Lý Sơn - Nín thở dưới nước, ngạt thở trên bờ

05/03/2019 - 07:00

PNO - Lại thêm một mùa nữa, gần 4.000 hộ trồng tỏi trên đảo Lý Sơn (H.Lý Sơn,tỉnh Quảng Ngãi) trắng tay vì mất mùa, mất giá. Nắng hạn, sâu bệnh từ sau tết đã khiến hơn 300ha tỏi cho năng suất không đạt một nửa so với dự kiến.

Trung  bình 1 sào tỏi cho thu hoạch 250kg thì nay, chỉ thu được 100kg. Nông dân méo mặt bởi tiền phân, giống, công, điện, nước… đổ hết vào đó. Trên đồng thì tỏi chết. Trong nhà, tỏi tồn đọng từ vụ 2018 còn đó, dù người ta đã từng phát động một chiến dịch giải cứu tỏi Lý Sơn. Giá tỏi hiện đang rớt thảm hại, ở mức 15.000 đồng/kg loại nhỏ, 30.000 đồng/kg loại lớn, giảm từ 20.000 - 35.000 đồng/kg.

Câu chuyện tỏi Lý Sơn được mùa mất giá, được giá mất mùa không phải bây giờ mới có. Nhưng, mất giá đi kèm mất mùa, cộng với tỏi “treo” từ năm ngoái, là điều mà nông dân Lý Sơn chưa từng nếm trải.

Ly Son - Nin tho duoi nuoc, ngat tho tren bo
 

Bao nhiêu năm rồi, chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn chưa làm xong. Việc ngăn chặn tỏi đóng mác Lý Sơn từ đất liền ra cũng không hiệu quả. Đi Lý Sơn, khách luôn được truyền tai là “coi chừng tỏi giả”. Tỏi giả hoành hành ngay trên đất Lý Sơn, dân kêu la, chính quyền bất lực. Mà đâu phải đường ra đây dễ dàng. Chỉ một lối duy nhất ra đảo là đường biển mà chặn không được sao? Không phải không được, nhưng không kiên quyết chặn.

Đó là lời chua chát của dân Lý Sơn khi nói về chuyện củ tỏi đầy mồ hôi của mình bị đánh tráo, đập chết ngay trên đất mình, trong khi suốt ngày lãnh đạo không ngừng tha thiết và kiêu hãnh về đặc sản có một không hai ở Quảng Ngãi.

Bảo vệ thương hiệu tỏi sạch chính hiệu Lý Sơn xem ra khó quá, nhưng ồ ạt mang xi măng, sắt thép, xe hơi, xe điện ra Lý Sơn để xây khách sạn, chở khách khiến đảo bây giờ như công trường thì… dễ ợt. Khi “đèn xanh” được bật từ cấp trên, ví dụ chỉ chừng một năm trở lại thăm, khách sẽ ngỡ ngàng với tốc độ bê tông hóa của xứ đảo. Đảo được đưa vào quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái biển của Chính phủ, đang làm hồ sơ trình Unesco công nhận Công viên Địa chất toàn cầu mà cứ rùng rùng xây dựng, nhìn đâu cũng thấy dự án này, nhà to kia. 

Một ý kiến dùng bảo vệ cho tốc độ bê tông hóa là, dự án The Sea Eyes (Báo Phụ Nữ TP.HCM vừa phản ánh qua bài Ai mở đường cho dự án chôn minh đường, xóa trường đua 400 năm của dân Lý Sơn? số ra ngày 22/2) góp phần lấn biển, thêm đất cho dân ở, khi quỹ đất trên đảo đã cạn. Thưa, dân là dân nào? Xây khách sạn, biệt thự hạng sang, khu thương mại - du lịch, dân làm gì có cửa mà chen vào? Dự án trên, nếu xây, sẽ chồng lên khu bảo tồn đã được “kẻ cai, đặt gạch”, ai chịu trách nhiệm?

Đánh đổi lợi ích kinh tế bằng cách… tử hình các giá trị văn hóa, là con đường ngắn nhất đi đến diệt vong. Nhưng ai nói cứ nói, ai làm cứ làm, khi quyền ngăn chặn không phải trong tay dân. Dự án đó, đến giờ, các cấp có trách nhiệm của tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa trả lời kiến nghị của dân Lý Sơn là có làm không, ngoài câu trả lời chung chung là sẽ họp và trả lời, khiến bà con vẫn đang nín thở chờ.

Dự án nhận được sự hỗ trợ sốt sắng từ giấy má, mệnh lệnh cho đến phát đường dọn đất, còn lối ra khoa học và bền vững cho cây trồng - đặc biệt là tỏi - và nông dân Lý Sơn, sao cứ ì ạch như rùa, để trăm thứ thiệt thòi, dân gánh hết?

So sánh thì khập khiễng, nhưng dân Lý Sơn hiện tại vừa méo mặt trên ruộng tỏi, vừa cồn cào gan ruột khi ngó xuống gành biển, không biết có bị “ông kẹ” nào đó chiếm chỗ hay không. Một nông dân Lý Sơn kết luận: “Dễ hiểu thôi, lãnh đạo nào thực sự sống chết với Lý Sơn, sẽ biết điều gì nên làm, điều gì không”.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI