Người nông dân đang bị bỏ quên: Nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều

06/08/2018 - 06:46

PNO - Cần nhận thấy rằng, trong chuỗi giá trị lúa gạo, người nông dân vẫn là cái gốc, nhưng lại phải chịu nhiều thiệt thòi, ngay cả khi thực thi các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Nhà nước.

Câu chuyện vỡ đập thủy điện Xepian - Xe Nam noy (Lào) vào cuối tháng Bảy vừa qua khiến hàng trăm ngàn nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long phải cắt lúa non, đã nhắc nhớ về một vùng đồng bằng dễ bị tổn thương. 

Qua đó cũng thấy thân phận người nông dân còn quá nhiều thiệt thòi. Trong khi, họ chính là cái gốc của ngành, gốc của chuỗi giá trị gia tăng trong xuất khẩu lúa gạo. 

Ở một nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất, nhì thế giới, nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa nước tại Việt Nam lại rất thấp (thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan và 1,5 lần so với Indonesia). 

Nguoi nong dan dang bi bo quen: Nong dan bo ruong ngay cang nhieu
Người dân ở H.Hồng Ngự thu hoạch lúa “non” khi nước đã bắt đầu tràn vào ruộng - Ảnh: Minh Thanh

Diện tích ruộng bỏ hoang trung bình mỗi tỉnh trên 100ha

Cần nhận thấy rằng, trong chuỗi giá trị lúa gạo, người nông dân vẫn là cái gốc, nhưng lại phải chịu nhiều thiệt thòi, ngay cả khi thực thi các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Nhà nước. 

Nhưng khi bàn việc nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách thường nhắc đi nhắc lại các vấn đề vĩ mô như xây dựng thương hiệu, phát triển logistics, quy hoạch vùng lúa gạo… còn nỗi khổ của người nông dân ít khi được nhắc đến, dù chỉ “lướt qua”. 

Thay đổi chuỗi giá trị nông sản, bắt đầu từ người nông dân

Như chúng ta đã biết, giá sàn xuất khẩu gạo (hay còn gọi là giá định hướng xuất khẩu) do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quyết định. Trước đây, VFA thường quy định cụ thể giá sàn xuất khẩu gạo tối thiểu của từng chủng loại gạo 5%, 15% và 25% tấm để kiểm soát tình trạng doanh nghiệp bán phá giá trong ký kết hợp đồng. Những khi tình hình xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, VFA đã điều chỉnh quy định đối với giá sàn theo hướng khơi thông dòng chảy xuất khẩu gạo, giải cứu thị trường nội địa, hay nói đúng hơn là giải cứu doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Theo đó, VFA chỉ công bố một mức giá sàn duy nhất đối với chủng loại gạo có chất lượng thấp nhất (gạo 25% tấm) và doanh nghiệp được tự do ký hợp đồng xuất khẩu, miễn không dưới mức giá sàn này.

Hậu quả là thương nhân “vô tư” hạ giá xuất khẩu để giành hợp đồng mà vẫn an toàn về hiệu quả kinh doanh, còn nông dân mới là người chịu thiệt, vì doanh nghiệp căn cứ vào giá gạo xuất khẩu có khấu trừ chi phí hao hụt để thu mua nguyên liệu đầu vào. Giá xuất khẩu giảm dẫn đến tình trạng nông dân bị ép bán lúa, gạo cho thương nhân với giá rẻ hơn. Một số trường hợp thương nhân ký hợp đồng mua lúa gạo với giá sàn nhưng đến khi thu mua trực tiếp thì ép giá thấp hơn giá thỏa thuận với lý do giá gạo xuất khẩu trên thị trường sụt giảm. Một số doanh nghiệp còn tự ý chào bán dưới giá sàn mà vẫn chưa có chế tài để xử lý.

Nguoi nong dan dang bi bo quen: Nong dan bo ruong ngay cang nhieu
Nông dân ở An Phú (tỉnh An Giang) bùi ngùi khi nhắc về việc nước lũ nhấn chìm ruộng lúa Ảnh: Minh Thanh

Vì ngán ngẩm với kiểu “tự tung, tự tác” của doanh nghiệp xuất khẩu mà nông dân có thói quen giao thương với thương lái, cò lúa, cò gạo để có thể bán với giá tốt hơn. Nhưng khi làm ăn với thương lái, nông dân cũng chịu nhiều thiệt thòi. Hơn 90% nông dân coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường, đồng thời cũng là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ. Nhưng thương lái lại đóng vai trò thương nhân bán nông sản cho doanh nghiệp và từ đó họ dễ dàng có các động thái thao túng giá và nguồn cung. Điều này làm chậm dòng chảy hàng hóa và cũng làm tắc nghẽn, thiếu minh bạch thông tin.

'Lối ra' cho vị thế người nông dân

Những khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo đã dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều từ đầu năm đến nay. Tuy chưa có báo cáo chính thức từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng theo con số sơ bộ từ các tỉnh thì diện tích ruộng nông dân bỏ hoang trung bình mỗi tỉnh trên 100ha. 

Lao động trẻ bỏ nông thôn tìm đến các khu công nghiệp

Nhiều người quen với đồng ruộng đã quyết định bỏ nông thôn để tìm kiếm cơ hội “đổi đời” ở các thành phố lớn, nhất là những người trẻ. Thông tin từ báo cáo “Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” do nhóm nghiên cứu thuộc các tổ chức phi chính phủ kết hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn Việt Nam cho thấy, hiện đã có hơn 80% tổng số lao động trẻ từ nông thôn di cư đến các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các thành phố lớn. Hơn một nửa trong số đó cho biết nguyên nhân là do họ không hài lòng với thu nhập từ đồng ruộng.

Người nông dân với thu nhập rất thấp lại phải đóng góp nhiều khoản phí khác nhau. Trong khi đó, giá các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu tăng chóng mặt, càng đẩy nông dân vào cảnh khốn khó. Không ít hộ nông dân ngày càng lún sâu trong vòng xoáy nợ nần, từ vay tiền đầu tư mùa vụ đến tiền chi tiêu sinh hoạt hằng ngày với mức lãi suất không dưới 10%/tháng. Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách cho sản xuất lúa gạo cũng không ít, nhưng vẫn quá xa tầm với của người nông dân vì nhiều lý do.

Đã có rất nhiều chủ trương không phù hợp với điều kiện sống của người dân chân lấm tay bùn, chẳng hạn như việc mua bảo hiểm nông nghiệp. Có đến 45% hộ nông dân vẫn đang vay nợ để trồng trọt, chăn nuôi thì lấy đâu ra tiền để mua bảo hiểm, đó là chưa kể đến những điều khoản bảo hiểm quá phức tạp đối với người nông dân.

Thực tế hiện nay, trong toàn chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân chính là người vất vả, chịu nhiều rủi ro song hưởng lợi lại ít nhất, lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay các khâu trung gian. Do đó, làm thế nào để bảo đảm sự công bằng cho nông dân trong chuỗi giá trị của gạo nói riêng và chuỗi giá trị nông nghiệp nói chung là điều cần sớm giải quyết.

 Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI