'Ngân hàng' 100 túi sữa mẹ miễn phí mỗi ngày của người vợ trẻ

02/12/2018 - 06:00

PNO - Người phụ nữ trẻ ở Nghệ An đã tìm kiếm nguồn sữa mẹ từ khắp nơi để lập một “ngân hàng” sữa hoàn toàn miễn phí cho người cần.

Sáng sớm, chị Mạnh Thị Phước Ngọc (30 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An) vội chuẩn bị sẵn đồ nghề để chồng làm bánh mì phục vụ khách rồi nhanh chân mang theo chiếc thùng xốp đi thu gom sữa mẹ. Hơn 2 tháng qua, căn nhà nhỏ vừa là nơi kinh doanh, cũng là nơi ở của gia đình 3 thành viên chị Ngọc trở nên chật hơn bởi phải dành thêm chỗ để chứa đồ nghề, tủ cấp đông sữa mẹ.

Người phụ nữ 30 tuổi này cho hay, khi sinh con đầu lòng 2 năm trước, chị chứng kiến nhiều trường hợp trẻ vừa sinh ra đã không có sữa mẹ trong khi nhiều trường hợp khác lại dư thừa, nhưng chẳng biết cho ai. Cộng với những kiến thức về tầm quan trọng của sữa mẹ mà bản thân học được trong thời gian nuôi con, chị Ngọc nảy sinh ý tưởng lập một tủ sữa mẹ để kết nối nguồn sữa dư thừa đến nơi thiếu.

'Ngan hang' 100 tui sua me mien phi moi ngay cua nguoi vo tre
Vợ chồng chị Ngọc cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng từng túi sữa trước khi đem cấp đông dự trữ.

“Vì một số lý do nên mãi đến mới đây hai vợ chồng mới sắm được chiếc tủ trữ đông chuyên biệt để bảo quản sữa mẹ. Với chiếc tủ này, sữa có thể bảo quản tốt trong vòng 12 tháng nên bao nhiêu sữa chúng tôi cũng nhận được”, chị Ngọc nói.

Cứ hễ biết ở đâu có người tặng sữa, chị Ngọc lại chạy xe tới nhận bất kể ngày đêm. Sữa mẹ sau khi thu gom về sẽ được hai vợ chồng cẩn thận phân loại theo thời gian, nguồn gốc, địa chỉ bằng ký hiệu để thuận tiện cho việc bảo quản và phân phối đến nơi cần.

Theo chị Ngọc, những trường hợp cần sữa mẹ thời gian đầu chủ yếu ở thành phố Vinh. Nay nhiều người ở các huyện xa xôi của Nghệ An, thậm chí ở Thanh Hóa, Hà Nội cũng liên lạc về để xin sữa mẹ. Nguồn sữa này được hai vợ chồng ưu tiên trước hết đến những bé có hoàn cảnh khó khăn như mất mẹ, các bé được nhận làm con nuôi hoặc bé có vấn đề về sức khỏe nhưng mẹ không có sữa.

'Ngan hang' 100 tui sua me mien phi moi ngay cua nguoi vo tre
Từng túi sữa được phân loại theo thời gian, nguồn gốc, địa chỉ bằng ký hiệu.

Bà Phạm Thị Phương (trú xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, bé H.A (cháu nội bà Phương) vừa chào đời thì người mẹ lại phát bệnh tâm thần nên bà phải bế cháu đi khắp làng xin sữa mẹ mỗi ngày cho cháu. “Do thiếu sữa mẹ nên sức khỏe cháu không được như những đứa trẻ khác. Nhà lại nghèo nên chúng tôi cũng không mua được sữa ngoài cho cháu uống”, bà Phương nói.

Biết hoàn cảnh, chị Ngọc tìm đến tận nơi và tặng một thùng sữa mẹ đã được cấp đông đồng thời hướng dẫn gia đình bé H.A cách bảo quản và rã đông trước khi cho bé uống. “Việc này tuy có vất vả, tốn kém, dù hai vợ chồng cũng không có gì nhưng khi thấy các gia đình báo trẻ khỏe mạnh, cứng cáp hơn nhờ được uống sữa mẹ thường xuyên, chúng tôi lại có động lực để tiếp tục công việc”, chị Ngọc nói.

'Ngan hang' 100 tui sua me mien phi moi ngay cua nguoi vo tre
Trung bình mỗi ngày khoảng 100 túi sữa mẹ được chị Ngọc dự trữ và phân phối tới các trẻ nhỏ cần sữa.

Phụ giúp vợ ghi chép việc nhận và cho sữa mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Bình (30 tuổi, chồng chị Ngọc) cho hay nhờ có quy trình bảo quản khoa học, từng túi sữa mẹ luôn được hai vợ chồng giao đến với các trẻ đảm bảo chất lượng nhất. Hiện mỗi ngày hai vợ chồng tiếp nhận trung bình khoảng 100 túi sữa mẹ để dự trữ và phân phối.

“Đối với những trường hợp ngoại tỉnh hoặc ở các huyện xa không thể đưa trực tiếp sữa đến, chung tôi cấp đông sữa rồi bỏ vào thùng xốp chứa đá. Cách này khi gửi xe đi xa vẫn đảm bảo được nguồn sữa”, anh Bình nói và cho hay, hiện tủ sữa mẹ của vợ chồng anh chị nhận được nguồn sữa không chỉ từ các bà mẹ ở Nghệ An mà nhiều bà mẹ ở Ninh Bình, Hà Nội… cũng gửi về để phân phối tới các em nhỏ đang “khát sữa”.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM khuyến cáo: “Việc cho bé uống sữa từ các mẹ khác, nhất là từ những người không quen sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nếu người cho sữa mắc các bệnh như: viêm gan B, C, nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Ngoài ra, nếu người cho sữa đang dùng các loại thuốc hoặc chất độc hại (rượu, bia, thuốc lá hoặc các loại thuốc như: lợi tiểu, morphine, tetracycline, an thần…), các chất độc này có thể qua sữa và ảnh hưởng đến bé”.

TS-BS Lê Thị Thu Hà, BV Từ Dũ băn khoăn: “Ý tưởng thành lập ngân hàng sữa mẹ để chia sẻ cho những trẻ thiếu sữa mẹ là rất tốt và mô hình này đã có ở một số nước. Tuy nhiên, nếu ngân hàng sữa mẹ chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận nguồn sữa và phân phối mà không kiểm định chất lượng sữa do người lạ gửi đến sẽ khó đảm bảo an toàn. Vì không như sữa công nghiệp, sữa mẹ khi đưa vào ngân hàng chỉ nhằm dự trữ, không được tiệt trùng nên nguồn sữa càng phải đảm bảo sạch”.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ, người cho sữa cần được sàng lọc kỹ càng, cụ thể, phải được xét nghiệm bắt buộc HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai. Người cho sữa không được hút thuốc hoặc dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược hoặc hoạt chất đặc biệt nào. Nếu bà mẹ bị cảm lạnh sẽ không được cho sữa. Nếu bà mẹ uống rượu thì phải ngừng tối thiểu 12 giờ trước khi cho sữa. Một lượng nhỏ rượu, thuốc men, hoặc các loại thảo mộc trong sữa có thể có vấn đề với sức khỏe của bé. Sau đó, nhà phân phối phải ký vào bản xác nhận người cho sữa khỏe mạnh. Vì vậy, nếu việc cho sữa dựa trên kêu gọi cộng đồng đóng góp tự nguyện mà không có cơ quan y tế kiểm định, điều hành thì sẽ rất khó đảm bảo. Tại Việt Nam, trước sinh, thai phụ chỉ mới được xét nghiệm các bệnh lý cơ bản, chứ ít người xét nghiệm các bệnh lý di truyền hoặc bị viêm vú do lao…; chưa kể có bệnh còn ở trong giai đoạn cửa sổ.

Hiếu Nguyễn

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI