Nhà báo Thu Trang và "gót chân Asin"

20/06/2016 - 06:49

PNO - Bất chấp an nguy của chính mình, không xao động trước sự mua chuộc, nhưng Thu Trang có điểm dễ bị tổn thương. “Gót chân Asin” của cô chính là gia đình và những người thân yêu.

Đó là nơi chốn Trang đựng tất cả hoảng hốt của mình, điểm gần trái tim là điểm không thể tự vệ.

Khi Trang bước vào một đề tài điều tra, cô thường dấn thân với thái độ của một chiếc xe tăng. Nguyên một khối lì lợm ngang bướng, không lùi bước, không thỏa hiệp, không cần biết mình đang lội qua một bãi mìn. Con đường của người làm điều tra có quá nhiều cản trở khiến họ có thể xao lòng nhụt chí: những thỏa thuận tư lợi, sự an toàn của bản thân, thậm chí chỉ là hình dung về “núi” vất vả sẽ phải vượt qua trước mắt… Trang miễn nhiễm trước những cám dỗ và sợ hãi, cô đi đến cùng những gì mình tin với lương tâm trong sạch và lòng trung thực.

Tài sản của Trang là con gái Chi Mai. Bao nhiêu vất vả đa đoan mà ông trời có thể đổ lên một phụ nữ, Trang đã phải gánh vác từ khi còn rất trẻ. Nhưng như một sự bù đắp xứng đáng từ số phận, Chi Mai khỏe mạnh dễ nuôi, xinh xắn hiền dịu, sớm biết thu vén, thương mẹ, một cô bé dễ mủi lòng và luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình.

Trang vừa làm bố vừa làm mẹ từ khi Chi Mai mới ngoài một tuổi. Vì thế cô chẳng giống mấy những người mẹ cưng nựng đứa con duy nhất của mình, dường như Trang luôn phải cắn răng để không bày tỏ âu yếm, để không “lụy con” theo kiểu đàn bà. Cô nuôi con theo cách một người đàn ông: nghiêm khắc và lặn sâu tất cả những yêu thương lo lắng. Nhưng con gái chính là lý do của mọi nỗ lực sống, nỗ lực tử tế và trung thực, là mái nhà, là ngọn hải đăng của đời cô.

Nha bao Thu Trang va
Cặm cụi chăm sóc cây kiểng để bán gây quỹ cho trẻ vùng cao, một hình ảnh khác của Thu Trang

Hình như đối thủ trong bóng tối của Trang cũng ít nhiều biết điều ấy, và không chỉ một lần, cô bé con bị chúng đem ra làm đòn cân não người mẹ. Năm 2012, báo Phụ Nữ có loạt bài điều tra dài kỳ Thâm nhập sòng bạc năm sao dành cho người Việt về Royal Casino Quảng Ninh, sới bạc được coi là lớn nhất Việt Nam thời điểm đó, được bảo kê để hoạt động công khai.

Ngay khi có hòm hòm tư liệu trong tay để có thể hình dung về quy mô cũng như tính chất ám muội của “khu giải trí cao cấp” này, Trang đã ướm hỏi đồng nghiệp nhiều báo lớn vào cuộc cùng để phanh phui sự việc. Nhưng sau hăm hở (về một đề tài lớn) là những cái lắc đầu ngần ngại, và cuối cùng chỉ có duy nhất Thu Trang và báo Phụ Nữ TP.HCM đối đầu với một thế lực ngầm trong tình thế “trứng chọi đá”.

Ngay khi khởi đăng kỳ đầu tiên, tòa soạn đã nhận được những cuộc gọi cả dàn xếp, cả đe dọa. Văn phòng đại diện của báo tại Hà Nội tạm thời dừng hoạt động vì số 224 Kim Mã bỗng thành địa chỉ bị nguy hiểm. Bản thân Trang phải sang Vân Nam - Trung Quốc để tạm lánh. Tổng biên tập báo Phụ Nữ đã tính đến việc “bưng” cả hai mẹ con Trang vào Nam sinh sống. Những ngày đó, nội dung liên lạc giữa tòa soạn và văn phòng là “Chi Mai đang thế nào? Trang đang thế nào?”. Chắc chưa từng ở tòa soạn nào mà có cuộc họp giao ban nội dung lại để bàn việc làm sao giữ an toàn cho một đứa trẻ.

Mới đây nhất, sau loạt bài Thâm nhập lò gạch “thổ phỉ ” tại Hà Nội, một ngày, nửa đêm Chi Mai vẫn chưa đi học về trong khi điện thoại của Trang liên tục nhận những cuộc điện thoại đe dọa “Mày đi mua quan tài cho cả nhà chưa? Từng người một, mỗi người một chiếc. Nhà mày có bao nhiêu người thì mua bấy nhiêu chiếc, nghe chưa?”. Trang chỉ kịp dặn mẹ “không ai được ra khỏi nhà, có kẻ muốn giết chúng ta” rồi lao đi tìm con gái. Bà ngoại Chi Mai như sụm xuống vì tuyệt vọng và hoảng loạn, vừa khóc vừa hỏi “Con đã mang cái gì về gia đình này?”. Tất nhiên Trang câm lặng, cô không thể trả lời câu hỏi đó của mẹ.

“Nếu như cuộc đời cho tôi một phép màu, tôi xin chết 1.000 lần để được nhìn thấy con tôi ngay lúc đó, để được thấy gia đình tôi được bình an. Tôi dấn thân vì nghề nghiệp mà phải mang cả người thân yêu nhất của mình ra để trả giá cho công việc cá nhân mình lựa chọn. Tôi như chết đi rồi, mọi giác quan không còn cảm nhận được nữa. Tôi hình dung cuộc sống của mình sẽ kết thúc nếu như lời đe dọa trở thành hiện thực với con gái tôi” - Trang nhớ lại buổi tối hoảng loạn ấy. May mắn sao, chỉ là Chi Mai đi học về muộn và xe bị hỏng, cháu ở lại nhà bạn để học tiếp và mải mê quên mất giờ. Nhưng câu chuyện đó là nhát dao (lần nữa) khoét vào vết thương của Trang. Đó là cảm giác day dứt và luôn có lỗi với những người thân yêu của mình.

Nha bao Thu Trang va
Cô con gái Chi Mai, điểm tựa và cũng là... điểm yếu của Trang

Trang vừa lập gia đình năm ngoái, chồng cô là cảnh sát hình sự. Hai người họ đều từng bị đổ vỡ hôn nhân, một mái ấm lành lặn bình an có lẽ là ước nguyện tha thiết nhất của họ. Trang yêu chồng ở mức độ một người đàn bà yêu chồng nhất có thể yêu. Cô vun vén, xả thân và hy sinh cho tình cảm này. Nhưng ngay cả như thế, cô cũng vẫn là một người vợ “không ai chịu đựng được”. Những chuyến đi công tác dài ngày, khi theo đuổi một vụ việc có thể nửa đêm lên đường, căn nhà lạnh tanh vì nhiều ngày trời cô chỉ có thể về nhà khi mọi người đã đi ngủ…

Người đàn ông của Trang phải thương cô lắm, cũng như nhẫn nhịn lắm - mới có thể tiếp tục đồng hành cùng Trang “lên rừng xuống bể” như vậy, mới cắn răng chịu đựng tình thế gia đình luôn bị đe dọa an nguy.

Nỗi phiền kể ra không hết, như khi Trang làm loạt bài 15 kỳ về việc nuôi trẻ vô thừa nhận ở chùa Bồ Đề. Cơ quan của chồng Trang (phòng cảnh sát hình sự TP. Hà Nội) là đơn vị điều tra vụ án. Nhà báo khui sự việc ra ánh sáng (là Trang) thấy cơ quan điều tra có một số điều không thỏa đáng, và Trang không chịu nhịn để “im đi cho lành”, cô đặt chồng mình vào sự khó xử. Mỗi ngày bạn bè của hai người đều hỏi han theo kiểu, “làm thế khác nào úp đất vào đầu chồng”, “vuốt mặt chẳng biết nể mũi”…

“Đã có lúc tôi muốn bỏ chồng, tôi thấy tương lai hai chúng tôi quá mờ mịt. Cứ mãi cùng tôi sống hụt hơi qua những ngày đen tối như thế này, thì phiền anh ấy quá. Nếu tôi cứ tiếp tục là một nữ nhà báo điều tra, điều gì sẽ chờ đợi tôi và những người thân yêu trong gia đình tôi? Nguy hiểm luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi. Chúng tôi biết dựa vào hạnh phúc nào đây? Nếu cứ thế này mãi, tôi sẽ là một đứa con tồi, một người mẹ tệ, một gánh nặng của chồng. Và cuối cùng cuộc hôn nhân ao ước không phải là chia sẻ ấm êm, mà là tôi kéo anh ấy khổ lụy vì mình”.

Khi Trang nói như thế, tôi thấy tất cả sự rã rời, mệt mỏi và hoang mang của cô. Trang không phải biểu tượng của lòng tốt hay sự quả cảm như những người hâm mộ cô thường gọi. Cô chỉ là một phụ nữ yếu đuối và dễ tổn thương, người loay hoay vá víu hạnh phúc và chưa bao giờ hết thèm muốn một cuộc sống bình lặng hiền hòa.

Nhưng chính vì thế, Thu Trang đã khiến chúng tôi nể trọng. Vì cuối cùng, không phải mù quáng, không phải sự điên rồ hoang tưởng mình là “siêu nhân” cứu thế giới - Trang hiểu điều cô phải trả giá và đối diện, nhưng Trang chấp nhận và đi đến cùng. Vì một điều gì đó hơn cả niềm tin, hơn cả trách nhiệm nghề nghiệp hay lòng tự trọng, đó là lựa chọn một thái độ sống không thể khác.

Mỗi lần thực hiện phóng sự điều tra, Thu Trang đều hứng chịu áp lực. Áp lực công việc đối với một phóng viên rực lửa nghề, nhiều kinh nghiệm như Trang lắm khi không kinh khủng bằng những sức ép khác ngoài nghiệp vụ. Bài báo đầu tiên của loạt bài liên quan việc nuôi giữ trẻ ở chùa Bồ Đề, hay loạt bài phanh phui tiêu cực tại cảng Đình Vũ, Đường dây "cò" viên chức ra mắt bạn đọc cũng là lúc Thu Trang bắt đầu nhận lấy sự đe dọa.

Có phụ nữ nào không hoang mang khi có kẻ rình rập trước cổng trường con gái mình đang theo học; không lo lắng khi người ta “nhắn nhủ” xa gần rằng sẽ “chăm sóc tận tình” chồng con mình? Có ai sống hết tâm với nghề không cảm thấy tổn thương khi bị tung những tin đồn bẩn, không cảm thấy thất vọng bởi những cú “bắt tay”, sự trơ tráo rõ mười mươi nhưng chưa thể lôi tất cả những xấu xa ấy ra ánh sáng?

Những lúc ấy Trang chỉ lặng im, có lúc tự nhốt mình trong khách sạn nơi đang tác nghiệp, gặm nhấm nỗi niềm. Có lần, linh cảm đến với những người làm công tác tòa soạn là khi đêm xuống, chúng tôi gọi nhưng không thấy Trang bắt máy, nhắn tin không thấy hồi âm, dù lúc ấy đang giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” trong loạt bài điều tra…

Cuối cùng, khi bật ra được thành lời, cô phóng viên gan dạ, xông xáo gần như òa hết những ẩn ức trong lòng, kể hết những điều đang gặp phải trong nước mắt đến nghẹn, cả những ý nghĩ tiêu cực bộc phát “lúc này đây em cảm thấy cô đơn cùng cực”, nhưng khi tuôn ra được hết lời, Thu Trang đã chốt câu chuyện bằng sự dứt khoát bản lĩnh: “Em nói thế thôi, em không sao đâu, mọi người đừng lo cho em quá”. Rồi ngày mai, bài viết tiếp theo của Trang lại được gửi về tòa soạn với những chi tiết đắt giá. Như đêm qua chưa hề có những giờ phút nghẹn ngào nước mắt...

Tòa soạn báo Phụ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI