Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: ‘Người dân phải quen với việc tranh chấp là ra tòa xử lý’

07/03/2019 - 21:43

PNO - Trong cuộc "Hội thảo quản lý, sử dụng và vận hành nhà chung cư" do Bộ xây dựng tổ chức, ông Nam cho rằng trong tranh chấp tại chung cư, người dân hơi tí là gọi công an, cần quen với việc ra tòa xử lý.

Sáng 7/3, Bộ Xây dựng đã tổ chức "Hội thảo quản lý, sử dụng và vận hành nhà chung cư" tại Hà Nội để đánh giá các mặt tích cực, cũng như hạn chế từ khi "Luật Nhà ở 2014" được thi hành. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì.

Tại buổi hội thảo, đánh giá về những tồn tại vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng nhận thấy, mặc dù đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư vẫn còn xảy ra một số tồn tại, tranh chấp, khiếu nại. 

Nguyen thu truong Bo Xay dung Nguyen Tran Nam: ‘Nguoi dan phai quen voi viec tranh chap la ra toa xu ly’
Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.Hà Nội (thời điểm tháng 2/2019), trên địa bàn Hà Nội có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng (trong đó đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu BQT 492/745 chung cư; đã bàn giao hồ sơ 392/492 chung cư; đã bàn giao diện tích sở hữu chung 338/492 chung cư; đã bàn giao kinh phí bảo trì 238/492 chung cư). 

Có 174 chung cư tái định cư đưa vào sử dụng (trong đó tổ chức Hội nghị nhà chung cư bầu được 82 BQT/174 chung cư, bàn giao kinh phí bảo trì được 49/82 chung cư; bàn giao hồ sơ nhà chung cư được 47/82 chung cư). 

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, tại TP.HCM hiện có 1.367 chung cư, trong đó có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 09 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.

Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng tính đến hết Quý 2/2018 thì trên phạm vi cả nước có 108 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư có liên quan đến các hoạt động quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, chủ yếu xảy ra tại các dự án trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM. 

Cần nhiều thay đổi

Có mặt tại buổi hội thảo, nhiều đại diện của các doanh nghiệp bất động sản cùng đại diện ban quản trị của một số chung cư đang xảy ra tranh chấp cũng nêu ý kiến về những bất cập trong "Luật Nhà đất 2014".

"Công tác quản lý tòa nhà gắn bó chặt chẽ giữ 3 bên, quy định họp hội nghị nhà chung cư lần đầu phải đủ 75% trên thực tế là rất khó bố trí, cả về địa điểm lẫn thời gian dẫn đến các cuộc họp đều không đủ người. Việc biểu quyết bằng giơ tay cũng không khách quan. 

Nguyen thu truong Bo Xay dung Nguyen Tran Nam: ‘Nguoi dan phai quen voi viec tranh chap la ra toa xu ly’
Chung cư Happy Star Tower (Hà Nội) cũng là một trong những chung cư có tranh chấp

Hiện nay việc họp trực tuyến hoặc họp qua việc lấy ý kiến bằng văn bản với từng người là khả thi nhất. Việc này cũng tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức và thu được nhiều ý kiến của đại đa số chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Cần phải bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện thành viên BQT vào thông tư số 2 theo hướng: có trình độ hiểu biết nhất định về các ngành nghề chuyên môn như: kiến trúc, xây dựng, kỹ thuật điện, nước, thang máy, phòng cháy chữa cháy…", ông Ngô Quốc Doanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BĐS Hapulico, nêu ý kiến.

Cũng liên quan đến việc thành lập BQT tòa nhà, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội quản lý tòa nhà Việt Nam - cho rằng: "Theo quy định, 75% bầu mới thành công nhưng thực tế 45% người dân là mua và cho thuê nên số hộ dân thực sự quan tâm quyền lợi chung cư không nhiều. Quy định này như vậy không thực tế, cần phải sửa và hoàn chỉnh.

Cùng với đó là sự tham gia của chính quyền phường, tại Hà Nội, các UBND Phường không muốn tham gia vào ban quản trị, quản lý toà nhà. Chính quyền Phường phải vào cuộc, luật phải quy định rõ trách nhiệm của phường".

Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoERA) cũng nêu ra những lo ngại mới do sự phát triển của thị trường, cần có hệ thống pháp luật phát triển kịp thời để quản lý.

Ông cho biết: "Hiện nay người cho thuê không chỉ theo kiểu truyền thống 6 tháng, 1 năm... mà còn thuê theo buổi, theo giờ. Họ chỉ cần gặp nhau trên mạng, có nhu cầu là nói chuyện thỏa thuận. Từ đó có thể thấy hệ thống pháp luật của chúng ta còn khá chậm theo thị trường.

Ngoài ra, có một số vấn đề mới phát sinh đó là hiện tượng phần tử xã hội tìm cách chui vào BQT chung cư để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại lợi ích của cư dân. Với thủ đoạn mua căn hộ nhỏ nhất, vận động để được bầu làm trưởng BQT sau đó thực hiện hành vi trục lợi, có trường hợp bán lại chung cư mà dân không biết, thậm chí từ bỏ vị trí trưởng ban khi đã trục lợi xong".

Ghi nhận các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, đại diện cư dân các chung cư trên địa bàn Hà Nội tham gia hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng cho biết, sau hội thảo bộ xây dựng sẽ có những điều chỉnh nhất định về thông tư, về lâu dài cần sửa thay đổi trong luật.

Nguyen thu truong Bo Xay dung Nguyen Tran Nam: ‘Nguoi dan phai quen voi viec tranh chap la ra toa xu ly’
Ông Nguyễn Trần Nam - nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo

"Hiện nay các cơ quan nhà nước còn bối rối trong chế tài xử lý, các quy đinh còn chồng lấn. Hơn 500 dự án bàn giao mà chỉ có hơn 200 dự án bàn giao quỹ bảo trì. Lợi ích của người dân đã bị chiếm dụng. Tuy nhiên trong tranh chấp, chúng ta hơi một tí là gọi công an, người dân phải làm quen với việc khi mua bán phải tham khảo ý kiến luật sư, khi tranh chấp là ra tòa xử lý.

Tranh chấp ở chung cư còn liên quan đến văn hoá, pháp luật không thể xử lý được chuyện con gà nhà ông chạy sang nhà tôi, luật pháp không thể nào quy định chi tiết mà nếp sống văn minh, văn hoá, quy định hương ước là cực kỳ quan trọng. Nên trang bị thêm cho người dân, ban quản trị, ban bản lý thêm về văn hoá, nếp sống, tổ chức thêm các hoạt động gắn kết tình nghĩa làng xóm láng giềng thì khi tranh chấp xảy ra dễ xử lý hơn", ông Nam cho biết. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI