Ngó xuống danh sách đen mà... rầu!

09/09/2019 - 07:40

PNO - Công tác kiểm tra, công cụ giám sát của tổ chức Đảng yếu là một nhẽ, ở đấy vẫn là cá thể con người, kém về nhân cách, vô độ về tham vọng.

Ngày 8/9, hình ảnh và thông tin về lệnh truy nã nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan giăng khắp các mặt báo điện tử, nối dài danh sách cán bộ lãnh đạo vướng vòng lao lý vốn đã và đang dằng dặc từ trung ương xuống đến các địa phương.

Ba triệu đô-la Mỹ là giá của một bộ trưởng, chỉ trong một thương vụ. 20.000 tỷ là số thiệt hại của hai đời cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng. Và cơ man những thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước “rất nghiêm trọng” mà hai lãnh đạo bí thư lẫn chủ tịch đương kim của tỉnh Khánh Hòa để lại trong hầu hết các dự án BT. “Xây dựng” tỉnh nhà vượt quy định pháp luật. “Chuyển giao” hàng chục ngàn mét vuông đất từ sở hữu công thành… sổ đỏ cho doanh nghiệp!

Ngo xuong danh sach den ma... rau!
Vì 1 tỷ đồng, thượng úy Nguyễn Thị Vững đã ngụy tạo chứng cứ để đổ tội cho người vô tội

Nhìn “hẹp” hơn, ở phân cấp ngành, ngay trong lực lượng vũ trang nòng cốt, cuộc đại náo sân bay của đại úy Lê Thị Hiền vừa mới inh ỏi thì lại bồi thêm cú gắp ma túy bỏ vào ô tô để bắt người của thượng úy Nguyễn Thị Vững. Được đào tạo cơ bản, từng là cán bộ của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, biết rõ tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội nhưng Vững lại là người dẫn dắt, ngụy tạo các bằng chứng tội phạm lên một người vô tội, đổi lấy 1 tỷ đồng.

Thậm chí, ở cấp… phường, một ông tổ trưởng tổ dân phố cũng cấu kết với một số đối tượng, tẩy xóa, lập khống hồ sơ thỏa thuận đền bù cho người dân để chiếm đoạt tiền tỷ. Chuyện vừa xảy ra tại khu phố Lễ Môn, P.Vạn Sơn, TP.Thanh Hóa.

Một lần nữa, công tác cán bộ - khâu then chốt trong mọi kế hoạch hoạt động, chính sách vận hành, đã và đang cho thấy những lỗ hổng dày đặc, hun hút, dường như không lường được điểm dừng (của sai phạm).

Tiêu chí, phân cấp, bộ lọc cho cái gọi là “quy hoạch cán bộ”, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tiềm lực con người (cán bộ), nhất là đội ngũ cán bộ nguồn - những cụm từ vốn rất quen thuộc trong hầu hết các chỉ tiêu, nghị quyết, chương trình hành động; thật sự đã đúng, trúng (một cách khách quan) và phát huy hiệu quả trong thực tế hay chưa?

Nếu đúng và trúng, tại sao qua một thời gian thử thách, vận hành, phát huy lại ngấm ngầm “bột phát” những vi phạm, sai phạm? Nhận thức rõ đúng sai nhưng vẫn bất chấp vi phạm, cấu kết tham nhũng, tha hóa nhân cách… tất cả “vi khuẩn” ấy vốn ủ sẵn hay “đột biến” trong môi trường công tác?

Điều đáng nói, chỉ đến khi vỡ lở, nhìn lại đường quan lộ mới thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo đã thăng chức trong khi đang sai phạm. Tay này ôm lấy huân chương độc lập hạng nhì, tay kia thòi ra để ẵm 3 triệu USD là một ví dụ.

Công tác kiểm tra, công cụ giám sát của tổ chức Đảng yếu là một nhẽ, ở đấy vẫn là cá thể con người, kém về nhân cách, vô độ về tham vọng.

Ngày 9/12/1961, trong buổi nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chủ tịch nêu: “Có đồng chí nói thế này: đưa lớp trẻ vào mới làm được việc. Nhưng thâm tâm lại mong muốn là con cháu của mình kia… Có đồng chí nói: có những thành phần không tốt… nay nó được đề bạt; mình trung thành với cách mạng thì không được chú ý”.

Sau cùng, Người đưa ra ví dụ: “Giữa hai đứa con của người trong Đảng và người ngoài Đảng, con của đồng chí mình thì kém, dốt hơn, con của người ngoài Đảng thì thông minh, ngoan ngoãn hơn. Vậy thì ta nên đưa ai đi? Con của người ngoài Đảng hay con của người trong Đảng. Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Đảng không lo riêng cho một đồng chí nào hết. Đảng lo việc cho cả nước. Đó là chính sách cán bộ”.

Gần 60 năm sau, ngước lên là lời căn dặn, nhìn xuống là bảng danh sách “đen”, hầu hết là người trong Đảng, người của Đảng. Chỉ khác, họ đã đi ngược chiều!

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI