Những người Việt gặp nạn ở Ai Cập: 'Họ về rồi!'

02/01/2019 - 06:56

PNO - Buổi chiều đầu tiên năm 2019, đồng nghiệp của tôi là phóng viên mảng y tế nhắn tin: “Họ đã về rồi”.

Dòng tin báo ngắn gọn nhưng quá đủ thông tin cho những người Việt đã nén lòng theo dõi tin tức về những đồng bào gặp nạn ở Ai Cập mấy hôm rồi. Chừng mươi phút sau, các báo mạng đồng loạt đưa tin “Khách du lịch gặp nạn ở Ai Cập đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất”.

Nhung nguoi Viet gap nan o Ai Cap: 'Ho ve roi!'

Về chuyến này có 9 người. Ở Ai Cập, ba nạn nhân tử vong đang chờ hoàn tất thủ tục để được đưa về. Ba người bị thương nặng hơn đang phải ở lại điều trị ở Ai Cập. Theo đại diện Saigontourist - đơn vị tổ chức tour du lịch này, mong muốn của du khách và gia đình lúc này là trở về và đưa thân nhân trở về nhà nhanh nhất.

Cuộc hồi hương kẻ trước người sau đều thấp thỏm một tiếng “trở về”.

18g ngày 28/12, khi vụ đánh bom nổ ra tại Cairo, họ cũng đang trên hành trình ra sân bay để trở về. Trên xe lúc đó có 14 du khách và 1 hướng dẫn viên du lịch là người Việt, cùng 2 người Ai Cập.

Tin tức sau đó truyền về nước với những thông tin tức thời và dè dặt về số người tử nạn, số người bị thương khiến 4 người tử vong, trong đó có 3 người Việt. Tai nạn kinh hoàng ở một đất nước vốn bất ổn về chính trị khiến người ta bàn bạc về quyết định ra đi. Tại sao không du lịch một nước an ninh hơn? Giữa một kỳ quan nhiều giá trị văn hóa lịch sử và sự an toàn - người ta nên cân nhắc điều gì trước nhất cho một quyết định về địa điểm du lịch?

Những câu hỏi như thế có khi trở thành tiêu đề cho một bài phân tích, cẩm nang công phu sau sự kiện đánh bom xe buýt chở khách du lịch Việt ở Ai Cập. Thế nhưng, giữa lúc này, mọi bàn luận và phân tích về lý do ra đi đều không công bằng. Cũng giống như từng hoàn cảnh, từng trải nghiệm cá nhân đặc biệt nào đó đã có thể khiến người ta có hàng trăm lý do để lựa chọn một vùng đất hứa. Để du học. Để mưu sinh. Thậm chí là để di cư.

Vùng đất đó nhiều khả năng là ở ngoài biên giới nước Việt, thậm chí có thể trong một đất nước kém an ninh hơn, trong môi trường sống vất vả hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn, với một cuộc sống rủi ro, bấp bênh hơn. Và những diễn ngôn về “an toàn”, “sự tỉnh táo”, hay cả những đại tự sự về “quốc thể” gì đó không bao giờ chạm tới những lý lẽ riêng tư của từng cuộc đời quá đỗi khác biệt nọ.

Nhung nguoi Viet gap nan o Ai Cap: 'Ho ve roi!'
Hiện trường vụ đánh bom

Sau những đoạn hối hả cung cấp thông tin, những đại diện Việt Nam chỉ khái quát một chi tiết ngắn gọn về hướng hỗ trợ khách du lịch gặp nạn ở Ai Cập: “Họ đều mong muốn trở về nên chúng tôi đang cố gắng để đưa những khách còn lại ở Ai Cập về nước nhanh nhất”. Cũng giống như, những ám ảnh mới đây lại trỗi lên trong tôi về những “thân nhân” lặn lội đến sân bay Đào Viên (Đài Loan) để đón người lao động bất hợp pháp gặp nạn về.

Bấy lâu nay, những hình ảnh đó cùng hoàn cảnh của người gặp nạn dễ cứ một tuần lại thống thiết hiện lên trên Facebook của một người phụ nữ có ảnh hưởng với cộng đồng người Việt ở Đài Loan. Tuần nào cũng có người lao động bất hợp pháp Việt gặp nạn ở xứ người. Những kêu gọi giúp đỡ, những chi tiết hành trình người nhà sang đưa nạn nhân về nước luôn ám ảnh tôi.

Những người nhà ấy, chắc cách đó vài tháng cũng đã nhiệt thành tiễn biệt con/em mình “đi chui” sang xứ người.  Vì cái nghèo, vì khao khát kiếm tiền, (hay vì lý do gì khác nữa). Bất chấp luật pháp. Bất chấp một tương lai bấp bênh, nguy hiểm.

Nhưng, đến lúc cũng chính người cha/người anh chưa một lần đi khỏi cái xã nghèo chôn nhau cắt rốn đó, sang tận Đài Loan để đón đứa con/em gặp nạn về, người ta mới thấy, gia đình ngày ấy chỉ tiễn một người lao động, một trụ cột kinh tế - chứ chưa bao giờ bất chấp tiễn đi một đứa con xứ sở máu mủ ruột rà.

Đến khi mưu tính làm ăn thất bại, cái phần ruột rà xứ sở phải được đón về. Dù cuộc đón rước ấy có khiến gia can nghèo đi gấp bội. Rốt cùng thì, chính những người bị cho là bất chấp gốc gác, chối bỏ Tổ quốc để kiếm tiền đó - trong tận cùng sâu thẳm cũng đã từng bất chấp và chối bỏ đâu?

Đã thế, biểu sao người Việt không rưng rưng chạnh lòng trong cái buổi chiều cả thế giới mạng loan tin “họ đã về”? “Con người du lịch”, “con người lao động” hay “con người học hành” có thể thôi thúc người ta đi bất cứ nơi đâu. Nhưng, cái động lực làm người chân phương bên trong tất cả những mảnh ghép đời người đó, sẽ dễ khiến người ta khao khát, thấu cảm, và rung động trước một sự trở về.

Cập nhật tình hình du khách Việt

Vào 16g35 ngày 1/1/2019, 9 người trong đoàn du khách Việt bị đánh bom ở Ai Cập đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM an toàn. Trong đó, có 2 người đã được ê-kíp cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chuyển đến bệnh viện để thực hiện các cận lâm sàng tổng quát và theo dõi tình trạng sức khỏe. 

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp Cứu - cho biết, sức khỏe hai người bệnh hiện đang ổn định, tuy nhiên vẫn còn sang chấn tâm lý. Vì vậy, bước đầu, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra tổng quát sức khỏe của hai người bệnh.

Sau khi tiếp nhận đề nghị phối hợp cùng Saigontourist trong công tác chăm sóc người bệnh ngày 31/12/2018, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc bệnh viện - đã trực tiếp chỉ đạo bệnh viện tập trung các bác sĩ giỏi nhất, trang thiết bị hiện đại nhất, thuốc tốt nhất, đồng thời có sự phối hợp của Khoa Phục hồi chức năng, Đơn vị tư vấn tâm lý nhằm giúp người bệnh sớm hồi phục.

Thùy Dương - Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI