Nhà xe giở mánh, đẩy giá vé lên ngất ngưởng

09/01/2019 - 06:47

PNO - Ngày thường, giá chỉ có 400.000 đồng/vé, nay họ bán đến 1,3 triệu đồng/vé, người mua phải đặt cọc ít nhất 500.000 đồng/vé.

Cùng một nhà xe nhưng điểm bán vé trong bến xe Miền Đông báo hết vé, còn các điểm bên ngoài đẩy giá vé lên cao. Nhiều lao động nghèo muốn về quê ăn tết phải chấp nhận bỏ tiền mua vé xe cao gấp 3 - 4 lần ngày thường. 

Nha xe gio manh, day gia ve len ngat nguong
Nhân viên nhà xe Cẩm Vân báo giá vé xe tết lên đến 1,3 triệu đồng/vé trong khi giá ngày thường chỉ có 400.000 đồng/vé

Trong bến hết vé, bên ngoài “còn đầy”

Anh Trần Văn Diệp - quê ở tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, gia đình anh có 6 người, gồm cả 2 cháu nhỏ nên phải chọn xe giường nằm để về quê dịp tết. Ngay sau khi có thông báo mở bán vé xe, anh Diệp đến bến xe Miền Đông mua vé thì được thông báo đã bán hết vé xe giường nằm, chỉ còn xe ghế ngồi. 

Sau 3 ngày lặn lội từ tỉnh Bình Dương lên TP.HCM, anh Diệp mới mua được 4 vé xe giường nằm về quê ngày 24 tháng Chạp, nhưng vé được bán ở đại lý bên ngoài chứ không phải ở trong bến xe. “Ngày thường, giá vé xe giường nằm bao cơm là 320.000 đồng/vé, còn vé ngày 24 tháng Chạp lên đến 720.000 đồng/vé, tôi cũng phải bấm bụng mua” - anh Diệp cho hay.

Ngày 2/1, chúng tôi liên hệ với quầy bán vé của hãng xe khách Chín Nghĩa (tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi) thì được thông báo, nhà xe hiện đã hết vé xe giường nằm ngày 24 tháng Chạp, chỉ còn vé xe ghế ngồi. Thế nhưng, khi vừa rời cổng bến xe Miền Đông, chúng tôi đã được “mách nước” đến các phòng bán vé bên ngoài để mua. 

Nha xe gio manh, day gia ve len ngat nguong
Vé xe Tuấn Tú từ TP.HCM đi tỉnh Quảng Ngãi ngày 25 tháng Chạp có giá gần 1 triệu đồng/vé

Tại văn phòng đại diện của hãng xe Chín Nghĩa ở số 51A đường Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM, nhân viên bán vé xe ở đây cho biết, vé xe về Quảng Ngãi ngày 24 tháng Chạp vẫn “còn đầy”, giá giường nằm là 720.000 đồng/vé, giá giường nằm VIP là 1,4 triệu đồng/vé. Những ngày không cao điểm như 19 tháng Chạp, giá 570.000 đồng/vé. 

Trong khi đó, giá cước giường nằm của hãng xe Chín Nghĩa được niêm yết tại bến xe Miền Đông từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày mồng Ba tết là 410.000 đồng/vé và phụ thu thêm 60%, tức cũng chỉ 656.000 đồng/vé. Nhiều hành khách cho rằng, do bến xe chỉ cho tăng giá tối đa 60% nên nhà xe cố tình ém vé, mang ra ngoài bán để tăng giá vô tội vạ.

Ngày 3/1, tại quầy bán vé của hãng xe Bình Tâm (tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi) trong bến xe Miền Đông, chúng tôi được thông tin là vé xe giường nằm từ ngày 19 tháng Chạp trở đi đã được bán hết, với mức giá cao nhất cũng chỉ 590.000 đồng/vé. 

Nha xe gio manh, day gia ve len ngat nguong
Nhiều hành khách đến mua vé xe Cẩm Vân bất ngờ vì giá vé bị đẩy lên quá cao

Tuy nhiên, trên các trang mạng, vé xe giường nằm xuất bến ngày 24 tháng Chạp của hãng xe Bình Tâm vẫn được rao bán với giá 850.000 đồng/vé, chênh lệch đến 260.000 đồng/vé. Nghĩa là, nhà xe hoặc “cò” vé đang “ôm” một lượng lớn vé xe giường nằm của hãng này để bán với giá “chát” cho hành khách.

Sau nhiều ngày không mua được vé ở bến xe Miền Đông, tôi lên trang mạng trao đổi - sang nhượng vé xe của đồng hương Quảng Ngãi thì thấy hầu hết vé xe của các hãng lớn đều được bán trên đó với giá rất cao. Ví dụ, nhiều người mua vé xe online của hãng Phương Trang chỉ 592.000 đồng/vé nhưng sau đó rao bán lại với giá 850.000 - 900.000 đồng/vé. Rất nhiều người bức xúc với hành vi gom vé trục lợi nói trên nhưng do nhu cầu đi lại dịp tết, họ vẫn phải chấp nhận mất gần 300.000 đồng 
tiền “cò”. 

Trần Văn Vũ (quê tỉnh Quảng Ngãi)

Tăng giá trên 300%

Tại nhà xe Cẩm Vân, số 49 - 51 Tân Thành, Q.Tân Phú, những ngày qua, có khá đông người đến mua vé về quê ăn tết nhưng từ quầy vé bước ra, nhiều người phải buông tiếng thở dài vì giá vé quá đắt.

Anh Huy Sơn cho biết, hiện đang làm công nhân ở Q.12, hôm nay ít hàng nên anh xin chủ xưởng cho về sớm để đi mua vé xe tết. Trước khi đi, anh tạm ứng tiền lương 1,5 triệu đồng để đặt cọc vé xe nhưng không đủ.

“Ngày thường, giá chỉ có 400.000 đồng/vé, nay họ bán đến 1,3 triệu đồng/vé, người mua phải đặt cọc ít nhất 500.000 đồng/vé. Tôi cần mua 4 vé nên không đủ tiền đặt cọc. Giá vé đắt quá, chắc tôi bàn với vợ phải ở lại Sài Gòn ăn tết” - anh Sơn nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà xe Cẩm Vân đang mở bán vé tết với giá cho ngày 24 tháng Chạp là 1,3 triệu đồng/vé từ TP.HCM về TP.Huế (người mua vé giường nằm tầng trên sẽ được bớt 50.000 đồng) nhưng nhà xe chỉ chở khách về đến TP.Đà Nẵng rồi dùng xe nhỏ trung chuyển ra Huế. Với giá vé như trên, một gia đình gồm 4 người như anh Sơn phải mất hơn 10 triệu đồng cho hai lượt đi - về dịp tết, mất đứt 2 tháng lương công nhân. 

Nha xe gio manh, day gia ve len ngat nguong
Xe Thảo Quyên từ TP.HCM đi TP.Đà Nẵng bán vé tết cao hơn 300% so với ngày thường

Ngày thường, giá vé của nhà xe Thảo Quyên (chạy tuyến TP.HCM - TP.Đà Nẵng) chỉ 350.000 đồng/vé, nhưng giá vé xe giường nằm ngày 26 tháng Chạp cũng bị đẩy lên 1,3 triệu đồng/vé, các ghế ở phía sau có thể được giảm 50.000 đồng. Dù giá vé tăng trên 300% nhưng do không mua được vé trong bến nên nhiều người vẫn phải mua vé tại văn phòng của nhà xe, đặt ở Q.Tân Phú.

Các nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi năm nay đẩy giá vé lên cao một cách vô tội vạ. Ví dụ, đối với hãng xe Tuấn Tú - ở số 590 Bình Long, Q.Tân Phú - giá vé xe giường nằm ngày 23 tháng Chạp là 780.000 đồng/vé, ngày 25 tháng Chạp là 950.000 đồng/vé, ngày 27 tháng Chạp là 890.000 đồng/vé. Đáng nói, khách trả tiền vé chỉ nhận được một “phiếu thông tin” có ghi số giường, tiền vé, ngày xuất bến chứ không phải là vé hay hóa đơn thu tiền.

Giá vé còn chênh lệch ở vị trí giường: giường phía trước chênh lệch với phía sau gần 100.000 đồng, giường trên và giường dưới chênh lệch nhau trên dưới 50.000 đồng. Nhiều hành khách ngao ngán nhưng phải liên hệ nhà xe để mua, vì mua qua “cò”, có thể còn bị “chém đẹp” hơn; nhà xe rủ nhau cùng tăng giá, không mua thì không có vé về quê.

Ở các chặng ngắn hơn như TP.HCM - Phú Yên, TP.HCM - Khánh Hòa, năm nay, rất nhiều người chọn loại xe giường nằm cao cấp Limousine. Lợi dụng tâm lý này, nhiều nhà xe đã đẩy giá vé lên đến 900.000 đồng/vé, trong khi ngày thường, giá vé chỉ 400.000 đồng. Với xe giường nằm truyền thống, vé xe thường ngày là 230.000 đồng nhưng dịp tết, đa số được bán với giá 600.000 - 650.000 đồng/vé. Rất nhiều người không mua được vé trực tiếp mà phải liên hệ qua “cò” và chịu tiền phí khoảng 100.000 đồng/vé. 

Nhiều trang mạng bán vé tàu giá “cắt cổ”

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa phát đi lời cảnh báo về việc một số trang mạng sử dụng tên miền giống ngành đường sắt để bán vé tàu giá đắt hơn nhiều lần so với vé chính thức. Nhiều hành khách, đặc biệt là người nước ngoài, đã bị nhầm và mua vé với giá rất cao. Tổng công ty này khuyến cáo, hành khách nên truy cập các trang web dưới đây để tìm hiểu về các chính sách và quy định của ngành đường sắt: www.vr.com.vn;www.vantaiduongsathanoi.vn, www.saigonrailway.com.vn.

Khi mua vé, cần có giấy tờ tùy thân hợp lệ để đảm bảo quyền lợi khi có sự cố xảy ra như mất vé, trùng chỗ trên tàu, đổi trả vé và nên lưu giữ mã vé của thẻ lên tàu để tra cứu lại thông tin khi cần thiết. Nhằm tránh mua nhầm vé giả, vé không hợp lệ, hành khách nên mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý thuộc ngành đường sắt quản lý; không nên mua vé bên ngoài qua cò mồi, các đại lý trá hình.

Nhà xe tự ý tăng giá vé có thể bị phạt đến 60 triệu đồng

Theo điều 13, Nghị định 109/2013NĐ-CP của Chính phủ, những nhà xe có hành vi tăng giá vé vào dịp lễ tết để thu lợi có thể bị phạt tiền từ 1 triệu - 60 triệu đồng, buộc phải nộp lại số tiền thu lợi do hành vi tăng giá. Theo tôi, khi gặp các trường hợp nhà xe tăng giá vé bất hợp lý, nhồi nhét, bắt khách dọc đường, có nhiều hành vi ép khách, người dân nên gọi đến các đường dây nóng để phản ánh. Người dân nên vào bến mua vé, đón xe, không bắt xe dọc đường. Khi người dân chấp hành tốt các quy định về hoạt động vận tải, nhà xe sẽ không có cơ hội để vi phạm.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM)

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI