Người - trưởng - thành

08/04/2017 - 13:43

PNO - Khởi đầu từ ngành tuyên giáo, kinh qua vị trí Phó chủ tịch quận, để rồi từ bốn năm nay, khi chuyển sang công tác trong đoàn thể Hội, chị đã và đang gánh vác cái trọng trách không hề nhẹ nhàng.

Khoảng những năm 1997-1998, tôi theo chân chị Hồ Thị Minh Nguyệt, Tổng biên tập báo Phụ Nữ đến thăm dì Năm Dung (tức bà Phan Ngọc Dung - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM giai đoạn 1984-1991). Hình ảnh người phụ nữ gầy mảnh khảnh, đôi mắt sáng ngời, nụ cười đôn hậu ra tận nơi tiễn khách, vẫn níu dặn “sấp nhỏ” viết báo Hội rằng, gắn cơ sở, sâu sát dân thì việc gì cũng sáng, cũng thông. Là dì, vị Chủ tịch Hội mẫn cán, đầy đặn tri thức lẫn ân tình, đã đi vào tâm thức non nớt của tôi về một tổ chức giới, nơi mọi nỗ lực và mục tiêu phụng sự là vì hạnh phúc, tiến bộ của người phụ nữ.

Nguoi - truong - thanh
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cùng các cán bộ Hội thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thanh Tùng (Q.Gò Vấp).

Tròn hai mươi năm sau, trong lứa “sấp nhỏ” ngày ấy, đã có người trưởng thành và trở thành Chủ tịch Hội, ở độ tuổi 42, mang theo lời dặn dò của dì Năm Dung và một thế hệ cán bộ Hội dấn thân, tâm huyết để tự nguyện gắn bó, ưu tư cùng Hội, tiếp tục sứ mệnh cùng phụ nữ - vì phụ nữ. Người - trưởng - thành ấy là Nguyễn Thị Ngọc Bích - tân Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM.

Đối thoại

* Những ngày tháng Ba vừa khép lại, nhưng dư âm buồn, đau xót lẫn phẫn nộ đối với những vụ xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn đeo đẳng mãi những người lớn chúng ta. Và chúng ta sẽ làm gì ngoài lòng xót thương trẻ, trách cứ phụ huynh, lên án những kẻ bệnh hoạn, thú tính…?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Trong dòng tâm trạng chung ấy, trước hết, với tư cách người mẹ, sau đó là trách nhiệm của cán bộ Hội, chúng tôi đã nhanh chóng tiếp cận từng vụ việc, tiếp xúc, thăm hỏi, động viên gia đình; đặc biệt là quan tâm đến tâm lý, hành vi và đời sống của các cháu bé.

Tổ chức Hội Phụ nữ chủ động phối hợp, theo dõi diễn tiến để nắm bắt hệ quả - nguyên nhân, từ đó hiểu đúng tính chất vụ việc, đánh giá tổng thể hiện trạng, thúc đẩy việc ban hành văn bản cảnh báo, giám sát trong hệ thống Hội, đặc biệt là cấp Hội cơ sở đối với từng địa bàn dân cư, khu vực hộ gia đình hội viên… để không xảy ra các vụ việc đau lòng.

Song song đó, Thành hội tổ chức các đợt tập huấn cho trên 400 cán bộ Hội cấp xã, phường về kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em và hướng dẫn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại. Thành hội cũng giao cho Đoàn Thanh niên cơ quan phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức những buổi gặp gỡ, trò chuyện nhóm trong một số trường học nhằm trang bị, huấn luyện kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Văn phòng Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí của Thành hội cùng Chi hội luật sư thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em tăng cường thời lượng trực tư vấn, qua các kênh tiếp nhận nguồn tin báo để kịp thời phối hợp cùng xử lý, giải quyết nhanh bước đầu. Chúng tôi cũng đã tiếp cận, tổ chức các buổi tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em cho trẻ sống tại các mái ấm, nhà mở, nhà hội nhập trực thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM.

Tổ chức Hội cùng lúc trang bị một nền tảng kiến thức và cơ chế kỹ năng phòng vệ nạn xâm hại tình dục, bạo hành trẻ cho chính đối tượng trẻ em, vị thành niên; tập hợp, trang bị những kiến thức về pháp luật, xã hội và trách nhiệm gia đình trong đối tượng người lớn - phụ huynh; kết nối, tăng cường công tác giám sát của Hội với các cơ quan chức năng trong quyền và nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em… để làm sao không quẩn quanh hệ lụy xót thương - hối tiếc - trách cứ - phẫn nộ…

* Từ công tác phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em đến việc cùng tham gia giải quyết những ảnh hưởng của hoạt động chấn chỉnh trật tự lòng lề đường đến đời sống, thu nhập, sinh hoạt của người dân, rõ ràng, tổ chức Hội đang từng bước tham dự và can dự một cách trực tiếp, cụ thể vào đời sống dân sinh. Phải chăng, đây là một chuyển động của hoạt động phong trào Hội?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Thật ra, ý nghĩa của hoạt động phong trào, với tính chất vận động, tuyên truyền, tạo dựng thành chuỗi hoạt động - phong trào có sức lan tỏa sâu rộng của tổ chức Hội, vẫn thế. Nếu có là chúng tôi thúc bách bởi ý thức rằng, cần phải hạn chế tính hình thức, tính hô hào suông, tập trung triển khai có trọng tâm, đặt ra yêu cầu cụ thể, đảm bảo phục vụ người dân - hội viên thiết thực, hiệu quả.

Nguoi - truong - thanh
Luôn trăn trở, tìm tòi để có những đổi mới, thiết thực trong phương thức hoạt động hội là phẩm chất của tân Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM Nguyễn Thị Ngọc Bích.

Với “câu chuyện vỉa hè” nóng sốt vừa qua, thí điểm tại phường Bến Nghé, Q.1, chúng tôi một mặt tuyên truyền vận động hộ gia đình - hội viên kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè đồng thuận, chấp hành quy định của pháp luật, chủ trương của Thành phố, mặt khác chúng tôi rà soát số hội viên phụ nữ tại phường tạm ngưng kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khảo sát nhu cầu của chị em để đề xuất hỗ trợ cho từng trường hợp; vận động chuyển đổi ngành nghề thông qua việc giới thiệu nghề phù hợp như làm thợ chăm sóc sắc đẹp, thợ gội đầu, cắt tóc, giúp việc công sở, gia đình...

Với những hội viên lớn tuổi, nghèo, sức khỏe hạn chế thì chúng tôi giao cho Quận Hội phối hợp với Ban quản lý chợ Bến Thành, khảo sát lượng tiêu thụ bao bì của tiểu thương, từ đó, kết nối với một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối bao bì để nhận lãnh mối hàng, giao cho chị em hội viên dán túi giấy, có nguồn thu ổn định.

Tôi thấm thía lời đúc kết của Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung: “Hội chỉ thành công khi phụ nữ tự nguyện tham gia, tự có nhu cầu đứng vào tổ chức của Hội”. Để dân tin, dân tìm đến với Hội, thì trước hết, từ trong mỗi trái tim người làm công tác Hội, phải thật sự tin dân và tìm đến với dân, để lắng nghe, để nhìn thấy, để thấu hiểu cái dân cần, cái mà hội viên - tiềm năng và hội viên, cán bộ Hội mình đang thiếu, đang mong mỏi được lấp đầy.

Cận cảnh

Một ngày nắng chói chang năm 2016, tôi cùng các chị trong Thường trực Thành hội về ấp Trại Đèn, Phước Hiệp thắp nhang lên bàn thờ má Tám Rành (tức Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành) cùng các con cháu liệt sĩ của má. Công trình Nhà tưởng niệm người mẹ Đất thép đang trong giai đoạn II, chuẩn bị hoàn thiện.

Phó chủ tịch Thường trực Nguyễn Thị Ngọc Bích, sau khi thành kính dâng hương đã thị sát toàn bộ khu vực phòng tiếp khách, nhà bát giác (phục vụ khách tham quan), các lối di chuyển, khu vực nhà vệ sinh, số lượng cây và loài cây có khả năng chịu nhiệt, đất khô, đủ sức che mát mà ít rụng lá…

Nguoi - truong - thanh

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích trò chuyện, thăm hỏi em Phạm Văn Thịnh - một nhân vật trong chương trình giao lưu Khát vọng sống do báo Phụ Nữ tổ chức ngày 4/4/2017.

Trước đó, chị và các chị lãnh đạo Hội cũng đã đề xuất Thành ủy, UBND TP về việc nâng cấp, hoàn thiện con đường từ huyện vào Trại Đèn để không chỉ phục vụ cho công trình lịch sử ý nghĩa này mà còn làm đẹp, tiện ích cho sự đi lại của bà con Phước Hiệp.

Từ mảnh đất nghèo khó này, biết bao xương máu đã đổ xuống để tạc nên thành lũy anh hùng, lẽ nào, mỗi bước chân đặt lên đất này, mỗi cuộc trở về thăm lại quê xưa, lại không là một lần tự vấn, phải bù đắp, phải trả ơn cho những người ngã xuống, những người còn sống, đang sống…

Đứng từ gian nhà chính, giữa mùi khói nhang trầm mặc, tôi nhìn ra sân, từng đoàn cán bộ, hội viên phụ nữ các quận, huyện, kể cả tỉnh thành bạn đang về thăm viếng má Tám Rành. Lẫn trong họ, giữa cái nắng đang gắt dần về trưa, vẫn là chị Ngọc Bích cùng các chị trong Thường trực đang thảo luận với nhân viên điện lực về việc kéo đường dây điện phục vụ cho công trình.

Tôi chợt quyện cái ý nghĩ theo làn khói, lời tri ân, đôi khi chẳng phải đợi thốt lên, cũng không phải làm thay cho ai hết, làm cho mình, cho một sự truyền thừa tự nguyện.

Về sau này, khi bắt tay thẩm định cuốn sách Người mẹ Đất thép (công trình biên soạn của Hội LHPN TP.HCM và nhà văn Hoàng Đình Quang), tôi càng hiểu vì sao Phó chủ tịch Thường trực Nguyễn Thị Ngọc Bích tâm huyết, cẩn trọng theo từng câu chữ về cuộc đời hy sinh vạn dặm của má Tám.

Và mới đây, cũng là chị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cơ sở của công trình lịch sử Phong trào phụ nữ Sài Gòn - TP.HCM, một trong những công trình Đại hội ĐBPN TP lần thứ X, đã thể hiện quyết tâm phải thực hiện cho bằng được vì cái lý do rất tha thiết rằng: “Mỗi ngày qua đi, sức khỏe của các dì cán bộ Hội yếu dần, cũng có nghĩa là một phần lịch sử phong trào Hội cần được lưu giữ từ các dì sẽ bị mai một, vì thế, chúng ta phải tổ chức nhóm tiếp cận, ghi chép… để có một tư liệu mang tính hệ thống, chính xác, đầy đủ về hoạt động Hội qua từng giai đoạn, thời kỳ, về những con người giàu ý chí, tri thức, tinh thần phụng sự. Đây không chỉ là công trình lịch sử - chính trị của một nhiệm kỳ mà còn là công trình văn hóa - tri ân của các thế hệ cán bộ Hội”.

Nguoi - truong - thanh

Khi người ta trẻ, người ta luôn hăm hở lao về phía trước, hình như người trẻ không biết mệt, chẳng quan tâm đến nỗi sợ hãi, họ không ngán thất bại. Ở vị thủ lĩnh của phong trào Hội Phụ nữ, chị mang trong mình tinh thần lạc quan, luôn tìm thấy lối ra cho bất cứ hoàn cảnh, tình huống khó khăn bằng những phép giải, mà đôi khi, những người trong cuộc chắc lưỡi, lắc đầu, thậm chí đã… thoái lui.

Những đòi hỏi chính đáng và khẩn thiết rằng, Hội phải mạnh dạn khắc phục bệnh hình thức, bệnh “phong trào”, “hành chính hóa”… Rất đúng. Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế là phải tạo dựng một cách căn cơ, là nguồn lao động có tay nghề, có thu nhập ổn định, có công việc hái ra tiền, tiền lại được tái đầu tư, có tích lũy, có lưu thông, chứ không phải chỉ là chăm lo, giúp đỡ vật chất, việc làm theo mùa, theo quỹ thời gian nhàn rỗi đơn thuần. Không sai.

Nhưng, ngẫm một lẽ, con đường đi tới cái đúng, cái không sai ấy, lại gian nan cùng cực. Bởi, không phải không có những vật cản như thể vô hình, nó là thói quen mặc định, là tâm lý ngại thay đổi, là tư duy rêu phong bám chặt. Phụ nữ - nếu không tự mình vượt qua những vật cản của chính mình - thì đừng mong chờ ai “giải phóng” cho mình. Và người - làm - Hội, lại là thủ lĩnh Hội, luôn phải neo mình trong cái bộn bề, ngổn ngang, lắm lúc rất… đàn bà ấy!

Chị là người biết và dám bứt phá khỏi những quẩn quanh, đeo bám lằng nhằng để cùng các cộng sự “dọn đường” cho những mục tiêu rõ ràng, kế hoạch cụ thể, còn kết quả - hội viên, phụ nữ thụ hưởng được những gì - mới là điều chị thật sự đau đáu. Chị không phải là người giỏi nói mà thông minh, tháo vát làm, đôi khi sự im lặng là để không phải buông những lời giao đãi nhưng cũng là một cản ngại cho người khác hiểu mình.

Như một ngày, nhìn thấy chị còn ngập chìm trong công việc, tôi hỏi, vậy giờ nào chị dành cho chồng con. Chị chỉ cười rồi nhẹ nhàng gấp lại mớ hồ sơ để về nhà. Để tình cờ, tôi bắt gặp chị ngồi lẫn trong nhóm phụ huynh, dõi theo cậu con trai cả đang thuyết trình một đề tài về môi trường trước thầy cô giáo, bạn học bằng tiếng Anh; hay cùng xem phim hoạt hình, cùng đọc truyện với cậu con trai út.

Giữa những cuộc hàn huyên “bà tám” của phụ nữ, ai cũng khoe món nấu sở trường, chị nhoẻn miệng cười bảo, mình chỉ biết nấu món… ăn sáng, bởi đó là thực đơn mỗi ngày chị chuẩn bị cho chồng.

***

H.Hess, tác giả của Câu chuyện dòng sông đã nói: “Tuổi trẻ chỉ chấm dứt khi tính vị kỷ kết thúc. Sự trưởng thành bắt đầu khi ta sống vì người khác”. Khởi đầu từ ngành tuyên giáo, kinh qua vị trí Phó chủ tịch quận, để rồi từ bốn năm nay, khi chuyển sang công tác trong đoàn thể Hội, chị đã và đang gánh vác cái trọng trách không hề nhẹ nhàng.

Sự trưởng thành ở chị chưa bao giờ là để chứng tỏ, lại càng không phải là một thành tích, nó là sự trải nghiệm, sự chấp nhận, sự biết mình - hiểu người và trên hết, là một lý tưởng phụng sự rõ ràng, cụ thể: tất cả là vì sự no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của phụ nữ, vì hạnh phúc nhân sinh.

Bà Tô Thị Bích Châu - nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam - TP.HCM:

Xứng đáng được lựa chọn và trọng dụng

Hội LHPN TP.HCM đang hội tụ một lớp trẻ có trình độ, có tinh thần nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ dám làm, trưởng thành từ cơ sở và kinh qua hoạt động thực tiễn khá dày dạn. Vì thế, tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức bật của các bạn cũng như sự kế thừa một cách xứng đáng những thành quả mà các bạn được trao truyền từ các thế hệ đi trước.

Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Ngọc Bích là người xứng đáng được lựa chọn và tín nhiệm. Đó là một đảng viên, một cán bộ Hội có trình độ, liêm chính, có tầm nhìn xa, luôn trăn trở, tìm tòi để có những đổi mới trong phương thức hoạt động Hội. Trong tình hình chung hiện nay, Đảng ta rất cần những cán bộ trẻ và tâm huyết như thế, họ xứng đáng được trọng dụng vì sẽ mang lại lợi ích, thành quả cho sự nghiệp chung.


Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI