Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến: 'Đó là tà sư, không phải người của Phật'

25/03/2019 - 06:00

PNO - "Đó là một loại tà sư, không biết gì kinh điển, lời Phật dạy, làm xấu xí hình ảnh nhà chùa vốn đã đi vào lòng dân chúng nước Việt từ xa xưa. Họ không phải là sư thầy đúng nghĩa, không phải là người của Phật".

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến là cây bút quen thuộc của các tạp chí nghiên cứu Phật giáo trong và ngoài nước, với nhiều công trình, bài viết về điển chế, kinh kệ đến các vấn đề Phật giáo hiện đại. Câu chuyện chùa Ba Vàng đã được ông trao đổi thẳng thắn, thấu đáo với Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Nha nghien cuu Huynh Ngoc Chien: 'Do la ta su, khong phai nguoi cua Phat'
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến

Phóng viên: Câu chuyện chùa Ba Vàng đang làm nóng dư luận. Theo tôi, dù sư trụ trì chùa đó có biện thuyết kiểu gì đi nữa, thì tiền bạc đã và đang làm lem luốc phẩm môn, ô danh hình ảnh nhà chùa vốn xa lạ với tục lụy, tham sân.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến: Đó là  một loại tà sư, không  biết gì kinh điển, lời Phật dạy, làm xấu xí hình ảnh nhà chùa vốn đã đi vào lòng dân chúng nước Việt từ xa xưa. Họ không phải là sư thầy đúng nghĩa, không phải là người của Phật.

* Một bộ phận dân chúng cũng như nhiều tín đồ, chư tăng không thoát khỏi vòng cương tỏa của mê lụy. Từ nỗi lo sợ vô hình, tham sân hữu hình… họ tìm đến  chùa chiền để  thỏa mãn tham cầu. Một số nhà chùa và sư sãi, hình như đã nắm được “tử huyệt” này nên tận dụng cơ hội để trục lợi. Những kiểu kinh doanh tâm linh xem ra ngày càng nặng nề và thô lỗ, ví dụ như chuyện gọi vong, giải vong oan nghiệp ở chùa Ba Vàng và một số cơ sở tôn giáo khác.

- Phật giáo chủ trương khước từ thế giới của chư thần, chỉ dạy chúng ta dùng trí tuệ quán chiếu vào bản chất Như Thực của cuộc sống để đạt đến trạng thái giải thoát. Không hề có thượng đế hay một đấng cứu thế toàn năng nào can dự vào quá trình tu tập đó cả. Chính vì thế mà có nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng, Phật giáo không phải là một tôn giáo.

Một vài người bắt bẻ rằng, nghiệp trong Phật giáo thực ra cũng chỉ là tên gọi khác của thượng đế mà thôi, vì nghiệp chi phối toàn bộ cuộc sống, song họ quên mất một điều là tuy nghiệp cũng “toàn năng” như thượng đế, nhưng nó vận động theo luật nhân quả chứ không có ý chí như thượng đế của những tôn giáo hữu thần, và  Phật giáo chủ trương “duy tuệ thị nghiệp” (dùng trí tuệ mới thoát luân hồi). 

* Điển chế, kinh kệ uyên áo, thâm sâu quá, dân chúng đâu có hiểu, nên họ nhờ đến Đức Phật cứu khổ cứu nạn. Nhưng niềm tin tôn giáo đôi khi lại bị dẫn dắt bởi sự mê lầm của họ lẫn người dẫn dắt, trong khi chính họ nhiều khi tìm đến chùa chỉ để cầu mong sự an lạc.

- Đúng. Đức Phật Quan Âm là biểu tượng của đại bi. Đâu phải Phật tử nào tìm đến Phật giáo cũng đều mong cầu giác ngộ hay giải thoát, mà đa số tín đồ là đại chúng bình dân luôn cần một điểm tựa trong đời sống tinh thần để hướng đến cõi thiện, mà không cần phải hiểu biết những giáo lý cao thâm.

Họ cần có một đấng thiêng liêng thần thông quảng đại, thương yêu chăm lo cho họ như một người mẹ hiền trong những tình huống ngặt nghèo, để giúp họ vượt qua được những khổ nạn trong cuộc sống, mà khoa học và tiền bạc không thể giúp được gì. Bản chất con người đa số là yếu đuối. Dũng mãnh tiến bước để vượt qua bao nỗi khổ đau trên đường tu tập, điều đó có lẽ chỉ dành cho những bậc thượng căn.

Dù là tôn giáo đòi hỏi đến tự lực và trí tuệ, nhưng Phật giáo không thể ngoảnh mặt trước sự khổ đau của bao chúng sinh yếu đuối. Đức Phật Quan Âm xuất hiện chính là để đáp ứng nhu cầu đó. Ngài không bước ra từ lịch sử, mà bước ra từ khát vọng tâm linh tiềm ẩn trong vô thức của muôn triệu chúng sinh qua rất nhiều thế hệ. Đức Phật Quan Âm, cũng như nhiều hình tượng Bồ tát khác trong Phật giáo, đều là “phương tiện thiện xảo” trong lộ trình hóa độ chúng sinh.

Nha nghien cuu Huynh Ngoc Chien: 'Do la ta su, khong phai nguoi cua Phat'
Niềm tin tôn giáo đôi khi lại bị dẫn dắt bởi sự mê lầm của họ lẫn người dẫn dắt, trong khi chính họ nhiều khi tìm đến chùa chỉ để cầu mong sự an lạc.

* Ông chắc chắn đã nhìn thấy, hiện giờ có chùa, có sư  đặt ra mục đích  xa lạ với môn quy, đi ngược tinh thần chính của Phật giáo. Một khi họ đã có mục đích thì họ không từ bất cứ phương tiện gì để trục lợi. Điều này một lần nữa cho thấy lệch chuẩn văn hóa không chỉ ở đám đông mê lầm mà cả ở giới sư sãi, điển hình là sự kiện chùa Ba Vàng. Tất nhiên không phải chùa nào cũng thế. Hình như họ không hề sợ nghiệp báo…

- Với tôi, tất cả tượng Phật đều là ngẫu tượng, nhưng khi ta chí tâm đảnh lễ trước tượng Đức Phật Quan Âm hoặc Phật A Di Đà thì đó là lúc ta có cơ duyên đối diện với cảnh giới tâm linh siêu nhiên. Ta không phải đang cúi lạy trước các ngẫu tượng mà chính là đang lễ bái thế giới tâm linh trang nghiêm trong ta. Sợ hãi để giữ tâm trang nghiêm trước những điều huyền ẩn là thiên hướng tâm linh thường tình của con người.

Người nào từng đứng một mình trước biển giữa đêm khuya vắng lặng giữa tiếng sóng vỗ ì ầm vào gành đá, hoặc từng lắng nghe tiếng gió rít từng cơn giữa canh khuya ở một nơi đìu hiu cô tịch sẽ hiểu được cảm giác kỳ diệu đó. Cái hùng vĩ bao la đầy bí ẩn của trời đất khiến ta kinh sợ, nhưng điều đó có thể giúp tâm thức con người hướng đến những điều thiêng liêng tốt đẹp, và tạo nên những cảm xúc cho thi ca, nghệ thuật và cho cả tôn giáo. Nhưng tin tưởng vào sức mạnh siêu nhiên từ cõi huyền ẩn đó để cầu xin ơn phước hay tài lộc là điều cực kỳ nhảm nhí từ tâm lý mê tín của những người mê muội. 

* Niềm tin thơ ngây là cảm xúc đáng yêu của nhiều người, nhưng nó hoàn toàn khác sự mê lầm để tự mình rước họa, gây xáo trộn, bất an cho gia đình, xã hội. Ác nghiệt thay, cơ hội để đám đông mê lầm bây giờ rất lớn,  nó tồn tại hiển nhiên, được chấp nhận lúc úp lúc mở, ngay cả Nhà nước dù có luật này luật kia chế tài, nhưng cái gọi là “nhạy cảm” luôn... nhạy cảm.

Vấn đề còn lại và duy nhất chính là thức nhận, là dùng trí tuệ để thoát nghiệp, bởi dù có cậy vào kinh kệ, có tụng niệm cỡ bao nhiêu mà không dứt lòng tham thì cũng “buông mõ, bỏ chùa”… Nhưng làm được điều đó, đâu có dễ. Với tôi, muốn chữa thì chỉ còn cách nói lại chuyện không mới nhưng không bao giờ cũ, là  câu chuyện giáo dục.

- Bị côn đồ tấn công, nếu không có khả năng tự vệ, dầu có niệm danh hiệu Đức Phật Quan Âm một ngàn lần, chắc chắn vẫn bị tổn thương. Còng số 8 khóa vào tay thì dầu có niệm danh hiệu Đức Phật Quan Âm một vạn lần đi nữa, vẫn không tài nào thoát được. Đó là thực tế. Nhưng đối với những tín đồ thành tâm tin tưởng vào oai lực của Đức Phật Quan Âm về kinh kệ, rằng diệu dụng của lời kinh chỉ diễn ra trong thế giới nội tâm, chứ không phải trong thế giới thực.

Lúc thọ nạn mà ta giữ được tâm an lạc, tự nhiên ta sẽ không còn sợ hãi, xem mọi biến cố nhẹ tựa lông hồng. Tâm an lạc đó sẽ hóa giải hết mọi khổ đau và chướng ngại trong đời. Có gì trên cõi đời này có thể làm tổn hại được một người có tâm an lạc và vô nhiễm? Để đạt được điều đó, anh phải có trí. Trí do học mà ra. Một nền giáo dục, một xã hội luôn hướng con người đến vẻ đẹp nhân văn, thì sự bát nháo vô văn hóa khó xảy ra. Đứa con nít giương ná bắn rớt con chim, nhưng đừng để nó ảo tưởng sẽ bắn rớt mặt trăng.

Xã hội không niềm tin tôn giáo đúng đắn, thiếu nền tảng, khi bị lung lay, thì dân chúng hoảng loạn, chuyển qua mê tín dị đoan. Loại trừ nó, chỉ còn cách dùng nhân lực và nhân cách đẹp để dạy dỗ. Đó là con đường duy nhất. Còn nếu con người đem thói mê tín để bôi bẩn cái thế giới đó bằng những trò cầu xin tài lộc, hoặc đem cái tục trí thô thiển của mình để phá hủy cái thế giới tâm linh đó thì vẻ đẹp nhân văn sẽ bị hủy diệt, đạo đức sẽ bị suy đồi, và cuộc sống xã hội sẽ có thêm nhiều bi kịch.

* Cảm ơn ông. 

"Phật giáo nguyên thủy cũng như Phật giáo đại thừa, không có dòng kinh nào nhắc đến phương pháp “thỉnh oan gia trái chủ”. Chẳng có ai ngớ ngẩn đến mức mời gọi kẻ thù, chủ nợ của mình về để cầu phúc cả. Việc tồn tại của thế giới tâm linh không riêng gì Phật giáo mà hầu hết tôn giáo hiện nay đều thừa nhận, nhưng không thể vin vào cớ đó để nói việc “thỉnh oan gia trái chủ” là đúng đắn.

Đạo Phật thừa nhận có cảnh giới của vong linh nhưng đạo Phật không khuyên, xúi giục người ta việc thỉnh linh hồn, ma quỷ về. Việc nhà chùa thu tiền, ép đóng tiền, gửi tiền qua tài khoản của người đến trục vong, làm lễ, “thỉnh oan gia trái chủ” đã vi phạm những giáo điều cơ bản mà Đức Phật truyền lại... Bằng những cách dàn dựng khác nhau, họ đã kiếm tiền trên nền tảng là nỗi sợ hãi của dân chúng. Đó là một sự lừa đảo tinh vi, có tổ chức.

Thầy Thích Trúc Thái Minh với tư cách là trụ trì chùa Ba Vàng, một người tu theo Phật pháp, chắc chắn thầy biết những điều trên là phi lý, phi Phật pháp nhưng tại sao vẫn chấp nhận nó như một sự lôi kéo phật tử từ khắp nơi tới chùa? Bởi vậy, người phải chịu trách nghiệm ở đây không chỉ một mình bà Yến. Một ngôi chùa với quy mô lớn, đông đảo phật tử hành hương tới gây ra cuộc khủng hoảng như vậy, thử hỏi người dân còn biết nương tựa niềm tin vào đâu?”.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM), 
Trưởng khoa Triết học Phật giáo, Phó viện trưởng Học viện 
Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (trả lời zing.vn ngày 23/3/2019)

Trung Việt (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI