Nhiều hứng khởi, lắm âu lo!

03/07/2019 - 07:12

PNO - Chẳng có sự "tự do" nào cho việc chúng ta không tuân thủ các ràng buộc tiêu chuẩn - kỹ thuật. Chẳng ai "bảo hộ" cho chúng ta nếu không trung thực từ nguồn gốc xuất xứ, cho đến khả năng bảo vệ con người và môi trường.

Sau buổi chiều 30/6, khi Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) chính thức được ký kết, sau niềm hứng khởi ngập tràn về một điểm son của tiến trình hội nhập, sẽ bắt đầu “bình minh” của ngày hôm sau từ đâu, như thế nào, bởi những ai?

Sau những con số đẹp, đủ mường tượng về một viễn cảnh tươi sáng, nào sẽ xóa bỏ 48,5% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực rồi tiến tới dần xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế, nào cơ man tôm hàu cá mực sẽ lội “tung tăng” trong bể thuế giảm dần theo lộ trình 7-10 năm trước khi chạm mốc 0%... Và còn gì nữa?

Nhieu hung khoi, lam au lo!
Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với gần 100% hàng hóa, nhưng liệu chúng ta có tiến vào được thị trường này với cách quản lý, điều hành, kinh doanh như hiện nay?

Hiệp định thương mại - đầu tư nào cũng đâu chỉ mỗi đóng mộc lên bảng thuế. Hàng rào thuế quan, với sức cởi bỏ như trên là một hấp lực lớn. Nhưng chính hàng rào kỹ thuật (trong thương mại của EU) mới là trở lực không nhỏ, thậm chí cực kỳ cam go cho tất cả chúng ta khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn, thực thi các cam kết, bảo đảm đúng lộ trình.

Trong “chúng ta” ấy, đối tượng chính là doanh nghiệp với nội lực thương mại, với trình độ quản trị, với năng lực cạnh tranh cùng sự hậu thuẫn của người dân; là chính phủ và các bộ ngành trong vai trò thúc đẩy đồng bộ chính sách cải cách thủ tục, thay đổi thể chế liệu đã sẵn sàng, chuẩn bị và đối diện với những thách thức, khó khăn, kể cả thất bại?

Nên nhớ, chỉ hơn một tuần trước ngày đặt bút ký hai hiệp định lịch sử nói trên, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban mới họp phiên thứ nhất để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ tấm thẻ vàng của Liên minh châu Âu đối với hải sản của Việt Nam.

Tấm thẻ treo lơ lửng trên đầu ngành thủy sản đã hơn 2 năm nay, vậy mà năm 2018, số vụ vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, 5 tháng đầu năm 2019 vẫn không giảm số vụ, số tàu, số ngư dân vi phạm.

Hoàn thiện khung pháp lý, gia tăng hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá - hai trong bốn kiến nghị của Liên minh châu Âu là chưa đủ. Một khi ý thức tuân thủ thực thi pháp luật còn hạn chế, dẫn tới những bất cập trong truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, nghĩa là vi phạm hai kiến nghị còn lại của chính Liên minh châu Âu, tấm thẻ đỏ sẽ không ngần ngại rút ra, toàn bộ thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ dừng ngay trước cửa nhập khẩu vào châu Âu.

Chẳng có sự “tự do” nào cho việc chúng ta không tuân thủ các ràng buộc tiêu chuẩn - kỹ thuật. Chẳng ai “bảo hộ” cho chúng ta nếu không trung thực từ nguồn gốc xuất xứ, chứng chỉ nguyên liệu cho đến khả năng bảo vệ nguồn nhân lực - con người và môi trường sống, sản xuất.

Trong cuộc cạnh tranh sống còn này, để mỗi bước đi mạnh mẽ, đĩnh đạc và bền vững, suy cho cùng là cuộc đấu tranh trong chính nội lực của chúng ta. Có đủ tự trọng để vượt qua những “hàng rào” quan liêu, trì trệ, nhũng nhiễu mà từ đấy nảy nòi nào phí bôi trơn, phí phi chính thức... Có đủ tự lực mà quyết liệt chuyển đổi, cân bằng (về sở hữu) và xác lập sự công bằng về khung pháp lý đối với tất cả loại hình doanh nghiệp.

Nhìn giấc mơ sắp chạm vào hiện thực của các ngành hàng có ưu thế xuất khẩu như may mặc, giày da, đồ gỗ mỹ nghệ... tôi lại sợ mình sực tỉnh!

Thì đây, tiềm năng xuất khẩu của gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam rất lớn. Nhưng trước ngưỡng cửa của EVFTA, các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; liệu ta đáp ứng được bao nhiêu, bao lâu? Các loại cây trồng để thành nguyên liệu sản xuất đồ gỗ thường ít nhất có tuổi đời từ 8-12 năm. Nhưng có khi, chưa tới nửa vòng đời đã bị đốn hạ.

Rừng trồng cây công nghiệp thì bị bán gỗ non. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ thì bị tàn phá. Cái tỷ lệ thuế suất hấp dẫn kia, đường đi của những con số ấy bỗng dưng như bị “thiêu đốt” giữa hàng chục ngàn héc-ta rừng ngùn ngụt ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh, ở Chánh Oai - Bình Định.

Chữ ký vẫn còn tươi rói trên những trang hiệp định.

Và thực tế, từ lâu, đã không bắt đầu từ... giấy.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI