Mạng nhện dưới lòng đất Sài Gòn và cuộc di dời... bất tận

08/04/2019 - 05:22

PNO - TP.HCM sắp trở thành đại công trường di dời hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị mặt bằng thi công tuyến tàu điện ngầm (metro) số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cuối năm 2019.

Không đợi đến ngày thi công công trình ngầm quy mô lớn này, những cuộc di dời triền miên và vô cùng tốn kém đã diễn ra lâu nay dưới lòng đất Sài Gòn.

Vừa thi công, đã phải di dời

Trung tâm Chống ngập TP.HCM vừa yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành phải di dời tuyến ống cấp nước mới lắp đặt ở đường Trần Đình Xu, Q.1, TP.HCM do công trình này nằm chồng lên lưng đường cống thoát nước. Vì sao ở Q.1 - nơi các công trình hạ tầng đã tương đối hoàn thiện - lại xảy ra tình trạng xung đột khi thi công công trình ngầm?

Mang nhen duoi long dat Sai Gon va cuoc di doi... bat tan
 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ống cấp nước ở đường Trần Đình Xu chỉ mới lắp đặt trong tháng 3/2019, là tuyến ống bằng gang, kích cỡ khoảng 200mm, được chôn sâu khoảng 1m để cấp nước sạch cho cư dân dọc tuyến đường này. Khi công trình này vừa hoàn thành, Trung tâm Chống ngập TP.HCM phát hiện tuyến ống cấp nước này nằm ngay bên trên tuyến cống thoát nước loại 1.500mm, nên yêu cầu phải di dời.

Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành cho rằng, do khi nhìn vào họa đồ công trình ngầm, thấy bên dưới đường Trần Đình Xu chỉ có một tuyến cống thoát nước nhưng trên thực tế, lại có đến hai tuyến cống thoát nước. Hiện hai bên làn đường Trần Đình Xu đều có hệ thống cống thoát nước nằm ở vị trí nửa làn đường, còn giữa đường lại có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, cáp điện, cáp quang… nên không thể di dời ống cấp nước ra vị trí khác.

Theo tài liệu chúng tôi có được, tại Q.1, sắp tới, sẽ có hàng loạt công trình ngầm phải di dời để phục vụ việc thi công tuyến metro và các dự án cải tạo cống thoát nước, trong đó, có công trình phải di dời nhiều lần. Điển hình như công trình di dời hệ thống lưới điện trên đường Pasteur. Theo đề xuất của Công ty Điện lực Sài Gòn, đơn vị này sẽ di dời lưới điện để đồng bộ với công trình cải tạo cống thoát nước trên đường Pasteur, dự kiến khởi công trong năm nay. Đề xuất này đã được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chấp thuận. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, sau khi ngầm hóa lưới điện, nếu ngành giao thông có nhu cầu sửa chữa đường Pasteur, chủ đầu tư phải di dời toàn bộ tuyến cáp điện ngầm nói trên…

Lãng phí khoản tiền khổng lồ

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, lãnh đạo một đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nhìn nhận, hiện nay, hầu như khi thi công công trình mới nào ở khu vực nội thành cũng dẫn đến tình trạng phải di dời các công trình ngầm khác, làm tăng chi phí lên cao. Ông dẫn chứng: “Với công trình nhỏ như chuẩn bị xây cầu vượt bộ hành băng qua công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) sắp tới đây, cũng phải di dời nhiều công trình ngầm. Cụ thể, theo khảo sát của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, muốn làm cầu vượt ở đó, phải di dời tuyến ống cấp nước loại 250mm của Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa, dời ống cấp nước loại 600mm của Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch và di dời một tuyến cáp viễn thông”.

Mang nhen duoi long dat Sai Gon va cuoc di doi... bat tan
Nếu không có quy hoạch không gian ngầm, việc xóa “mạng nhện” trên trời sẽ có nguy cơ hình thành thêm “mạng nhện” dưới lòng đất

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã di dời nhiều tuyến ống lớn để phục vụ cho việc thi công các công trình khác, trong đó phải di dời tuyến ống 1.200mm để làm metro, di dời ống 2.000mm để thi công dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo Sawaco, việc di dời các công trình cấp nước làm gián đoạn việc cấp nước sạch cho dân, đồng thời thời gây ra nguy cơ rò rỉ nước khi xuất hiện thêm nhiều mối nối trên tuyến ống.

Giám đốc một công ty cấp nước cho biết thêm, việc thi công công trình cấp nước mới hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thi công ở những khu đô thị cũ: “Trước khi thi công, chúng tôi phải gửi công văn đề nghị Trung tâm Chống ngập TP.HCM cung cấp bản vẽ công trình thoát nước để tránh tình trạng xung đột công trình ngầm. Nhưng trong văn bản trả lời, Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết, bản vẽ chỉ có tính chất tham khảo; để đảm bảo tính chính xác, phải khảo sát thực tế hiện trường. Trong khi đó, việc khảo sát công trình ngầm lại rất khó khăn, tốn kém”.

Đến nay, chưa có đơn vị nào thống kê số lượng công trình đã di dời, số tiền bỏ ra để di dời cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Trong khi đó, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, chi phí di dời mỗi công trình không hề nhỏ. Đơn cử, mới đây, chi phí bồi thường để di dời cáp viễn thông khi thực hiện công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Bình Lợi (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là hơn 1,5 tỷ đồng.

Với hệ thống công trình ngầm chằng chịt như mạng nhện dưới lòng đất hiện nay, ngân sách TP.HCM lại phải tiếp tục chi trả những khoản tiền khổng lồ cho những cuộc di dời… bất tận. 

Mang nhen duoi long dat Sai Gon va cuoc di doi... bat tan
Tình trạng xung đột giữa các công trình ngầm ở TP.HCM xảy ra triền miên

Ngành điện đang xóa “mạng nhện trên trời”

Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, đơn vị này đang thực hiện đúng tiến độ ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020, tối thiểu phải ngầm hóa 650km đường dây điện trung thế và 1.150km đường dây hạ thế, với tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế (không bao gồm các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh) đạt khoảng 62%, riêng khu vực trung tâm Q.1 và Q.3 đạt 100%; tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế (không tính ngõ hẻm) dự kiến đạt khoảng 46%. Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, công tác thỏa thuận hướng tuyến với các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng khác trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, gây chậm trễ tiến độ.

“Mạng nhện” chỉ chuyển từ trên trời xuống dưới đất

Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia về lĩnh vực xây dựng ở TP.HCM cho rằng, trình độ hiểu biết về lĩnh vực công trình ngầm của các cơ quan chức năng tại TP.HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung còn hạn chế. Trong khi đó, hiện TP.HCM vẫn chưa có quy hoạch không gian ngầm. Vì vậy, khi ngầm hóa cáp điện, cáp viễn thông xuống lòng đất, rất dễ xảy ra tình trạng dời “mạng nhện” trên trời xuống dưới lòng đất.

“Tốt nhất là nên thuê một đơn vị nước ngoài có kinh nghiệm và năng lực để lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho TP.HCM. Khi có quy hoạch bài bản, mới có thể tổ chức thi công các công trình ngầm đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật, tránh được tình trạng xung đột dưới lòng đất. Đối với các thành phố hiện đại, công trình ngầm chiếm tỷ lệ rất lớn, thường vào khoảng 25-30%. Do không gian ngầm quan trọng như thế, nên cần sớm kiểm soát; nếu không, sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, không chỉ di dời tốn kém mà còn gây ra tình trạng sụt lún, ngập úng, mất an toàn” - một kỹ sư từng tham gia xây dựng tầng hầm ở những cao ốc đầu tiên tại TP.HCM, phân tích và đề xuất.

Trung Thanh - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI