Người yêu nước là người không vi phạm pháp luật

24/06/2018 - 09:51

PNO - Tụ tập đông người, gây rối sẽ làm bất ổn về trật tự xã hội khiến người dân không yên tâm sinh sống, các doanh nghiệp không dám vào đầu tư, khách du lịch không dám đến Việt Nam, cùng nhiều hệ lụy khác.

Đừng để ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của người dân

Tuần trước đi ngang qua khu vực sân bay thấy rất nhiều cảnh sát giao thông,  cảnh sát cơ động, công an phường... tôi chợt suy nghĩ về những cuộc biểu tình trong những ngày qua.

Nguoi yeu nuoc la nguoi khong vi pham phap luat
Nhiều người tụ tập gây kẹt xe tại khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả chiều 10/6 khiến hoạt động ra vào sân bay Tân Sơn Nhất ảnh hưởng nghiêm trọng

Mahatma Gandhi là người anh hùng dân tộc của Ấn độ. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Nguyên lý bất bạo lực (còn gọi là bất hại) được ông đề xướng với tên chấp trì chân lý (sa.satyāgraha) đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay.

Ở Mỹ, phong trào vận động quyền công dân (American Civil Rights Movement) được dẫn đầu bởi Martin Luther King Jr cũng là phong trào bất bạo động.

Biểu tình là quyền được ghi trong hiến pháp hơn 70 năm qua, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được luật hoá. Vì vậy, tuy nhà nước không cấm nhưng vẫn hạn chế vì những tác động bạo lực xảy ra đi kèm.

Bạo lực làm cho bất ổn về trật tự xã hội, làm cho người dân không yên tâm sinh sống, làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước không dám mạo hiểm bỏ vốn đầu tư, làm cho khách du lịch không dám đến Việt Nam và làm xấu đi hình ảnh dân tộc Việt nam hiền hoà, hiếu khách.

Các bạn có quyền thể hiện quyền làm chủ của công dân nhưng hãy trong ôn hoà và đừng để ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của người dân.

Bác sĩ Trần Thanh Nhân (TP.HCM)

Cần đẩy mạnh truyền thông đến người dân

Việc người dân tham gia biểu tình những ngày vừa qua là không nên và rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, kinh tế ở địa phương và đất nước. Người dân có lòng yêu nước và thể hiện lòng yêu nước nhưng cần thể hiện đúng cách vì có các cơ quan chức năng như HĐND các cấp, có kiến nghị với đại biểu Quốc hội để thể hiện quan điểm.

Nguoi yeu nuoc la nguoi khong vi pham phap luat

Đối với những người cầm đầu, những người đứng sau dùng tiền, lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để kích động thì pháp luật cần phải xử lý nghiêm. Đối với một số người dân tham gia biểu tình, cơ quan chức năng cần tuyên truyền và giáo dục là chính. Bởi thực chất những người tham gia biểu tình cũng xuất phát từ lòng yêu nước, nhưng do kém hiểu biết nên để bị kẻ xấu lợi dụng.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông và làm tốt vấn đề này để người dân nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Nhà nước. Theo quan điểm của tôi, quan trọng nhất vẫn là truyền thông. Trước khi có những chủ trương lớn liên quan đến vận mệnh của đất nước thì công tác truyền thông của Đảng và Nhà nước cần làm tốt hơn.

Ví dụ như dự thảo Luật Đặc khu hay dự thảo Luật An ninh mạng, cần phải tuyên truyền sâu rộng, hoặc cần thiết nữa thì trưng cầu dân ý. Khi làm tốt công tác truyền thông, người dân hiểu và nắm bắt được thì sẽ khó bị các đối tượng xấu kích động.

Thầy Nguyễn Vương Linh - Hiệu trưởng trường cấp II ở TP.Vinh, Nghệ An

Phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi đình công trái luật

Hiện nay Bộ luật lao động năm 2012 có quy định về đình công như sau: người lao động có quyền đình công. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích liên quan đến lao động.

Nguoi yeu nuoc la nguoi khong vi pham phap luat
Việc đình công bất hợp pháp sẽ khiến đời sông công nhân gặp nhiều khó khăn, công việc ngưng trệ

Việc đình công chỉ được thực hiện khi:

- Có tranh chấp lao động xảy ra.

- Các cơ quan có thẩm quyền lập biên bản hòa giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện; hoặc hòa giải không thành.

Những trường hợp đình công bất hợp pháp:

- Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

- Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một doanh nghiệp đình công.

Đối với doanh nghiệp thì có quyền nộp đơn đến toà án yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

Như vậy, người lao động đình công mà không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì đó là đình công bất hợp pháp. Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác trong thời gian đình công.

Đối với doanh nghiệp, có quyền nộp đơn đến toà án yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công và có quyền yêu cầu giải quyết việc bồi thường nếu doanh nghiệp chứng minh có thiệt hại xảy ra.

Người lợi dụng đình công gây mất trật tự công cộng, làm tổn hại máy móc, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp; người có hành vi kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công ... thì tuỳ theo mức độ vi phạm, có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Do đó người lao động cần xác định việc tham gia đình công phải là bắt nguồn từ nguyên nhân tranh chấp lao động tập thể về lợi ích liên quan đến lao động tại doanh nghiệp nơi mình làm việc. Đồng thời phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi đình công trái luật.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TP.HCM)

Minh Phúc - Khánh Huyền - Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI