Người bán hàng rong không còn... đi rong

28/08/2017 - 13:03

PNO - Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày 28/8, phố hàng rong hợp pháp trên đường Nguyễn Văn Chiêm chính thức hoạt động với hy vọng sẽ giải quyết bài toán mưu sinh cho 40 “tiểu thương vỉa hè” xưa nay làm nghề buôn gánh, bán bưng.

Nguoi ban hang rong khong con... di rong
Phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm chủ yếu bán hàng cho khách mang đi, vì không được bày bàn ghế

Hết cảnh “vừa bán, vừa chạy”

Một ngày trước khi phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm  (P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) chính thức khai trương, nhiều tiểu thương đã bắt đầu mở cửa gian hàng để làm quen với “hàng rong tập trung” lần đầu có mặt ở trung tâm TP.HCM.

Để có một suất tại khu phố hàng rong này, cách đây nhiều tháng, chị Đặng Thị Ngọc Hằng (56 tuổi, ngụ tại P.Bến Nghé) phải hoàn thành các thủ tục khám sức khỏe, đăng ký thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm... Sáng 27/8, lần đầu được bán tại phố hàng rong, chị Hằng thao thức cả đêm, không ngủ được. Trước khi được UBND P.Bến Nghé tạo điều kiện vào đây, chị Hằng đã có “thâm niên” hàng chục năm mưu sinh ở vỉa hè gần chung cư Nguyễn Du.

Chị Hằng chia sẻ: “Trước kia, tôi gánh chè bán trên vỉa hè. Cứ thấy mấy anh đô thị tới là mình phải gom hàng chạy. Trong đợt ra quân dẹp vỉa hè vừa rồi, tôi mất chỗ bán. Chưa biết tính sao thì tôi được UBND phường mời lên hướng dẫn làm thủ tục để vào kinh doanh ở phố hàng rong. Có chỗ bán ổn định, gia đình tôi cũng yên tâm”.

Được biết, gia đình chị Hằng thuộc diện chính sách nên được UBND P.Bến Nghé ưu tiên. Cùng với chị Hằng, 39 hộ kinh doanh khác thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn cũng được tạo điều kiện vào kinh doanh ở phố hàng rong này.

Dự kiến trong tháng 9/2017, Q.1 sẽ đưa vào hoạt động phố hàng rong thứ hai tại công viên Bách Tùng Diệp (P.Bến Thành). Do khu vực này có không gian rộng hơn nên phố hàng rong sẽ dài 30 mét với 15 gian hàng, có bàn ghế và mái che để phục vụ thực khách.

Sáng nay, bà Lê Thị Cẩm Hồng (60 tuổi, ngụ tại P.Bến Nghé) không còn phải tất tả với đôi quang gánh. Bà Hồng được UBND P.Bến Nghé cho mở một gian hàng bán nước giải khát trong phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm, kinh doanh từ 11g đến 14g. Theo tính toán của bà Hồng, với khoảng thời gian trên, nếu lượng khách ổn định, hai chị em bà cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, ngang bằng với thu nhập buôn bán rong trước đây. “Buôn bán ở đây không phải đóng bất cứ loại phí gì, lại còn được hỗ trợ rất nhiều” - bà Hồng phấn khởi.

Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND Q.1 - cho biết: “Các hộ kinh doanh tại phố này đều thuộc diện chính sách, người nghèo bán hàng rong, được UBND P.Bến Nghé và Phòng Kinh tế Q.1 lựa chọn kỹ càng. Các hộ kinh doanh tại đây sẽ không phải trả khoản phí nào vì đề án này đã được một số đơn vị tài trợ”.

Địa phương sẽ theo sát hộ kinh doanh

Phố dành cho người bán hàng rong này có tên gọi là “Khu vực thí điểm kinh doanh có thời gian tại đường Nguyễn Văn Chiêm”. Toàn bộ gian hàng được đặt trên đoạn vỉa hè có chiều dài 40m, dự kiến sẽ có 20 gian hàng với 40 hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh sẽ chia thành hai ca: ca 1 từ 6h đến 9h, ca 2 từ 11h đến 14h.

Theo đại diện UBND P.Bến Nghé, quy trình chế biến thực phẩm tại khu vực này sẽ được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Toàn bộ nguyên liệu chế biến sẽ được giám sát về nguồn gốc; người trực tiếp chế biến, người phụ bán phải khám sức khỏe định kỳ hàng năm và phải đeo bảng tên, mặc đồng phục theo quy định. Các hộ kinh doanh sẽ tự chế biến nguyên liệu ở nhà rồi mới mang đến khu vực này buôn bán.

Tại đây, người kinh doanh chỉ việc hâm nóng thực phẩm đã chế biến sẵn, chủ yếu bán cho khách hàng mang đi, bởi khu vực này không bố trí ghế ngồi. Sau khi buôn bán xong, các hộ phải dọn dẹp gian hàng sạch sẽ, chuyển xe hàng vào một điểm tập trung gần đó gửi để nhường chỗ cho hộ kinh doanh ca tiếp theo.

Các hộ buôn bán tại đây phải cam kết kinh doanh đúng phần vỉa hè quy định. Ngành chức năng Q.1 sẽ tổ chức các buổi tập huấn về an toàn thực phẩm, kỹ năng buôn bán và phân loại rác tại nguồn cho các hộ kinh doanh. 

Nhiều trăn trở với phố hàng rong

Dù có chỗ buôn bán ổn định, nhưng nhiều hộ kinh doanh cho rằng, việc giới hạn 3 giờ đồng hồ mỗi ca là quá ngắn, nếu lượng khách đến không đều, họ sẽ không trụ nổi. Ngoài ra, việc phố hàng rong chỉ bán hàng “mang đi”, sẽ kém thu hút khách, vì từ xưa nay, đặc trưng của hàng rong vẫn là sử dụng tại chỗ. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, khu phố với 20 gian hàng của Q.1 chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người bán hàng rong, do đó cần nghiên cứu mở thêm nhiều khu phố hàng rong với quy mô vài trăm gian hàng.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI