Nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc sát biên giới: Việt Nam cần chủ động

10/10/2016 - 14:51

PNO - ''Nếu xảy ra sự cố rồi thì cảnh báo sớm cũng không có nhiều ý nghĩa. Nếu có thì tôi nghĩ phòng hay hơn đợi cảnh báo, đừng đợi, vì sự cố xảy ra thì không thể nói được điều gì.''

Ngày 06/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III/2016.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định, Việt Nam sẽ sớm trao đổi với Trung Quốc để có thoả thuận đề phòng trường hợp xảy ra sự cố trước sự việc Trung Quốc đưa vào hoạt động nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, chỉ cách Quảng Ninh 50km.

Bên cạnh đó, ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân cho biết, việc kí kết hợp tác với Trung Quốc đã được thực hiện từ năm 2012 nhưng trên thực tế chưa được triển khai nhiều.

Theo Thứ trưởng Tạc, các sự cố phóng xạ thường có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, xuyên biên giới. Trước đây, khi nhà máy Fukushima của Nhật Bản gặp sự cố, tại Việt Nam có đo được phóng xạ tại trạm quan trắc thuộc Viện khoa học kĩ thuật hạt nhân và Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Nha may dien hat nhan Trung Quoc sat bien gioi: Viet Nam can chu dong
Bản đồ các vị trị xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc

Hiểm họa quốc tế

Trao đổi về vấn đề này, TS Đỗ Thị Nguyệt Minh - Trưởng bộ môn Điện hạt nhân - Trường Đại học Điện lực cho biết: "Thường thì các nhà máy ĐHN phải xây dựng gần biển hoặc nguồn sông, để có nước làm mát, ngưng tụ hơi nước. Hơn nữa, các thiết bị hạt nhân rất lớn nặng hàng trăm tấn, nên chuyên chở bằng đường biển là thuận lợi nhất.

Hoặc các nhà máy ĐHN sẽ thường nằm ở vùng hẻo lánh, nguyên nhân vì có chất phóng xạ, nên không nằm trong vùng dân cư đông đúc, ít nhất cũng trong khoảng bán kính 20km,.

Ở các nước thường các nhà máy ĐHN sẽ nằm gần khu dân cư nhưng ở cách xa bán kính hợp lý, đó là về mặt khoa học yêu cầu khi xây dựng. Nếu được xây dựng công chúng nơi đó phải đồng ý, tỉnh đó phê duyệt đặt nhà máy mới được làm, đây là vòng đảm bảo nhà máy sắp xây dựng phải an toàn.

Cho nên khi đi đến các nước, trước khi vào nhà máy ĐHN, bao giờ họ cũng dắt vào tham quan bảo tàng trước, để dân chúng sinh hoạt, đến chơi và am hiểu nhà máy về mặt tích cực cũng như hạn chế, để cùng nhà máy đảm bảo môi trường.

Để thấy yếu tố an toàn rất quan trọng, còn về mặt chuyên môn, thì phải hình thành các cơ sở phân tích, như ở Nhật Bản sau sự cố Fukushima, họ phải lấy mẫu hàng ngày, mẫu thịt, rau cỏ, đất đá, thông báo cho dân biết các chỉ số, những thiết bị phân tích đều ở mức hiện đại nhất".

Ngoài ra, theo bà Minh, lò phản ứng tương tự như nguồn phóng xạ khổng lồ, tai nạn không chỉ nước đấy chịu mà thế giới chịu theo. Vị chuyên gia dẫn một ví dụ:

Khi xảy ra sự cố Chernobyl - Áo, năm 2011, khi bà làm việc ở Áo phải phân tích một số mẫu của nước Belarus, một số nước bên cạnh, để xem bụi phóng xạ có bay sang không, hay là nguồn nước như thế nào.

Gần đây là sự cố Fukushima họ thấy mảnh ván bay, trôi sang tận Mỹ, cũng sợ dòng chảy mang theo phóng xạ. Trong phóng xạ có những phân tử phân rã ngắn ngày, nhưng cũng có những phóng xạ phân rã dài ngày thì phải cảnh giác, mà việc che chắn phóng xạ không hề đơn giản.

TS. Minh cho rằng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là chúng ta phải làm thế nào khi họ đặt một thùng thuốc súng (Nhà máy điện hạt nhân - PV) cạnh mình như vậy.

"Tôi nghĩ nước nào cũng phải thực hiện tuân chỉ theo nguyên tắc chung, nhưng việc tích cực nhất là làm sao có khoảng cách an toàn cho dân. Còn nếu không thì tự chúng ta phải có phương án đề phòng.

Để làm được thì người Việt Nam phải am hiểu về nhà máy ĐHN, dù có làm hay không thì vẫn phải xây dựng đội ngũ chuyên gia về ĐHN, để biết nó nguy hiểm, hiểm họa như thế nào, phân tích ra để biết cách phòng tránh.

Mặt khác, việc cảnh báo sớm phóng xạ, có 2 điều: nếu xảy ra sự cố rồi thì cảnh báo sớm cũng không có nhiều ý nghĩa. Nếu có thì tôi nghĩ phòng hay hơn đợi cảnh báo, đừng đợi, vì sự cố xảy ra thì không thể nói được điều gì.

Cho nên, việc của chúng ta là phải nắm được nhà máy xây dựng bên cạnh mình là nhà máy công nghệ gì, ai xây dựng, độ an toàn ra sao. Để phòng tránh được thì cần phải chủ động làm gì", bà Minh nói rõ.

Vẫn còn bị động

Theo bà Minh, Trung Quốc đang chỉ xây dựng hệ thống quan trắc môi trường. Việc xây dựng là đương nhiên, nhưng cũng cần nghiên cứu kỹ về mặt khoa học.

Bản thân bà Minh không bất ngờ khi sau 4 năm, hệ thống cảnh báo sớm vẫn chưa hiệu quả. Bà cho rằng đừng đổ tội cho khách quan, lâu nay thiếu hụt nhất của người Việt Nam là tính chủ động. Chúng ta luôn trong trạng thái bị động.

"Khoảng 20-30 năm trở lại đây, nhà nước đầu tư không tiếc tiền, nhưng vì chúng ta có tâm lý "ăn xổi" nên không có "độ đằm", nghĩa là có những lúc anh phải gạt hết tất cả đừng nhìn theo và chạy theo lợi ích trước mắt nữa.

Bài toán đặt ra là ở đất nước anh thì anh phải phòng kiểu gì? Đây là cái thiếu lớn nhất của chúng ta hiện nay.

Về cảnh báo phóng xạ, đối phó nhà máy ĐHN ở gần mình, tôi nghĩ rằng, cái quan trọng nhất là chất xám của người VN, đừng làm bừa bãi. Tôi đã từng đi rất nhiều nước xem cách họ làm về ĐHN, từ Nhật Bản, Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản...nhưng không thể áp dụng trọn vẹn vì văn hóa VN khác, người VN khác, về phải biến thành của mình, mình chỉ học chứ còn dập khuân thì không được.

Xưa nay trong lĩnh vực ĐHN, chúng ta mời rất nhiều chuyên gia sang nhưng sử dụng rất thiếu hiệu quả, toàn nói điều họ muốn nhưng chúng ta chưa đặt cho họ điều mình muốn nghe, vì thế nên chúng ta đang lãng phí nguồn tài trợ nước ngoài", bà Minh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, không chỉ xây vài trạm rồi ghi đo số liệu, không giải quyết được vấn đề. Về vấn đề này phải đi bằng 2 cách: một là, về chính sách phải suy nghĩ kỹ, đứng bên cạnh một ông bạn thì nên có cách cư xử ra sao. Cần phải hiểu công nghệ của họ như thế nào để giữ quan hệ, tách bạch khỏi chính trị, chỉ mang tính khoa học.

Ví dụ, họ đang sử dụng nhiên liệu của nước này cung cấp, nhưng đột nhiên thay đổi sang nhiên liệu khác, khi đó, lập tức phải nắm được, để không may trục trặc thì xử lý.

''Chúng ta phải tìm hiểu công nghệ ĐHN thế giới có những gì. Tôi rất ấn tượng khi sang Nhật Bản có phòng thí nghiệm đến mức chỉ cần một sợi vải để ở nơi thử vũ khí hạt nhân, khi mang sợi vải về là họ biết ở đó có vũ khí hạt nhân.

Hai là, nên xây dựng môi trường đặc thù của ĐHN, gửi sinh viên giỏi - có tài, có tâm, để hình thành nên tính tự chủ. Ngay như Ấn Độ, họ nhập khẩu nhiều loại lò, nhưng vẫn chế tạo một loại lò của riêng họ.''

Liên quan đến việc Trung Quốc chưa hợp tác trao đổi tài liệu, số liệu, quy trình sử dụng nước thể hiện qua một vài sự cố gần đây, bà Minh nhận định: "Trong cuộc sống không phải chỉ có khoa học mà cả tự nhiên cũng vậy, khi ở cạnh một người hàng xóm, họ có thể thân thiện, thì chúng ta không phải có nhiều biện pháp, nhưng nếu không thân thiện, chúng ta vẫn phải giữ quan hệ tốt, đặt camera.

Chúng ta hãy chủ động tự thay đổi mình, đừng hi vọng họ trao số liệu thật, mà nếu có đưa thì vẫn phải kiểm tra, kiểm tra ra sao đó là cái giỏi của mình, nên cần các chuyên gia thật giỏi vào lĩnh vực này. Họ làm trên đất nước họ nên họ có quyền, chúng ta đừng bao giờ đặt câu hỏi tại sao và có yêu cầu đòi hỏi.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, vấn đề chỉ là Trung Quốc tuân thủ được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu. Mình yêu cầu họ đáp ứng đến đâu thì tốt đến đó vì họ có yêu cầu riêng của họ.

Cho nên, tôi nghĩ tất cả hãy quay vào trách chúng ta trước, xây dựng đội ngũ có khả nắng sử dụng thiết bị an toàn về ĐHN tốt".

Thành Đô
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI