Mười năm học tiếng, tập sống như người Việt của nữ sinh trở về từ Trung Quốc

17/11/2018 - 06:00

PNO - “Nhiều lúc thấy các bạn được bố mẹ chở đi học, em thấy tủi. Em hỏi mẹ bố là người như thế nào nhưng mẹ không biết gì. Có lẽ mong ước một lần được gặp bố sẽ không bao giờ thành”, nữ sinh 17 tuổi nói.

Người mẹ “hóa điên” sau hơn chục năm mất tích

Tan học trở về nhà, thấy đã quá giờ trưa, em Nguyễn Thị Thân (17 tuổi, trú xóm 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vội vàng chào hỏi khách đến nhà chơi rồi vào bếp chuẩn bị cơm trưa cho ông bà ngoại của mình. Những công việc tưởng chừng đơn giản ấy khi đã 17 tuổi, nhưng theo người thân, nữ sinh này đã phải nỗ lực rất nhiều để thoát ra khỏi cái “vỏ bọc” trầm cảm của mình.

Vỗ về cháu ngoại của mình, bà Đậu Thị Diệu (77 tuổi) cho biết, chị Nguyễn Thị Toàn (47 tuổi, con gái bà Diệu) bị bệnh thận từ lúc còn nhỏ nên gần 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng. Năm 30 tuổi, chị theo bạn đi làm ăn rồi mất liên lạc với gia đình.

Muoi nam hoc tieng, tap song nhu nguoi Viet cua nu sinh tro ve tu Trung Quoc
Em Thân bên ông bà ngoại.

“Lúc đó gia đình đi khắp nơi tìm kiếm nhưng không có tung tích gì. Cũng không biết  con sống chết như thế nào. Ngày đó, con gái ở vùng này kéo nhau đi Trung Quốc nhiều lắm. Ít năm sau, một số người báo tin thấy Toàn nó đang ở Trung Quốc nhưng gia đình không liên lạc được”, bà Diệu nói.

Anh Nguyễn Duy Thụ (53 tuổi, anh trai chị Toàn) cho biết, xế chiều một ngày đầu thu 10 năm trước, chị Toàn bất ngờ được một cặp vợ chồng quê huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đưa về nhà cùng cô con gái đã lên 7 trong sự ngỡ ngàng của người thân. “Lúc về, Toàn không còn tỉnh táo, hỏi gì cũng không biết”, anh Thụ nói.

Theo anh Thụ, qua trò chuyện với cặp vợ chồng đưa chị Toàn về, gia đình mới hay chị bị bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông đã lớn tuổi ở vùng quê hẻo lánh. Khi gặp chị Toàn, cặp vợ chồng này biết chuyện nên đã đến tận gia đình xin để hai mẹ con chị Toàn được trở về thăm bố mẹ.

Muoi nam hoc tieng, tap song nhu nguoi Viet cua nu sinh tro ve tu Trung Quoc
Nữ sinh 17 tuổi đều đặn cơm nước chăm lo ông bà ngoại.

“Ban đầu dự định là mẹ con Toàn về quê chơi, thăm gia đình 1 tháng rồi qua lại Trung Quốc. Nhưng sau khi về nước, Toàn phát bệnh nặng, thần kinh không ổn định nên gia đình không cho mẹ con đi nữa”, anh Thụ nói và cho biết mãi đến nay vẫn không thấy chồng hay người nào liên lạc với chị Toàn và gia đình.

Con gái nỗ lực bắt nhịp cuộc sống mới

Theo mẹ về quê ngoại sống nhưng không nói được tiếng Việt, nữ sinh mang hai dòng máu Việt - Trung trở nên lạc lõng. Mẹ rơi vào cảnh “hóa điên”, còn những người trong gia đình lại quá xa lạ khiến Thân dần bị trầm cảm.

Ông Nguyễn Duy Viên (82 tuổi, ông ngoại Thân) cho biết, phải mất hơn 1 năm chuyện trò, tập nói bập bẹ, nữ sinh 17 tuổi này mới chịu tập làm quen với cuộc sống mới và tới trường học chữ.

Muoi nam hoc tieng, tap song nhu nguoi Viet cua nu sinh tro ve tu Trung Quoc
Ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con chị Toàn được xây dựng nhờ tiền ủng hộ của người thân và chính quyền địa phương.

“9 tuổi nó mới học lớp 1 nên lúc đầu thường bị bạn bè trêu chọc. Tiếng Việt lại nói chưa rõ nên những năm đầu nó chỉ theo bạn học vậy chứ không được thành tích gì. Chúng tôi cũng chỉ nghĩ cho cháu học để biết con chữ sau này còn buôn bán, làm ăn gì đó mà thôi”, ông Viên nói.

Đôi mắt đỏ hoe ngoái nhìn ông ngoại, Thân cho biết em không còn hình dung và nhớ gì về người bố của mình bởi phải rời xa từ khi còn quá nhỏ. “Nhiều lúc thấy các bạn đi học về được bố, mẹ đưa đón, em cũng rất tủi. Nhiều lúc nhớ bố, em cũng hỏi mẹ để mường tượng bố là người như thế nào nhưng mẹ cũng chỉ lắc đầu không nhớ gì. Có lẽ mong ước một lần được gặp bố, được về lại quê nội thăm người thân sẽ không bao giờ thành hiện thực”, Thân gạt nước mắt nói.

17 tuổi nhưng mới học đến lớp 9, Thân cho biết chương trình học ở trường của mình ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ sự quan tâm và động viên rất lớn của thầy cô. Nữ sinh cho hay trước mắt sẽ tập trung học thật tốt tới năm lớp 12 rồi tính tiếp chuyện thực hiện giấc mơ vào đại học của mình hoặc đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ và ông bà ngoại.

Muoi nam hoc tieng, tap song nhu nguoi Viet cua nu sinh tro ve tu Trung Quoc
Nhờ sự động viên của người thân và nỗ lực của bản thân, nay Thân đã bắt nhịp và đạt kết quả học tập ngày một tốt hơn.

“Em vẫn muốn học thật tốt để sau này có thể thực hiện giấc mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng giờ mẹ không còn làm được gì, ông bà cũng đã già nên học xong lớp 12, có thể em sẽ đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ”, Thân nói.

Ông Nguyễn Duy Ninh, Bí thư chi bộ xóm 14 cho biết, hoàn cảnh hai mẹ con chị Toàn rất éo le sau khi từ Trung Quốc trở về. Gần đây chị Toàn phát bệnh nặng nên không làm được gì mà sống dựa vào bố mẹ già. Sau khi mẹ con chị Toàn về quê, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cho mẹ con chị một căn nhà cấp 4 nhỏ để sinh sống.

“Trước đây ở địa phương này con gái theo nhau đi Trung Quốc khá nhiều. Trường hợp của mẹ con chị Toàn không phải là duy nhất mà hiện hai người phụ nữ khác gần nhà của chị Toàn cũng đi Trung Quốc thời điểm đó đến nay vẫn chưa có tung tích gì”, ông Ninh nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI