Ngôi làng của những người phụ nữ không chồng

28/05/2017 - 10:02

PNO - Khát khao được làm mẹ đã giúp hàng chục cô gái ở làng Lòi vượt qua mọi sự đàm tiếu của dư luận, mạnh dạn sinh con rồi một mình nuôi nấng chúng lên người.

Nhìn những căn nhà cao tầng thi nhau mọc ở làng Lòi bây giờ ít ai lại có thể ngờ mới 30 năm trước, mảnh đất này chỉ là một khu đất trống nằm giữa cánh đồng hiu quạnh. Làng Lòi hay còn gọi là làng Đội Cung thuộc xã Viên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), người ta đã cố thay đổi tên của ngôi làng này như một cách để dần quên đi những đau đớn, khổ sở, tủi nhọc của 30 phận người phụ nữ bước ra khỏi chiến tranh.

Vội cất cuốn sổ tiết kiệm ngân hàng vào tủ, bà Nguyễn Thị Nhan (61 tuổi, trú xóm 6) cho biết, bà vừa đi nhận tiền của đứa con trai đi làm việc tại Nga gửi về. Bây giờ mọi chi phí đều đã có đứa con gái đầu chu cấp chu đáo nên bà dành dụm tiền, gửi vào ngân hàng để cho đứa con trai của bà có vốn sau này về làm ăn. 

Chỉ tay vào căn nhà cấp 4 xập xệ, đã xuống cấp nghiêm trọng, bà Nhan nhớ lại những tháng ngày cơ cực mà 3 mẹ con bà phải sống chật vật trong đó. Người phụ nữ này kể, chỉ ít tháng sau ngày cưới, chồng bà vào miền Nam chiến đấu còn bà tham gia đội dân quân tự vệ ở quê. Vì chiến tranh ác liệt nên giữa hai người rất ít khi viết thư liên lạc với nhau.

Ngoi lang cua nhung nguoi phu nu khong chong
Căn nhà nhỏ đã từng giúp 3 mẹ con bà Nhan vượt qua khó khăn nơi đồng không hiu quạnh.

Ngày đất nước thống nhất cũng là lúc bà sắp sinh đứa con gái đầu lòng, cùng với nỗi nhớ chồng càng khiến bà mong ngày gia đình đoàn tụ nhanh chóng đến hơn. Nhưng rồi đợi 1 tháng, 2 tháng vẫn không thấy người chồng quay về, lân la dò hỏi thì bà Nhan mới ngã ngửa khi biết tin chồng mình đã có người phụ nữ khác và định cư luôn ở Lâm Đồng.

Đứa con tưởng chừng như là một món quà tăng thêm niềm vui cho ngày hai vợ chồng đoàn tụ, thì nay bà Nhan lại phải sinh con trong nỗi cô đơn và tủi nhục một mình. Những lời gièm pha và những cái nhìn khinh rẻ của xã hội đã khiến bà Nhan không còn đủ can đảm để chung sống vui vẻ với bà con làng xóm nữa.

Nén nỗi đau vào trong, bà Nhan ôm đứa con gái mới sinh ra khu đất trống cuối làng dựng lều sinh sống. “Đó là lúc dường như tôi đã rơi vào ngõ cụt, tuyệt vọng nhưng chính đứa con đã tiếp sức mạnh để tôi có thể vượt qua quãng thời gian này. Tôi phải làm tất cả những gì có thể để con mình không thua kém với bạn bè”, bà Nhan nghẹn ngào nói.

Bà Nhan quan niệm “Đã là gia đình phải có nếp, có tẻ mới vui”, ít năm sau bà lại mạnh dạn đi “xin” đứa con thứ 2 và may mắn sinh được một cậu con trai như bà vẫn mong muốn. Tiếp bước sau bà Nhan là 29 phụ nữ khác, họ không giống bà Nhan nhưng hết thảy đều có chung một khát khao được làm mẹ.

Ngoi lang cua nhung nguoi phu nu khong chong
Con cái thành đạt, gửi tiền về xây dựng lại nhà cửa khang trang cho bà Nhan.

Đất nước hòa bình cũng là lúc những người phụ nữ này đã bước qua tuổi thanh xuân nên rất khó để có thể tìm kiếm cho mình một bờ vai để nương tựa, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Không cam chịu số phận, họ đã quyết định sẽ tự thân thực hiện quyền làm mẹ của mình. Rồi từng người trong số này lần lượt tìm đến những người đàn ông nhờ “giúp đỡ”.

Ánh mắt như tràn đầy hy vọng khi đứa con trai duy nhất của mình đã sinh cho bà hai đứa cháu nội, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Truyền (62 tuổi) cho biết, sau khi biết trong mình đã có một mầm sống mới, một mình bà lặng lẽ nuôi con khôn lớn như những người phụ nữ khác ở ngôi làng này. 

Theo bà Truyền, vì hoàn cảnh khó khăn nên đa số con cái họ đều chỉ học hết lớp 12 rồi đi làm ăn. Nhiều người đã không ngần ngại vay mượn tiền cho con đi xuất khẩu lao động, hiểu về hoàn cảnh của mình nên ai cũng cố gắng làm ăn, tích góp tiền gửi về nhà nên cuộc sống của những chị em ở làng Lòi bây giờ đã sung túc hơn nhiều.

“Đã quá trễ để có thể kết hôn, lập gia đình nhưng tôi vẫn muốn có cho riêng mình một đứa con. Để ít ra còn nơi nương tựa cho mình khi về già”, bà Nguyễn Thị Lưu (65 tuổi) chia sẻ.

Bà Lưu cho biết, khi chiến tranh kết thúc thì bà đã bước sang tuổi 27, lúc đó, ở cái tuổi này thì chỉ còn cách ở giá chứ chẳng ai nghĩ tới chuyện chồng con gì nữa cả. Nghĩ tới quãng thời gian còn lại sẽ phải sống cô đơn 1 mình, bà Lựu cùng nhiều người phụ nữ cùng hoàn cảnh đã phải đi “xin con” rồi cùng kéo nhau ra dựng lều sống ở làng Lòi.

Một mình nuôi con khôn lớn trong những lời dèm pha “không chồng mà chửa” của dư luận, những phụ nữ làng Lòi đã phải cùng nhau “tối lửa tắt đèn” đùm bọc nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Để có miếng cơm, manh áo cho con, họ không ngại lao lực cày cuốc, làm đủ mọi công việc.

“Người mẹ nào lại không muốn con mình nhận bố khi mà bố nó vẫn còn sống chứ, nhưng đối với chúng tôi thì đây sẽ mãi là một bí mật cho riêng mình. Nếu công khai nói ra khác gì mình phá vỡ hạnh phúc gia đình nhà họ, họ cũng còn vợ con nữa mà”, bà Truyền tâm sự.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI