Những người 'chịu mạng' ở Khe Chữ

22/12/2017 - 09:58

PNO - Một ngày nắng hiếm hoi dưới chân đỉnh Ngọc Linh, nhưng hơi ấm lan dần nơi Khe Chữ có lẽ không từ nắng, mà từ dấu chân người lính in khắp thung lũng sâu những ngày này. Những dấu chân thầm lặng.

LTS: Mỗi ngày, lại thêm một tin không vui. Con quan chức tiến thân thần tốc đi kèm dối trá. Những sếp lớn của các tập đoàn kinh tế lần lượt tra tay vào còng. Những đứa trẻ bị xâm hại, bữa ăn bị cắt xén. Nhức nhối. Ngột ngạt. Thế nhưng, lắng lại một chút giữa cái lạnh mà ngay cả đất phương nam cũng co ro, lòng ấm lên khi chiếc áo lính ngang qua giữa phố. 

Họ đấy, những anh bộ đội Cụ Hồ thời bình nhưng có khác chi thời chiến. Máu không đổ thì mồ hôi tuôn giữa giá rét, xé toang màn đêm luật tục tối tăm để thắp lửa trong những căn nhà lạnh. Ngoài Trường Sa giông gió, họ vẫn là bức thành đồng trong bão tố. Đối với họ, cái ác, lòng tham, những cơn bão mang những lọc lừa, phản trắc, xấu xa không chạm đến được…

Ngày 13/12. Những người lính đã đến. Giữa hoang tàn đổ nát, lạnh cắt da và những cái nhìn chưa thôi kinh hoàng, bất lực, sự xuất hiện của màu xanh áo lính còn hơn cả một phép mầu. Những dáng ngồi không còn bó gối nữa. Lửa đã ấm lên, hồi sinh cho một ngôi làng mới, còn đẫm mồ hôi người lính đã chiến thắng luật tục tăm tối.

Giải thoát bóng đen luật tục

Nhung nguoi 'chiu mang' o Khe Chu
 

Mưa gió tơi bời. Khe Chữ (thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) chìm trong cái lạnh dữ dội của đợt rét lớn nhất từ xưa đến nay. Những nóc nhà tạm lợp bằng vải bạt như mỏng manh hơn so với cái rét. Bếp lửa trở thành thứ năng lượng giá trị nhất trong tiết trời này.

Già Nguyễn Hồng Lư ngồi co ro bên bếp, buông tiếng thở dài. Ông Lư là một trong số chín người bị thương trong trận sạt lở kinh hoàng xảy ra tháng 11 tại nóc ông Tuân, cũng ở thôn 2. Trận đó, có bốn người chết, bốn người bị thương, cả làng đứng trước nguy cơ xóa sổ. Tình hình khẩn cấp. Tỉnh phải xin Quân khu 5 chi viện bởi địa hình ở đó, chỉ có bộ đội ra tay mới được.

Ám ảnh còn nguyên đó. Già Lư vén áo, chỉ vào dải băng đang còn quấn ở ngực, rằng may mà không chết. Đất đá xô đổ nhà, gỗ rơi vào đầu, đập vào người ông già. May trời phù hộ, ông thoát chết. Thế nhưng, thoát khỏi nhà, vẫn không dám đi, dù trên đầu là đống đất đá khổng lồ hình lưỡi hái tử thần.

“Theo lệ, làng có người chết thì không được bỏ đi khỏi làng. Mà làng thì ở từ đời ông bà đến giờ, đâu có bỏ được. Không biết làm sao, ở lại thì đất sạt xuống, đêm ngày sợ quá, chạy cũng không nổi, sợ chết lắm. Mình cũng suýt chết mà, nhưng không đi được, đi là con ma nó theo, nó giết”. 

Ông già nói với tôi mà ngước cái nhìn chưa hết tiếc nuối trong đôi mắt già nua. “Nhưng rồi bà con mình đã đi mà?”. Đưa tay khều khúc củi cho lửa  bừng lên, ông già nói như chấp nhận: “Chỉ đến khi có bộ đội tới, bộ đội “chịu mạng” cho mình, mới được nhẹ cái lòng mà đi”. 

Nhung nguoi 'chiu mang' o Khe Chu
Màu áo xanh hiện diện khắp núi rừng Khe Chữ

Thoáng nhanh qua trí nhớ tôi là những câu chuyện truyền miệng.  Luật của người Ca Dong khắc nghiệt, tuyệt đối không ai dám phá luật. Như những ngày qua, khắc nghiệt đến độ cái chết treo trên đầu, mà người ta vẫn sợ luật tục hơn là sợ chết. Già trẻ, lớn bé ngồi bó gối giữa màn mưa, không dám ở trong nhà vì chạy không kịp. Mưa, nghĩa là còn sạt lở, còn cái chết đang lửng lơ, nhưng nhất quyết không rời làng, bởi lời nguyền từ thuở xa xưa gieo trong óc họ, như dao rừng cắm phập vào cây chò…

Trung tá Trần Văn Chín - Phó tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự  huyện Nam Trà My - là người có mặt tại nóc ông Tuân đúng 15 tiếng đồng hồ sau vụ sạt lở. Lệnh hành quân chỉ cách giờ xảy ra thảm nạn một tiếng đồng hồ, nhưng họ mất đến hơn nửa ngày, xuyên đêm tối, để băng qua hàng chục điểm sạt lở khác cắt mất đường đi.

Bộ đội vào đến nơi, vừa tìm kiếm người mất tích, vừa phải vận động dân di dời khẩn cấp. Nhưng, cái bóng đen đang phủ khắp làng kia không đến từ chết chóc. Không ai đi. Họ sợ luật tục. Với người vùng cao, không “lệnh” được. Cũng chẳng có một sức mạnh nào để “cưỡng chế” đám đông đang vừa run sợ trước đất trời, vừa co ro vì luật tục. Đành vận động. Nhẹ nhàng, mềm mỏng nhất có thể, nhưng lý lẽ phải cứng rắn. 

“Bà con nghe chúng tôi, đi ngay. Đi, bộ đội có trách nhiệm không để ai chết cả, nhưng ở lại, chết, chúng tôi không gánh được. Chắc chắn là chết. Đi ngay, gùi được gì thì gùi, việc còn lại, để cho bộ đội. Bộ đội sẽ “chịu mạng” thay cho cả làng” - trung tá Chín đã nói như thế với họ. Cả làng nhìn anh. Lần đầu tiên, họ nghe như thế, có người dám chịu mạng thay cho mình, cho con cháu mình.

Nghe rồi ngó lại sau lưng, những tảng đá và đất đong đưa, trồi sụt theo cơn mưa không dứt. Họ đứng dưới mưa, vòng trong vòng ngoài, nhìn nhau. Đi hay ở? Họ nhìn anh Chín. Và khi cơn mưa nặng hạt hơn, thì thật may, không chỉ nóc ông Tuân, mà 144 hộ của cả chín nóc quanh vùng bắt đầu lục tục đi theo. Cuộc di dân chưa từng có tiền lệ của bà con, về Khe Chữ. 

Nhung nguoi 'chiu mang' o Khe Chu
 

Nơi này vốn là chỗ sản xuất của bà con, có đồng ruộng, nguồn nước, địa hình lại bằng phẳng nhất ở khu Trà Vân, xa các vùng đồi, núi. Ngược vào Khe Chữ, bộ đội cùng dân dầm trong mưa lạnh, hành quân. Đến nơi, khi còn chưa có chỗ đặt ba-lô, bộ đội và thanh niên lại quần quật dựng nhà tạm, làm chỗ ở cho dân trong những ngày tránh nạn. Khi tất cả đều đã yên vị trong lều thì một căn lán khác cũng mọc lên ngay cạnh: lều bộ đội. Họ ở lại với bà con, trước bộn bề những khó khăn trước mắt. Dân quân bốn xã tăng cường về, bộ đội từ Ban Chỉ huy Quân sự   huyện vào tiếp ứng, bất cứ việc gì dân cần là có mặt. 

Từ ngày cái lán trại bộ đội mọc lên, đến nay đã ngót năm tuần. Trung tá Chín chưa về nhà cũng từ ngày đó. Họ phải ở lại, sống cạnh ngay đó, để già Lư cùng lũ làng tin rằng bộ đội không nói chơi, không bỏ mình mà đi, chấp nhận “chịu mạng”.

Ngôi làng mơ ước

Ngay sau cuộc di dời lịch sử của người dân chín nóc xã Trà Vân, bộ đội từ Sư đoàn 315 của Quân khu 5 được điều động lên Khe Chữ để dựng nhà. Hành trình gần 150 cây số từ Trung đoàn 143, vượt qua sạt lở và mưa lớn, 150 cán bộ, chiến sĩ đến Khe Chữ khi bóng đêm đã phủ xuống thung lũng sâu. Bộ đội đốt lửa, thắp đèn pin dựng lán. Đến gần nửa đêm, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn mới bưng được chén cơm giữa cái rét thấu xương.

Nhung nguoi 'chiu mang' o Khe Chu
Tháng 12, những người lính đã đến với người dân Khe Chữ (huyện Nam Trà Mi, tỉnh Quảng Nam)

Một lực lượng khác từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng trực chỉ Trà Vân, với đội ngũ xe vận tải, các nhu yếu phẩm thiết yếu giúp dân. Nhập cuộc ngay, vì dân đang phải sống tạm bợ từng ngày trong những túp lều. Việc thiết yếu nhất là dựng nhà. Chính quyền địa phương huy động xe múc, cử cán bộ đo đạc, vận động dân hiến đất, tìm mặt bằng cho dân. Còn lại là phần bộ đội. 

Xe múc đến đâu, bộ đội có mặt san mặt bằng đến đó. Giữa giá rét mà mồ hôi người lính cứ tuôn chảy. Xe tải của bộ đội vừa đến, đã thấy một tốp chiến sĩ túc trực dỡ đồ đạc của dân xuống. Phía những nền nhà hoàn thiện, ba tốp thợ đang hối hả lợp mái cho ba khung nhà đầu tiên vừa được dựng. Mỗi người một việc. Khe Chữ như một “đại công trường” của bộ đội. Đâu đâu cũng thấy màu áo lính. 

Trung tá Lê Sỹ Hùng - Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 315 - nói, trước khi hành quân, đơn vị đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ về tình hình nhiệm vụ, cũng như những khó khăn sẽ gặp phải để anh em chia sẻ. “Suốt những ngày qua, bộ đội đã đắp gần 40 nền nhà, dựng được bốn khung nhà cho dân Khe Chữ. Quân y của đơn vị vào tận từng nhà để khám chữa bệnh, phát thuốc cho bà con” - trung tá Hùng nói. 

Nhung nguoi 'chiu mang' o Khe Chu
Bộ đội san nền nhà giúp dân

Đi rồi, nhưng đã hết đâu, sợi dây luật tục còn giằng dưa đó. Về làng mới nhưng theo lệ, những ngôi nhà cũ đã đổ, đã bị vùi dưới đất đá, thậm chí chỉ cần nằm gần nơi có người chết do sạt lở, bà con nhất quyết không sử dụng. Của cải, đồ đạc chắt chiu cả đời để sắm sửa cũng vứt bỏ. Với họ, bây giờ tay không. Tình huống mới được đặt ra: vào Khe Chữ, nếu không tận dụng lại những căn nhà cũ, không cách nào có đủ nguyên vật liệu để dựng nhà cho dân. Vậy là, một cuộc vận động cam go khác bắt đầu. 

Bộ đội tiếp cận những người dân nhanh nhẹn, những người biết lắng nghe, để kiên trì thuyết phục. Với đồng bào, không nói dài dòng. Mấy ngày qua, bộ đội cùng ăn cùng ở, khiêng gạo, vác đồ đạc, đến khám, chữa bệnh miễn phí cho dân, anh em trân mình trong mưa rét, làm cho bà con chứ cho họ đâu, họ còn phải lo việc tập luyện sẵn sàng chiến đấu nữa. Đã xuất hiện người đầu tiên nghe theo. Ông Hồ Văn Tin đồng ý cho bộ đội dỡ nhà cũ, chở vào Khe Chữ.

Rồi cũng chính bộ đội sử dụng khung nhà cũ ấy dựng lên một căn nhà khác ngay trên nền đất mới. Những ngày dựng nhà, chủ nhà cũng ngược xuôi tìm thêm kèo cột thay thế cho những phần hư hỏng, kịp thời chuẩn bị để bộ đội dựng nhà. Ông biết, những người lính kia đang làm tất cả vì mình. Tôi hỏi ông Tin: “Hết sợ rồi hả?”. “Tin bộ đội mà, không làm nhà, ở ngoài mưa mới chết”.

Vẫn ngổn ngang đó, nhưng đã qua rồi xơ xác và đáng sợ hơn là những dự báo: nếu không dời làng, thì thảm họa chụp xuống lúc nào không hay. Họ ở căn nhà tạm, chờ chính quyền chia đất tái định cư. Nói thì tạm, nhưng chắc chắn và nguy cơ sạt lở vời xa rồi. 

Một ngày nắng hiếm hoi dưới chân đỉnh Ngọc Linh, nhưng hơi ấm lan dần nơi Khe Chữ có lẽ không từ nắng, mà từ dấu chân người lính in khắp thung lũng sâu những ngày này. Những dấu chân thầm lặng. Người lính, trong cuộc chiến giành lấy ấm no, giành lại một cuộc sống mới cho dân vùng Khe Chữ, đã vượt qua bao khó khăn có tên và không tên khác.

Khắc nghiệt của mưa rừng gió rét, với họ, không đáng lo bằng cuộc di dời của ý nghĩ ăn sâu trong tiềm thức đồng bào. Bộ đội đã đánh thắng ma rừng. Bữa bộ đội rút quân, già Lư theo chân đến ngõ vào bản, bần thần nhìn, rồi lẩm nhẩm:  “Bao giờ các chú trở lại?”.

Song Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI