Người thủ đô sống cùng 'giặc nước'

01/08/2018 - 06:38

PNO - Bà Bảy bải hoải: “Hốt lắm. Sân nhà tôi ngập 2,5m. Tôi đứng giữa nhà, cao hơn cái sân 5 bậc thềm mà phải ngửa cổ lên trời mới hở được lỗ mũi mà thở.

Đến chiều 31/7, nhiều xã thuộc hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, TP.Hà Nội vẫn nằm giữa mênh mông biển nước. Đường làng, ngõ xóm của các xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến (H.Chương Mỹ) không khác nào kênh rạch chằng chịt ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Nhiều ngôi nhà ngập đến nóc, hoa màu mất trắng, gia súc, gia cầm táo tác theo người đi “sơ tán” khắp nơi.

Nguoi thu do song cung 'giac nuoc'
Mười ngày nay, thuyền là phương tiện không thể thiếu của nhiều người dân xã Nam Phương Tiến

Bỏ nhà ra đi

Thôn Việt An, xã Tân Tiến, H.Chương Mỹ bây giờ vắng hoe vắng hoắt. Dưới bóng chiều tà, chỉ thấy những ngôi nhà cửa khóa im lìm, quanh thôn không một bóng người qua lại, thấp thoáng vài đàn vịt bơi tung tẩy khắp khu vườn đầy nước. Mùi xú uế xộc lên nồng nặc.

Nước ngập ngang ngực ông Nguyễn Văn Việt. Tuổi đã ngoài sáu mươi, ông vẫn bì bõm căng lưới với hy vọng gỡ lại được đàn cá giống vừa thả. Chỗ ông đang lội, nửa tháng trước vẫn là ruộng lúa đương thì con gái. Mười ngày trước (ngày 21/7), nước tràn về ngập cả giường, cả tủ nhà ông. Đồ đạc, thóc lúa còn kịp mang đi gửi, riêng đàn cá giống mới thả, đầu tư mất 35 triệu đồng thì không có cách nào mang theo được.

Chìa cái xô dưới đáy lơ thơ vài con cá bé xíu, ông Việt thẫn thờ: “Nhất thủy, nhì hỏa. Các cụ nói cấm có sai bao giờ. Thế là mất trắng ba mươi lăm triệu. Trận lụt này chỉ thua trận lụt năm 1971 thôi, nhưng lớn hơn trận năm 1978. Ba mươi năm sau - năm 2008 - làng tôi mới bị thêm một trận lụt, nhưng trận đó nước rút nhanh. Từ năm ngoái đến nay, trong vòng 9 tháng mà chúng tôi phải hứng đến hai trận nước, trận năm ngoái cũng rút nhanh, ngập ít, không như trận năm nay”.

Nguoi thu do song cung 'giac nuoc'
 

Cuối thôn, ông Nguyễn Bá Minh ngồi chồm hổm trên bờ tường, bên cánh cổng khóa chặt. Ông bảo: “Tôi đảo qua nhà gọi là cho có bóng người, chứ đồ đạc đã mang đi sơ tán hết, trong nhà chẳng còn gì”. Ông Minh dẫn tôi men theo bờ tường vào bên trong: “Đây, nhìn dấu nước trên tường là thấy, hôm nay nước đã rút được mươi phân so với hôm qua. Nước ngập vào nhà đến 60cm thế này, nhà tôi phải kê thang ngang mái để xếp thóc lên trên đó”.

Ông Minh rành rọt kể về thời điểm nước bò đến tận sân nhà: “Lúc đó xâm xẩm tối, ngó ra sân, thấy nước đã ngập 20cm, tôi bèn hô vợ con mau thu dọn đồ đạc, thuê mấy chuyến công nông chở đến nhà ông anh trai, ngoài trời mưa tầm tã. Gác được thóc gạo lên mái xong thì cuống lên với hai đàn lợn nái với 500 con gà. Từ xẩm tối đến 3g sáng, cả nhà mới di dời xong mọi thứ. Nhưng đàn gà thì tiếc quá, sắp được xuất chuồng rồi mà lúc chen nhau trên xe công nông, chúng bị chết mất năm chục con”.

Rơi nước mắt khi nghe sóng vỗ ì oạp

Nguoi thu do song cung 'giac nuoc'
 

Bên làng Vạn Tiên, xã Tân Tiến, bà Trịnh Thị Hoàn đã cùng gia đình đi “sơ tán” mấy ngày nay, nhưng nhà có đàn vịt con nên ngày nào bà cũng phải mượn thuyền chèo về ngôi nhà nằm sâu trong ngõ. Bà không giấu được mệt mỏi: “Vạn Tiên lụt đúng vào những hôm mất điện toàn vùng nên cả nhà tôi đêm hôm phải lọ mọ khuân vác, thu dọn đồ từ tầng 1 lên tầng 2 suốt từ nửa đêm đến 8g sáng mới xong. Giờ cả cái tầng 1 cũng đã ngập rồi. Lội dưới dòng nước xiết ngoài đường cũng sợ, nhưng đàn vịt mà bỏ đói, chết thì hoài của”.

Bà Hoàn lặng im giây lát rồi bảo: “Nhìn lên cao thì mình khổ, nhưng nhìn xuống Nam Phương Tiến thì trên này còn sướng hơn nhiều. Dưới đó cô lập hoàn toàn rồi, nước ngập đến hơn 2m, phải huy động cả ca-nô của quân đội làm phương tiện đi lại”.

Mất một chặng chèo thuyền, một chặng xe công nông, bà Nguyễn Thị Bảy mới ngoi được từ ngôi nhà đầy nước của mình ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến ra đầu xã. Sắc mặt thất thần, vừa nghe nhắc đến nước lụt, bà Bảy đã bải hoải: “Hốt lắm. Sân nhà tôi ngập 2,5m. Tôi đứng giữa nhà, cao hơn cái sân 5 bậc thềm mà phải ngửa cổ lên trời mới hở được lỗ mũi mà thở. May là tôi biết bơi, chứ ngập sâu như thế thì chết lúc nào không biết”. 

Chồng bà Bảy - ông Đỗ Đình Nghì - là người khuyết tật. Vợ chồng cố gắng lắm mới xây được gian nhà để có chỗ che nắng che mưa. Thế mà mấy hôm trước mưa bão, sóng nước cứ oàm oạp vỗ tường. “Hai mẹ con tôi nằm trong nhà ôm nhau nghe tiếng sóng mà run nhong nhóc, nước mắt cứ thế tràn ra. Sáng dậy thì thấy cả cái bếp đổ sập. Tôi nói ông ấy, hay đi nơi khác sống, chứ cuối năm ngoái một trận, giờ lại thêm trận thế này thì biết có sống được không”.

Nguoi thu do song cung 'giac nuoc'
 

Bà Bảy có hai đứa con, hằng ngày hai đứa đi học chỉ mất 3km. Nhưng từ hôm ngập lụt đến nay, đứa con gái út vừa vào lớp Một đã phải mang gửi nhà ngoại; để đến được trường, người thân phải chở cháu đi đường vòng mất đúng 10 cây số”.

Gương mặt thảng thốt, bàng hoàng của bà Bảy đã ám ảnh tôi suốt quãng đường leo xe công nông, ngồi thuyền thúng đi vào Nam Hài. Ngược với sự sợ hãi của bà Bảy, đám trẻ con trong làng vẫn vô tư, không cần biết đến ngập hay lụt, nước tràn khắp làng là chúng thích; nhiều đứa còn rủ nhau ra ngõ vẫy vùng dưới nước. 

Chưa qua hết những nụ cười hồn nhiên trong nước lụt thì hình ảnh rác rến lềnh phềnh đã đập vào mắt tôi. Khắp các con ngõ của xóm Bèo, chỗ nào cũng la liệt rác thải, từ ni-lông đến xác động vật trương phình. Bà Nguyễn Thị Hải nói: “Mấy hôm trước, bà con đã dọn và chuyển đi rất nhiều rồi, không thì còn kinh khủng nữa. Mùi hôi thối xông vào tận nhà, không thể ngủ được. Lội nước này về là ngứa”. Chưa qua nỗi khốn khổ từ rác, bà Hải đã kéo đến cái khổ của… dạ dày: “Nhà tôi ngập giữa bốn bề là nước. Cả tuần nay, tôi ăn mì tôm, thỉnh thoảng tạnh ráo, con cháu mới chèo thuyền vào tiếp tế đồ ăn cho”.

Nguoi thu do song cung 'giac nuoc'
 

Nguyên nhân “biết rồi, khổ lắm…”

Ông Nguyễn Văn Việt bảo: “Mấy ngày nữa nắng lên, nước rút là ruồi muỗi, nhặng xanh, nhặng đen bâu kín đường. Tôi nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giải thích, hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai bị ngập nặng là do lượng nước lớn đổ về từ tỉnh Hòa Bình và H.Ba Vì, kéo theo những sự cố xảy ra trên tuyến đê sông Bùi. Nhưng đấy là lý do ngay trước mắt thôi, chứ sâu xa vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Mình đã phá hết rừng, đâu còn cây để cản tốc độ chảy của dòng nước, nên nước cứ ào ào kéo từ vùng cao xuống vùng trũng”.

Nghe ông Việt nói, tôi giật mình nhớ lời một cán bộ kiểm lâm trên Tây Bắc: “Chúng ta phải thẳng thắn nói với nhau rằng, ngoài vài khu bảo tồn ra, chúng ta đã hoàn toàn không còn một cánh rừng tự nhiên nào nữa”. Hậu quả của phá rừng đã hiển hiện từ lâu, chẳng hạn như những trận sạt núi kinh hoàng ở La Pán Tẩn (H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái năm 2012), hay vừa mới đây là nước lũ đã cuốn sập và chia cắt nhiều bản làng của H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), nhưng dường như những thảm họa đó vẫn không “mở mắt” được con người. Cả ông Việt, ông Minh, bà Hoàn đều sợ Chương Mỹ quê mình không chỉ ngập lụt năm một, năm hai. Mà với sức nước và diễn biến khó lường của thời tiết như thế này, họ lo làng mạc của mình sẽ còn bị ngập trong nhiều năm sau nữa. 

Ông Hoàng Minh Hiến - Phó chủ tịch UBND H.Chương Mỹ - cho biết, sáng 31/7, mực nước đê Bùi đã rút khoảng 10cm so với chiều hôm trước, tạm thời qua mức nguy hiểm. Trên địa bàn các xã như Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, nước lũ vẫn cao. Đặc biệt, tại xã Nam Phương Tiến, đường vào xã vẫn bị chia cắt. 

Hiện nay, mưa lớn kéo theo ngập lụt ở H.Chương Mỹ đã khiến hơn 1.600 hộ dân bị dừng cấp điện, hơn 2.200 héc-ta lúa và hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhà ở và tường bao sập đổ, hơn 3km đường giao thông nông thôn, hơn 9km kênh mương, trên 9,4km đê và 33 cầu cống, đập bị sạt lở, hư hỏng… Đau lòng hơn cả là có 3 người dân Chương Mỹ đã bị nước lụt dìm chết.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI