con để họ làm việc. Trước đây, trẻ con trong làng, hầu như không đứa nào là chị em tui không bồng bế. Thế nhưng, do mắt không thấy đường, tụi tui chỉ bế được trẻ nhỏ, khi chúng biết bò, biết đi thì không dám giữ vì sợ xảy ra chuyện xấu. Dù không thấy chi, nhưng tui vẫn mò mẫm, thay tã, thay áo quần cho tụi nhỏ được”.

 “Mấy o bồng cháu được bao nhiêu năm rồi?” - tôi hỏi. Bà Vó đáp, giọng buồn bã: “Chị em tui ai cũng bồng con nít 30 năm rồi đó”. Bà tiếp: “Sau ni, nhờ trợ cấp xã hội dành cho người mù, mỗi người được 420.000 đồng/tháng, tụi tui cũng đỡ. Bà con, hàng xóm thương tình giúp nấu ăn, giặt giũ, không thì làm răng sống tới chừ (đến giờ)”. Bà nói, hai bàn tay như chắp lại.

Dị nhân miền biển

Năm anh Nguyễn Văn Mỵ (thôn Xuân Hòa) 16 tuổi, tai họa ập đến. Mắt anh đang sáng bỗng mờ dần rồi mù hẳn. Đến năm 25 tuổi, anh lập gia đình với một cô gái trong thôn, tên Hoa, không mù nhưng cũng mờ mắt. 5 đứa con của họ lần lượt chào đời và rồi cũng mắc chứng bệnh như cha. Cháu đầu phải nghỉ học ngang lớp Bảy, cháu thứ hai dừng ở lớp Một, cháu thứ ba dừng ở lớp Tám.

“Hết đứa này đến đứa khác bị bệnh về mắt giống tôi. Tụi nó thích đi học lắm, nhưng đành phải bỏ” - anh Mỵ nói mà giọng như bị xát cát. Cách đây mấy năm, đứa con gái bị mù của anh Mỵ sinh con, đứa con cũng không thể sáng mắt hơn mẹ.

Nhung phan doi buon o xa co 120 nguoi mu
Anh Mỵ và những người con trong căn nhà chật hẹp

Nhưng lạ lùng, người làng Xuân Hòa lại coi anh Mỵ như anh hùng. Chuyện bắt đầu từ… nỗi buồn. Anh kể: “Bị mù, nên tôi thường lấy việc nghe đài làm vui. Một lần, khi nghe trên đài kể những câu chuyện về người khuyết tật mà vẫn vượt lên hoàn cảnh để làm những việc có ích cho đời, tôi chợt nghĩ, mình là dân biển, phải bám biển mà sống, phải giúp anh em bà con đi biển, bởi gia đình tôi chịu ơn bà con nhiều lắm”. Đói con mắt thì sáng cái óc. Các tàu đánh cá của làng thường có bộ đàm để liên lạc với nhau trên biển, sao không làm một đài bộ đàm ở đất liền nối những bộ đàm của ngư dân trên biển với nhau để thông báo những tin tức từ đất liền cho các ngư dân trên biển? Thế là anh mua máy bộ đàm (icom), tự đặt tên là đài “Biển gọi”. Anh nhớ như in, đó là ngày đầu mùa cá năm 1994. Tiếng máy khọt khẹt đầy tạp âm. Anh chỉnh tần số bằng đôi tai thính nhạy. Giọng anh vang rõ: “Đài Biển gọi ở Xuân Hòa đây, tàu 39, 61, 29… có nghe rõ không? Hiện nay đang có gió mùa Đông Bắc ở vùng biển này, cấp gió nguy hiểm lắm, các tàu ở gần khu vực đó cần phải trú ẩn”. 

Ngoài trùng khơi, rành rọt tiếng những ngư dân trên tàu trả lời: “Nhận được tin rồi, đang tìm chỗ tránh, trong đất liền có chuyện chi không? Nhắn với gia đình anh em ngoài ni an toàn. Biển gọi có nghe rõ không?”. Anh Mỵ đáp lời: “Nghe rõ”. Chỉ vài câu thế thôi, mà kẻ đang ở trên sóng lẫn người nhà ấm lòng. Rồi một bữa, cả làng xúm lại đọc thư của Chủ tịch nước khen anh…

Tôi đã vào nhà anh Mỵ. Vợ và mấy đứa con suốt ngày trên bãi ngang, hoặc đi bộ chục cây số ra vùng Roòn xin cá về bán lại, kiếm chút tiền mua gạo. Bây giờ, điện thoại di động phủ sóng, đài Biển gọi đành xếp xó, anh bèn chuyển qua xay gạo. "Vùng đất mình gần biển, cũng ít nhà làm nông. Lâu lâu mới có người đem tạ lúa lẻ đến xay. Khó lắm chú à, nhưng không làm lấy chi nuôi vợ con, được đồng mô hay đồng nấy. Đời mình đã buồn vì trời cướp đi đôi mắt…”.

Cách nhà anh Mỵ hơn 1km là nhà ông Dương Khư - 84 tuổi, ở làng Thanh Bình. Bị mù lúc lên 10 tuổi, nhưng ông Khư không bỏ mùa biển nào. Bà Nguyễn Thị Tuyết - em dâu ông - kể, lúc còn mạnh khỏe, mỗi năm hai bận, làng biển bãi ngang Thanh Bình cứ vào mùa ruốc, mùa cá nục là ông lại theo bạn chài ra khơi tung lưới. Ông có tài gieo sạ đều hơn cả người sáng mắt. Lúa sắp trổ đòng, chỉ cần lấy tay vân vê thân lúa, ông đã biết năm đó được mùa hay mất. Tiên đoán không trật, khiến dân ở đây bái phục. Bây giờ, ông sống nhờ em dâu, trong khi gia cảnh bà Tuyết thì chẳng sáng sủa gì hơn.

Mờ mịt nguyên nhân

Theo danh sách thống kê do chị Võ Thị Nhường cung cấp, hiện xã Quảng Xuân còn hơn 120 người mù bẩm sinh và mờ mắt, trong đó làng Thanh Bình dẫn đầu với 52 trường hợp, tiếp đến là các làng Xuân Kiều, Xuân Hòa, Thanh Lương với số lượng từ 10 - 17 người/làng. Đó là chưa kể số người mù đã đi vào Nam làm ăn hoặc một số hội viên tham gia vào đơn vị sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở người mù ở các tỉnh miền Trung. Phần lớn những người mù hiện tại có độ tuổi từ 45 trở lên, mù bẩm sinh từ lúc lọt lòng mẹ. Ngoài ra, còn nhiều người khác bị kém thị lực, do tai nạn lao động, tuổi già, bệnh tật. 

Những đơn thư kêu cứu, thỉnh nguyện của họ gửi đi khắp nơi, mong được chữa cho sáng mắt, mong được biết nguyên nhân gây mù mắt, nhưng mấy chục năm qua vẫn chưa có câu trả lời. "Từ trước đến chừ, mới chỉ có một đoàn cán bộ trẻ về điều tra bệnh tình của bà con, nhưng sau đó “bặt vô âm tín”. Ngoài yếu tố di truyền, có lẽ vùng này sát biển và người đi biển nhiều nên mắt bị cát và hơi mặn ảnh hưởng. Nhưng đó cũng chỉ là phỏng đoán. Chưa có nghiên cứu hay công bố nào nói về nguồn nước, khí hậu hay môi trường sống tại đây dẫn tới việc nhiều người bị mù” - ông Dương Minh Hợi, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Xuân nói.

Những hốc mắt tối sâu vật vã trong nỗi buồn mà tôi nhìn thấy ở họ như chứa đựng tất cả định mệnh cay nghiệt của kiếp người. Câu trả lời cho họ ở đâu giữa ngút ngát trùng khơi và những động cát nối nhau nóng cháy mắt người. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI