Nghỉ hưu dưới... nắng

29/05/2019 - 07:28

PNO - Càng lúc càng thấy xấu hổ, hèn kém trước ông cha bởi tìm đâu ra trong cái mớ “nghỉ hưu trước thời hạn”, “thôi việc trước tuổi”, từ nhiệm hay từ chức ấy một lần dám dâng trảm sớ tố cáo bè lũ đục khoét, chuyên quyền...

Thử chiết tự, “hưu” trong chữ Hán gồm hai bộ nhân và mộc, tức người ngồi tựa vào cây, nghỉ dưới bóng mát của cây. Nhưng xem ra, thời nay, không ít người lại đang phải nghỉ hưu dưới… nắng.

Tít tắp vùng cao Sơn La, ông quan sở học Hoàng Tiến Đức chỉ non hai tháng nữa là nghỉ hưu. Vậy mà, với lời khai tố của cấp dưới về 8 trường hợp chạy điểm do sự “nhờ” của ông, với đường dây mua bán, nâng khống điểm thi len lỏi khắp trong hàng hàng lớp lớp quan chức tỉnh nhà, liệu ông có an tâm cái ngày nghỉ mát dưới cây?

Nghi huu duoi... nang
Giữa tâm bão gian lận thi cử ở Sơn La, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức (bìa phải) chuẩn bị nghỉ hưu

Nghỉ hẳn rồi, nghỉ trong vui thú điền viên, ấy vậy mà nắng vẫn đổ, nắng rọi thấu hang ngách, nắng thiêu đốt cả sự nghiệp. Nhìn danh sách quan chức một thời lần lượt dính chàm, “đính kèm” sau những cái tên dân dã nào Vũ “nhôm”, nào Út “trọc”… mới thấy, đã làm quan, đừng nghĩ chỉ nhất thời để tự cho mình quyền ký càn, làm quấy bởi rốt cùng, cái sai không thể giấu, tiếng xấu để lại muôn đời.

Cũng tạm coi như là một hình thức của “hưu”, vài năm trở lại đây, rộ lên cái mốt cán bộ xin nghỉ việc trước tuổi. Là hết tuổi tái bổ nhiệm nhưng chẳng phải nhường chỗ để đôn lớp trẻ lên đâu nhé (hiếm lắm mới có trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thực chất như ông Nguyễn Sự ở Hội An), mà là do vướng kỷ luật, chuẩn bị thi hành kỷ luật, nhắm thấy không thể thoát khỏi án kỷ luật nên đành xin nghỉ. Biết đâu, một khi xin thôi, nương náu trong bóng tối chập choạng ấy mà lại an toàn, thoát nạn; hoặc có lãnh án thì cũng đỡ phơi mình trước dư luận đám đông.

Chỉ có điều, cái lý do xin thôi được nắn nót ghi trong đơn “vì sức khỏe” - như trường hợp bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, vì “sức khỏe kém” - như trường hợp xin thôi đại biểu Quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó bí thư, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, để “chăm sóc cha mẹ” - như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương… lại khiến bao người… đọc đơn khó mà nuốt trôi chữ lẫn nghĩa.

Khi đương chức đương quyền, tự tung tự tác, ai nấy đều rất khỏe, khỏe tới mức một tay cũng đủ che lấp cả bầu trời mà ký tá, ban hành, chấp chánh. Để đến khi bị lôi tuột xuống mặt đất, cơ man bày ra bao sai quấy, phạm pháp thì bỗng dưng sức khỏe yếu bất ngờ, lòng hiếu đạo cũng dậy khắp cùng trời. Nghỉ hưu trở thành liều thuốc cải tử. Thôi việc là lựa chọn khôn ngoan. Nhưng là cho mình, vì mình, còn thiên hạ thì mặc. Những sai phạm và hậu quả sinh sôi từ các “sai phạm nghiêm trọng”, “vi phạm rất nghiêm trọng” đều quẳng hết phía sau, còn kẻ đẻ ra sai phạm tự cho mình quyền nghỉ hưu, thôi việc.

Càng lúc càng thấy xấu hổ, hèn kém trước ông cha bởi tìm đâu ra trong cái mớ nào “nghỉ hưu trước thời hạn”, “thôi việc trước tuổi”, từ nhiệm hay từ chức ấy một lần dám dâng trảm sớ tố cáo bè lũ đục khoét, chuyên quyền; dám nói lời ngay thẳng bảo vệ lợi ích đại cuộc. Thậm chí, một chút thôi cái thất chí vì bậc trưởng thượng không chịu nghe lời can gián, phản biện thì cũng thể hiện cái tư chất lẫn tư cách người phụng sự nhân dân.

Xưa, khi rời chốn quan trường, cha ông ta, người dựng nhà cuối bãi sông dạy học, người lập am Bạch Vân làm thơ, dịch sách, người ẩn mình ở Côn Sơn mà tấc lòng “cuồn cuộn nước triều Đông”. Không làm quan nữa thì về làm dân, chung cùng vạn đại. 
Nay, dập dìu những lá đơn nghỉ phép, xin hưu, rời công sở trong sự khuất tất, thoái thác, lẩn tránh đầy đớn hèn, bạc nhược, vô trách nhiệm. Bị tước bỏ mọi chức vụ xênh xang một thời để về… đâu đó, khi ấy chỉ mỗi thầm mong được ngồi dưới cây đã là may mắn cuối đời.

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI