Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2018): Trăn trở lớn nhất của ngành y tế vẫn là giảm tải bệnh viện

26/02/2018 - 09:50

PNO - Trăn trở lớn nhất của ngành y tế hiện nay đó là giảm tải BV. Năm 2017, các cơ sở KCB ở TP.HCM đã có trên 42 triệu lượt khám, cao nhất trong 10 năm qua.

Kỷ niệm ngày Thầy Thuốc Việt Nam luôn là dịp để cả xã hội chúng ta trước tiên nhớ đến với tấm lòng tri ân, sau là sự kính trọng những người hành nghề y dược trên một đất nước còn nhiều khó khăn. Đó cũng thường là dịp để những ưu tư, trăn trở bật ra từ phía người làm công tác y tế. 

Các tồn tại chưa thể giải quyết một sớm một chiều như quá tải bệnh viện, thái độ ứng xử… ảnh hưởng chất lượng điều trị đã được những người “trong cuộc” có trách nhiệm nhìn nhận không ít ở đâu đó trên các phương tiện truyền thông với tất cả nỗ lực và cầu thị của nghề nghiệp: bác sĩ giỏi có thể điều trị bệnh nhưng chỉ bác sĩ thực thụ có tấm lòng mới có thể điều trị được người mắc bệnh.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM: 

Trăn trở lớn nhất của ngành y tế vẫn là giảm tải bệnh viện

- Thời gian qua, báo chí phản ánh khá gay gắt các vấn đề liên quan đến quản lý như phòng khám (PK) thẩm mỹ, thuê mướn phòng mổ, PK Trung Quốc… Xin ông cho biết giải pháp cho những vấn đề này?

- Tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng: Theo tôi, phải tiến hành đồng bộ ba giải pháp, đó là: tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm pháp luật; phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật; tiêu chuẩn hóa để các cơ sở phấn đấu, công khai kết quả đánh giá tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cho người dân biết và chọn lựa khi có nhu cầu khám chữa bệnh (KCB).

Ngay Thay thuoc Viet Nam (27/2/1955 - 27/2/2018): Tran tro lon nhat cua nganh y te van la giam tai benh vien
 

Sau gần một năm triển khai đánh giá thực trạng chất lượng của 162 PK đa khoa, có 21,5% cơ sở đạt đa số chuẩn chất lượng thiết yếu, cần phát huy và không ngừng cải tiến chất lượng; 24,1% cơ sở đạt một số chuẩn chất lượng thiết yếu, cần nỗ lực phấn đấu đạt các chuẩn còn lại; 54,4% cơ sở chỉ đạt một số ít chuẩn thiết yếu, cần khẩn trương củng cố, khắc khục và phấn đấu thực hiện các chuẩn thiết yếu.

Nguyên nhân chính dẫn đến điểm chất lượng tại các PK này còn ở mức thấp, chủ yếu là do nhà đầu tư và người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của PK chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng KCB, chưa nắm bắt và tuân thủ quy định pháp luật, quy định của ngành y tế.

Bên cạnh đánh giá lại các PK đa khoa đạt mức chất lượng thấp, trong năm 2018, Sở Y tế sẽ xây dựng tiêu chí chất lượng đối với loại hình PK thẩm mỹ, đánh giá và công khai kết quả cho người dân biết.

- Nạn hành hung nhân viên y tế ngày càng phổ biến. Theo ông, cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

- Tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng: Những vấn đề liên quan đến an ninh y tế thật sự là thách thức. Đó là nỗi lo không những của người dân mà ngay cả của từng cán bộ, công chức và viên chức của ngành y tế chúng tôi.

Ngành y tế đã phối hợp với Công an TP.HCM ký kết liên tịch về quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở KCB, yêu cầu các cơ sở KCB ký kết quy chế phối hợp với công an địa phương.

Ngành cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các khóa huấn luyện về an ninh mạng, tổ chức giám sát để hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về hệ thống thông tin cho các bệnh viện (BV); củng cố đội bảo vệ của BV cả về số lượng và chất lượng và xây dựng mạng lưới tham gia hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự đến tận các khoa, phòng.

Ngay Thay thuoc Viet Nam (27/2/1955 - 27/2/2018): Tran tro lon nhat cua nganh y te van la giam tai benh vien
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi, động viện đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Đại học Y Dược nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam

Tăng cường các biện pháp giám sát an ninh, trật tự trong BV như lắp đặt hệ thống camera, củng cố và thiết kế lại quy trình tiếp nhận người bệnh cấp cứu nhằm đảm bảo kẻ xấu không dễ dàng xâm nhập vào khu vực điều trị để gây rối. 

- Trăn trở lớn nhất của ông đối với ngành y tế hiện nay là gì và vì sao, thưa ông? 

- Tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng: Trăn trở lớn nhất của ngành y tế hiện nay đó là giảm tải BV. Năm 2017, các cơ sở KCB ở TP.HCM đã có trên 42 triệu lượt khám, cao nhất trong 10 năm qua. Để giảm tải cho các BV, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các BV cấp thành phố và quận, huyện, đòi hỏi phải có lộ trình của sự thay đổi đồng bộ các vấn đề trọng tâm. 

Thứ nhất, làm thế nào để người dân khi có nhu cầu KCB ban đầu là tìm đến các cơ sở KCB thuộc mạng lưới y tế cơ sở, các PK bác sĩ gia đình và hệ thống các PK tư nhân khác. Muốn vậy, đòi hỏi phải đổi mới về tổ chức, hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình; khi đó, trạm y tế gần như là cánh tay nối dài của BV quận, huyện trong quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn và hình thành chuỗi tương tác hai chiều trong điều trị và chăm sóc người bệnh giữa BV quận, huyện và trạm y tế.

Thứ hai, nâng cao năng lực chuyên môn cho các BV vốn chưa sử dụng hết công suất giường bệnh, bao gồm cả BV quận, huyện, các BV trong khu vực phía Nam và cả các BV thuộc bộ, ngành khác quản lý. Nếu còn sự phát triển thiếu sự đồng bộ giữa các BV ở TP.HCM và các BV tỉnh, thành khác thì người dân vẫn tiếp tục về TP.HCM để KCB.

- Xin cảm ơn ông.

(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI