Những khuôn mặt của Damrey

08/11/2017 - 10:55

PNO - Hãy chân thành tìm cách mà thích ứng, đối phó, tự vệ trước thiên tai; hãy dẫn dắt những cuộc thi thố, trình diễn nhan sắc về gần hơn với cái đẹp có… tư duy.

* Không nên tranh luận. Không cần tranh luận. Không có cái gọi là tranh luận trong trường hợp tổ chức cuộc thi sắc đẹp, tiêu khiển giải trí bên cạnh diễn biến của một cuộc thảm họa. Chúng ta không phải viện dẫn hay nhân danh bất cứ luân lý hay chuẩn mực đạo đức nào cả, thứ mà chúng ta nghĩ, lập tức hành xử trong trường hợp này là duy nhất, không lựa chọn.

Nhung khuon mat cua Damrey
Cáp viễn thông bị cây xanh, trụ điện gãy đổ, đè hẳn xuống mặt đường ở Nha Trang sau cơn bão Damrey

Những “cây sậy bé nhỏ biết tư duy” luôn hiểu mình, biết người để chọn lấy một cách hành xử, thái độ và quyết định trong từng hoàn cảnh, tình huống, con người cụ thể. Đó là văn hóa, là nền tảng căn bản và tối thiểu để chúng ta ít nhất chứng minh sự cần mẫn, uyên bác của Darwin, của hành trình tiến hóa và ngự trị ở đỉnh cao của chi Homo (người) - loài Sapiens - tinh khôn.

Từ đó, đủ khôn ngoan mà nhận thấy, nhận lấy sự sống chung của chính chúng ta với mọi tai ương có thể đến từ hệ quả của việc can thiệp tàn bạo vào thiên nhiên. Chúng ta không thể tránh khỏi, đúng hơn, không biết tránh đi đâu khi cứ hồn nhiên mà tin rằng có thể chinh phục và biến đổi thiên nhiên.

Cùng một lãnh thổ, đầu năm là hạn mặn, hạn hán, những cánh đồng khô cháy ở đồng bằng sông Cửu Long; những tháng cuối năm, nước lại tràn, cuốn phăng người và nhà cửa khắp miền Trung, miền núi phía Bắc. Riêng tại nước ta, biến đổi khí hậu khiến khoảng 2/3 tổng lượng nước là từ bên ngoài lãnh thổ chảy vào. Nước đâu chỉ mang theo phù sa, sự sống; nước có khi hung hãn, hủy diệt sự sống.

Vậy thì, hãy chân thành tìm cách mà thích ứng, đối phó, tự vệ trước thiên tai; hãy dẫn dắt những cuộc thi thố, trình diễn nhan sắc về gần hơn với cái đẹp có… tư duy. Đừng sấp ngửa chạy theo những cuộc thi áo váy trong khi chẳng mảy may cái tính đỏng đảnh của nắng mưa, để rồi… đổ vấy mọi chuyện nháo nhào. Xấu mặt cho một cuộc thi sắc đẹp.

* Sáng 3/11, tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, tiếng gió rít bên tiếng nấc, 20 năm rồi, những người mẹ, người vợ, người chị vẫn đau đáu nhìn về biển bởi ở đó, là thân xác của con mình, chồng mình, em mình vẫn đang vùi sâu trong ấy.

Nhung khuon mat cua Damrey

Trước đó, ngày 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi những dòng thư thăm và chia sẻ nỗi đau của đồng bào, thân nhân các gia đình có người thân mất trong cơn bão Linda 1997. Ông nhắn nhủ: “Với bài học đắt giá từ cơn bão Linda, tôi kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai cả nước, trong đó có các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”.

Vậy mà… 20 năm sau. Bão Damrey khiến 82 người thiệt mạng. Bão Linda, chúng ta mất trên 3.000 người. Tang thương, mất mát không tính trên số đếm, đó là nhân mạng. Bài học từ bão Linda, có người học mãi vẫn không thuộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thốt lên: “Cơn bão tàn phá ngoài sức tưởng tượng”. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ngậm ngùi: “Đây là sự cố không ai lường trước được”.

Sức công phá của thiên tai là không tưởng tượng nhưng không phải vì thế mà mọi công tác ứng phó - khi còn sơ sài, chủ quan thì đều dễ dàng đổ cho sự “không tưởng” ấy. Trong khả năng chuẩn bị tốt nhất, chúng ta vẫn có thể lường trước được những hiểm họa để hạn chế tai ương. Đừng đổ tại “thiên mạng” khi chưa “tận nhân lực”!

* Chiều 6/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM trích Quỹ cứu trợ thành phố 16 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Damrey. Sáng 7/11, con số đã được nâng thêm 2 tỷ cho hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, thành tổng 18 tỷ đồng cho 14 địa phương bị thiên tai bão lụt. Thời hạn kêu gọi và tiếp nhận các nguồn lực đóng góp hỗ trợ đồng bào các vùng bị thiên tai sẽ tiếp tục đến hết tháng 11, không chỉ dừng lại 31/10 như hạn định.

Cũng từ đây đến cuối năm, nhiều đợt vận động đóng góp của các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố, của kiều bào ta ở nước ngoài để chăm lo cho đồng bào cả nước một cái tết sum vầy, ấm cúng.

Sẽ có nhiều mái nhà được lợp lại, nhiều ngôi nhà được xây mới, nhiều nền móng được gia cố cho chắc… bởi người dân thành phố hiểu rằng, có “an cư” - trong một ngôi nhà khang trang - trước khi tết đến thì mới có cơ may “lạc nghiệp” cho một năm mới. Chậm nhất, tuần này, có 5 đoàn công tác của TP.HCM sẽ cùng lúc ra với miền Trung, mỗi đoàn đi không quá 5 người; như mọi lần, ra tận nơi, về tận chốn, ngồi và nắm lấy những đôi tay đã chai sạn mưa nắng, bão bùng. Nước chưa rút, nhà cửa vẫn ngổn ngang, tan tác nhưng ít nhất, có nơi để bám víu, để nương nhờ cho ngày mai, rằng cơm sẽ no, áo sẽ  ấm, chữ sẽ tràn trên những trang giấy…

Một cơn bão đi qua, tôi vẽ những khuôn mặt vui buồn, tốt xấu, được mất… 

 Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI