Người thầy mang bệnh 'máu chảy mãi' và giấc mơ dạy chữ cho trẻ ở đảo nghèo

03/12/2019 - 07:59

PNO - Ông Danh Định, cha anh Danh Văn, bật khóc. Đôi mắt ông đỏ ngầu sau bao đêm thức trắng, giọng lạc đi: “Tôi bất lực rồi, nhưng tôi không cam tâm. Con trai tôi luôn muốn dạy chữ cho mấy đứa nhỏ. Vậy mà…"

Những ngày qua, ai đến Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tìm bệnh nhân tên Danh Văn (29 tuổi, người Khmer, ở ấp An Phú, xã Vĩnh Phước B, H.Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), người xung quanh đều biết và lắc đầu xót xa “thương ông giáo quá”. Nghe vậy, ông Danh Định, cha anh Danh Văn, bật khóc. Đôi mắt ông đỏ ngầu sau bao đêm thức trắng, giọng lạc đi: “Tôi bất lực rồi, nhưng tôi không cam tâm. Con trai tôi luôn muốn dạy chữ cho mấy đứa nhỏ. Vậy mà…”.

Cậu bé mắc bệnh “máu chảy mãi”

Ông bỏ lửng câu nói, khóc rấm rứt, gương mặt co rúm lại. Nhớ về tuổi thơ chưa trọn vẹn của cậu con trai duy nhất, ông nói khi Văn được sinh ra, cậu cũng kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác. Văn hiếu động, nhưng thường rất mệt nếu chạy nhảy quá nhiều. 

Đến khi 11 tuổi, người cậu thường bị nổi các nốt u nhỏ, ở nhà nghĩ Văn bị bệnh phong nên tự mua thuốc cho cậu uống. Một lần, Văn té ngã chảy máu liên tục được chuyển đến TP.HCM cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc bệnh Hemophilia A - rối loạn đông máu bẩm sinh.

“Lúc đó, tôi bán căn nhà và vài miếng đất để cứu con. May mắn, con tôi được bác sĩ cứu sống. Trước khi về nhà, bác sĩ căn dặn tôi phải quan sát, nhắc nhở bé hạn chế chạy nhảy, tránh bị té ngã, bị thương hay gãy xương thôi cũng có thể tử vong. Mỗi tháng một lần, Văn phải đi TP.HCM truyền máu và lấy thuốc uống”, ông Định nhớ lại.

Thoát khỏi tay “thần chết”, cậu bé Văn hiếu động ngày nào buộc phải ngồi nhìn các bạn đá bóng, ném cầu, đuổi bắt mà thèm thuồng. Cậu sống khép kín, sợ nghe người lớn nhắc về… cậu bé “máu chảy mãi” . Họ không kỳ thị, nhưng nhìn cậu với ánh mắt đầy thương hại. 

Từng đêm, thấy mẹ chắt mót từng đồng để dành tiền cho Văn truyền máu, cha thở dài, lùa vội chén cơm lấy sức tìm việc cho ngày hôm sau, Văn không cho phép mình từ bỏ. Không làm được việc nặng, Văn tập trung vào học, nuôi dưỡng ước mơ làm thầy giáo.

Văn mê học lắm, các khớp xương sưng vù đau nhức, da hằn lên từng mảng bầm tím cũng không làm cậu sợ. Mỗi khi đi truyền máu, Văn mang theo tập sách, tranh thủ học trên giường bệnh. Bằng nghị lực phi thường, cậu bé Văn mạnh mẽ thực hiện ước mơ của mình. Ngày Văn trở thành thầy giáo, cả vùng quê nghèo đều mừng cho thằng bé “máu chảy mãi”.

Năm 2012, thầy Văn nhận công tác ở Trường tiểu học và THCS Tiên Hải (ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, TP.Hà Tiên), dạy tại điểm lẻ Hòn Đước. Để đến được điểm dạy, thầy Văn và một giáo viên khác phải đi xuồng ra đảo. Ngày khô thì đỡ, ngày mưa bão xuồng chòng chành khiến ai cũng lo lắng. Đi lại khó khăn, thầy ở luôn trên đảo, không điện, nước sạch khan hiếm nhưng tình yêu thương học trò chưa bao giờ vơi.

Để bọn trẻ kịp chương trình, ngoài dạy học ban ngày, đêm đến, thầy Văn lại bật đèn pin truyền chữ. Cố sức khiến các cơn đau ập đến, khớp tay, chân sưng vù không đứng nổi, thầy vẫn ráng lên bục giảng. 

“Có lần thầy phải ngồi thu người lại, ôm chai thủy tinh chứa nước ấm để lăn cho đỡ đau. Xót quá, ai cũng khuyên thầy về nghỉ vài ngày, hay chuyển qua làm hành chính cho đỡ cực. Thầy chỉ nói em thương tụi nhỏ, không bỏ được. Bảy năm nay, thầy chưa bao giờ bỏ cuộc”, cô Thị Ngọc Yến, đồng nghiệp của thầy Văn xúc động nói.

Nguoi thay mang benh 'mau chay mai' va giac mo day chu cho tre o dao ngheo
Đảo nghèo không điện, thiếu nước ngọt, buổi tối thầy Văn phải lấy đèn pin cho bọn trẻ học

Thầy trượt chân ngã, cả làng cùng đau

Bằng nhiệt huyết của mình, thầy Văn đã làm cho người dân nơi đây hiểu được sự quý giá của con chữ, dần hiểu ra việc học sẽ giúp trẻ em nơi đây có công việc tốt hơn, không phải lênh đênh sông nước. Nhờ vậy, học trò đến lớp đều đặn hơn. Dân biển đảo ai cũng thương ông thầy “khùng” tối ngày bắt học.

Hơn 10 năm nay, thầy Văn vẫn phải đến Bệnh viện Huyết học TP.HCM truyền máu, nhưng mọi người gần như đã quên đi hình ảnh cậu bé “máu chảy mãi”, ai cũng chỉ nhớ về người thầy đầy nghị lực, đầy lòng thường yêu đối với học trò. 

Ngày 18/11, trong lúc đang dạy học, thầy Văn trượt chân té ngã, cẳng chân trái gãy đôi, máu chảy quá nhiều, thầy rơi vào nguy kịch. “Điện thoại đổ chuông, thấy số của Văn tôi đã có linh cảm không hay, vừa bật lên nghe, con trai nói ba ơi con gãy chân rồi. Tôi hoảng loạn”, ông Định bật khóc.

Ông bán ba công đất được 100 triệu đồng, vét hết tiền trong nhà, đi cứu con. Bệnh viện tỉnh chuyển thầy Văn lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM với tình trạng gãy hai đoạn xương cẳng chân trái buộc phải mổ khẩn nhưng bệnh máu khó đông khiến bác sĩ buộc phải xử lý thật nhanh, truyền máu liên tục. 

Ngồi ngoài phòng chờ, ông Định cầu mong con trai cố gắng: “Chị nó mới bị tai nạn giao thông đi bệnh viện về nên tôi cạn tiền. Ôm 100 triệu đồng đưa Văn lên TP.HCM, được vài ngày đã hết sạch”. Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, căn bệnh máu khó đông khiến thầy Văn bị biến chứng kháng thuốc gây chảy máu khó cầm. Các bác sĩ phải mổ tiếp lần hai để xử lý, nếu không anh sẽ khó qua khỏi.

Nguoi thay mang benh 'mau chay mai' va giac mo day chu cho tre o dao ngheo
Hiện sức khỏe của thầy Văn đang dần ổn định, nhưng phải sử dụng thuốc đặc trị mới có thể qua khỏi

“Lần này, chúng tôi quyết định dùng thuốc đặc trị, phức hợp protein để cầm máu và thành công, tình trạng vết thương ở chân đã ổn, kiểm soát được chảy máu, theo dõi sát tình trạng máu khó đông và kháng thuốc cho anh Văn. Hiện sức khỏe của anh tiến triển khá tốt, khả năng bình phục cao. Sau điều trị bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường, tiếp tục đứng trên bục giảng”, bác sĩ Tùng nói.

Nghe bác sĩ nói, ông Định mừng lắm mà lo lắng quá, bởi chi phí điều trị cho anh Văn rất cao, như thuốc đông máu đặc hiệu lên đến 40 triệu đồng/ngày. Gia đình anh đã rơi vào kiệt quệ, không còn khả năng lo viện phí.

Cảm động trước lòng nhiệt huyết của thầy giáo, để giảm tối đa chi phí cho gia đình, Bếp yêu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tặng suất ăn miễn phí cho người nhà thầy Văn. Các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang làm hết sức mình để bên cạnh người thầy cần mẫn. Thầy cô, đồng nghiệp ở quê nhà cũng chạy đua với thời gian, vận động quyên góp để thầy yên tâm chữa trị. 

Cô Yến nghẹn ngào: “Từ ngày thầy Văn nằm viện, học trò cứ hỏi thăm thầy, đứa nào cũng nói sẽ ráng ngoan để thầy mau lành bệnh. Chắc thầy hiểu được, nên mỗi lần chúng tôi đến bệnh viện phụ người nhà chăm sóc thầy, thầy cũng cố gắng cười cho mọi người yên tâm. Mệt thì thôi, khỏe chút lại hỏi thăm học trò”. 

Bằng yêu thương của mình, thầy giáo Văn đã vượt lên số phận, khát khao mang con chữ đến với trẻ em nghèo, dạy học không biết mệt mỏi vì luôn tin rằng kiến thức sẽ giúp các em đỡ cơ cực trong tương lai. Hôm nay, thầy Văn phải đối mặt với khó khăn lớn, nhưng vẫn nôn nóng quay về trường, lo lắng các em bỏ học. 

Mong độc giả chung tay giúp thầy vượt qua bệnh tật, trở về với bục giảng, với học sinh đang cần người thầy của mình. Mọi sự hỗ trợ xin liên lạc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM, 0071001049165 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung “Giúp thầy giáo Danh Văn”.
Bạn đọc cũng có thể gửi đến Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy qua tài khoản Bệnh viện Chợ Rẫy, 0071000077458, ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sài Thành, nội dung: “Giúp bệnh nhân Danh Văn, khoa Huyết học”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI