Người phụ nữ Lào gửi cả đàn con cháu theo học ở Việt Nam

04/11/2019 - 06:00

PNO - Bà Khamsone Chanyalat là một trong nhiều người phụ nữ Lào có con, cháu đã và đang theo học ở Việt Nam.

Điều đặc biệt là, bà có một phần tuổi thơ gắn bó với dân tộc Việt, rồi cả con trai, con gái, con rể, cháu nội… đều gửi sang học ở Việt Nam.

Nguoi phu nu Lao gui ca dan con chau theo hoc o Viet Nam
Bà Việt (trái) nói tiếng Lào “bồi”, bà Khamsone không nói sõi tiếng Việt, nhưng hai bà vẫn hiểu những câu chuyện của nhau

Lào - Việt là một gia đình

Sắp vào tuổi sáu mươi, bà Khamsone Chanyalat vẫn một ngày hai buổi luôn tay luôn chân ngoài trang trại. Ở đó, bà chăm sóc mấy nhà trồng nấm, lo cho trại heo cả ngàn con và đàn gà cũng chừng đó số lượng. Mỗi lần chúng tôi tới nhà bà ở thủ đô Viêng Chăn (Lào), đều phải giữa trưa hoặc chạng vạng tối mới gặp được bà.

Cựu thiếu tá quân đội ấy bình dị như bao người nông dân khác. Bà Khamsone nói tiếng Việt bập bõm, còn bà Lê Thị Việt - vợ cố đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Văn Hân, người đã hy sinh trong vụ rơi máy bay tại Lào ngày 25/5/1998 - nói tiếng Lào “bồi”, nhưng cả hai vẫn hiểu nhau.

Thấy chúng tôi tròn mắt trước cách nói chuyện kỳ lạ của hai người phụ nữ một Lào, một Việt ấy, anh Sonexaiy - con trai thứ hai của bà Khamsone - giải thích bằng tiếng Việt: “Bà Việt là bạn của bố mẹ tôi đã mấy chục năm nay. Bố tôi cùng bốn anh em tôi, một cậu em rể và ba đứa cháu trong nhà đều đã và đang theo học ở Việt Nam, nên với gia đình tôi, tiếng Việt có thể gọi là ngôn ngữ thứ hai được đấy”.

Da vẫn căng bóng, hồng hào ở tuổi xấp xỉ lục tuần, bà Khamsone gạt mồ hôi, cười đôn hậu: “Sang năm, con của Sonexaiy cũng sang Việt Nam theo học cùng các anh của nó”.

Các cháu nội của bà Khamsone đang là thế hệ thứ ba “ăn cơm Việt, nói tiếng Việt” của bà. Bốn anh em Sonexaiy, người là thạc sĩ, người là tiến sĩ, người là cử nhân các ngành kinh tế chính trị, hành chính, ngoại giao và một người em rể của Sonexaiy là tiến sĩ, tốt nghiệp Học viện Hậu cần.

Tôi thắc mắc sao bà lại để cả đàn con, rồi đàn cháu mình đi học xa như thế, vẫn nụ cười hồn hậu, bà Khamsone trả lời ngay: “Vì tình cảm đặc biệt giữa Lào và Việt Nam. Không chỉ trong thời chiến, mà cả thời bình, Việt Nam vẫn luôn tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp Lào. Lào - Việt như một gia đình, cả văn hóa, xã hội và con người hai nước đều tương đồng. Anh em Sonexaiy, các cháu tôi theo học ở Việt Nam cũng là theo truyền thống gia đình nữa, vì chồng tôi đã trưởng thành ở Việt Nam, suốt quá trình từ hạ sĩ quan đến sĩ quan, và sĩ quan cao cấp như bây giờ”.

Sonexaiy ngoài ba mươi tuổi, tự nhận mình mới chỉ được đi vài nước, nhưng trong các quốc gia anh từng đến, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam là gần gũi với con người Lào, văn hóa Lào nhất. Anh chọn Việt Nam cho con theo học chứ không phải một quốc gia phát triển nào khác, bởi: “Tôi đã học, đã sống và gắn bó với Việt Nam nhiều năm. Tôi gắn bó với cả lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Khi sang Việt Nam học, nhà nước Việt Nam đã chăm lo cho anh em chúng tôi từ học hành đến đời sống, sinh hoạt. Gia đình tôi có những người bạn Việt gần gũi, thân thiết không khác nào ruột thịt, nên mọi người coi anh em chúng tôi như con cháu trong nhà”.

Bà Việt thì xúc động: “Sonexaiy học đại học, thạc sĩ, rồi tiến sĩ, mỗi cuối tuần đều đòi ăn cơm bác Việt nấu”. Bây giờ, đến mấy đứa cháu nội của bà Khamsone đang học ở Hà Nội, chúng lại í ới “đặt cơm” bà Việt. Hai tuần một lần, người bà ở đất Việt đều đặn bắt xe buýt đến đón bọn trẻ Lào về nhà, ăn ở chung với con cháu mình.

Nguoi phu nu Lao gui ca dan con chau theo hoc o Viet Nam
Gia đình ba thế hệ “ăn cơm Việt, nói tiếng Việt” của bà Khamsone

Một phần tuổi thơ là hai tiếng Việt Nam

Hơn 10 tuổi, bà Khamsone đã tham gia văn công, nhiều lần phục vụ trong chiến khu Xiêng Khoảng. Khi Lào hòa bình, bà công tác ở nhà in quân đội của Lào. Trước đó, khi mới 8 tuổi, từ Xiêng Khoảng, cha mẹ và các anh chị em của bà phải đi Viêng Chăn, còn bà được tổ chức đưa sang Thanh Hóa sơ tán, tránh những trận đánh phá ác liệt khi Mỹ leo thang chiến tranh.

Nhắc đến những năm sơ tán ấy (từ năm 1969-1972), bà Khamsone xúc động mạnh. Đến tận bây giờ, bà vẫn nhớ ngày lên xe sang Thanh Hóa. Trong ký ức của cô bé 8 tuổi là những chuyến phà, những cây cầu qua sông. Có khi qua phà giữa đêm, nghe sóng vỗ ì oạp, bà bật khóc. Những lúc đói hay nhớ nhà, nhớ cha mẹ, bà cũng chỉ biết khóc.

Năm 1972, bà vừa học, vừa sơ tán, vừa phải tránh những trận bom. Có khi ngồi học chưa quen lớp thì trường đã bị bom Mỹ phá hủy, việc học bị gián đoạn không biết bao nhiêu lần. Nhắc đến trường, đến lớp, bà Khamsone rớm nước mắt nhắc đến hai cô giáo - cô Mơ, cô Ưu. Hai cô giáo người Việt ấy không chỉ dạy văn hóa, dạy tiếng Việt, mà còn chăm lo cho bà từng miếng ăn, giấc ngủ.

Cô Mơ, cô Ưu chăm sóc cho đứa trẻ Lào tên Khamsone không khác gì những người mẹ chăm con. Khi bà Khamsone mới bập bõm tiếng Việt thì Thanh Hóa bị ném bom, bà cùng mọi người phải chạy lên Con Cuông (Nghệ An), sau đó về lại Xiêng Khoảng. Nhớ lại những năm tháng trải qua bom đạn cả trên đất Lào và đất Việt, bà bảo, đời sống nhân dân hai nước không khác gì nhau.

Khi Mỹ ném bom ở Thanh Hóa, bà Khamsone đang học khoảng lớp Năm, lớp Sáu. Mỗi lúc bom trút xuống, bà và đám con nít chưa biết sợ là gì cứ muốn đứng xem, còn người lớn thì la hét rồi kéo tay đám trẻ xuống hầm. Bà Khamsone không thể diễn đạt thành lời, nhưng nhìn ánh mắt, nghe giọng nói và từng cơn xúc động trên nét mặt bà, chúng tôi biết, một phần tuổi thơ của bà đã gắn bó với Việt Nam, những ngày sơ tán ở Thanh Hóa là phần ký ức chẳng thể nào phai nhạt.

Bất giác, bà Khamsone nói, giọng chậm, đều như đang tâm sự với chính mình: “Sau này, tôi có gặp lại một số người từng đi sơ tán với mình, nhưng bây giờ, nhiều người đã không còn nữa. Lắm lúc nhớ lại những ngày ở Thanh Hóa, tôi cứ nghĩ không biết mái trường ngày bé mình học khi đi sơ tán giờ ra sao, cô giáo Mơ, cô giáo Ưu có còn sống, có còn mạnh khỏe? Tôi muốn sang Thanh Hóa, tìm lại nơi mình từng sống suốt mấy năm, nhưng không biết phải tìm thế nào. Ngày đó tôi còn bé, không nhớ rõ, sau này thì không nhận ra được vì Việt Nam phát triển, thay đổi nhiều”.

Nghe những tâm sự mộc mạc, chân thật của bà Khamsone, tôi phần nào hiểu được lý do khiến bà gửi cả đàn con, đàn cháu của mình sang học ở Việt Nam. Chứng kiến hai người phụ nữ Lào, Việt trò chuyện thân tình bằng hai ngôn ngữ khác nhau, tôi đã cảm nhận được mối tình đặc biệt mang tên “Tình hữu nghị Việt - Lào”.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI