Lựa chọn của Trang

08/03/2019 - 06:49

PNO - Những đối diện đầy sợ hãi, những thời khắc của hoảng loạn, với Trang như thể… nhịp thở. Trang chấp nhận và sống chung với nó; hoặc ngược lại, bởi đó đã là một phần trong trạng thái nghề nghiệp của một phóng viên điều tra.

Tôi đã thấy Trang trong chiếc váy ngắn cũn cỡn, giày cao gót, để vào vai tập tễnh tí tiền cũng vào sòng bạc tìm cơ may đỏ đen. Mấy tháng sau, phóng sự "Đột nhập" sòng bạc 5 sao dành cho người Việt phát hành, đám giang hồ bảo kê sòng bạc lùng sục “bóng hồng” ấy. Trang sắp xếp chỗ ở an toàn cho mẹ và con gái, còn mình thì đi thẳng một mạch lên… biên giới, đồn biên phòng là ngôi nhà thứ hai của Trang. 

Lua chon cua Trang

Một buổi chiều rất đẹp ở Hà Nội, thế mà chị em chỉ kịp gặp nhau nơi quán phở, rồi Trang đưa tôi đi ngang khu phố có bờ tường chạy dọc, nhà lụp xụp chen chúc trên ấy. Trang đang thuê một chỗ ngủ ở đấy, trời sập tối, Trang ghé về, nghe ngóng, tiếp cận nguồn tin về nơi có dấu hiệu biến người lành thành kẻ tàn tật, phục vụ đường dây ăn xin. Chị chả nhận ra em với bộ đồ đi ngủ thuê đâu… 

Vậy mà, cái vẻ bình tĩnh khi thâm nhập, sống chết giữa đám giang hồ lẫn nụ cười… khềnh khệch khi nói về những ngày sống lăn lóc ấy lại biến mất, thay vào đó, Trang run rẩy trong sự phẫn nộ sau khi đối diện với những kẻ là cán bộ biến chất. Lần vào vai để theo đường dây “cò” viên chức ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, Trang giáp mặt tay môi giới là trung tá Đàm Hữu Dũng - giảng viên khoa Quân sự (Học viện Kỹ thuật quân sự) hay cú “ra mắt” ông phó chánh thanh tra sở Xây dựng Hà Nội để chạy giấy phép xây lò gạch “thổ phỉ” ở huyện Sóc Sơn, khi trở về, Trang như rơi tõm xuống đáy. Giả dạng, vào vai để đi tìm sự thật sau những khuất tất, biến chất, nhưng khi chạm vào cái sự thật ấy, lại không dễ để hả hê trước “chiến tích” đầy xấu xí, trần trụi kia. 

Lua chon cua Trang

Lần tới một xã biên giới lúc 2 giờ sáng để giải cứu 2 thiếu nữ miền Tây Nam bộ sắp bị bán sang Trung Quốc, Trang nhờ cậy được các anh bên lực lượng trinh sát, cuộc giải cứu thành công. Sáng, đang mừng và cực kỳ phấn chấn, cùng phóng viên Báo Phụ Nữ tại TP.HCM và Văn phòng Cần Thơ đón, đưa hai cô gái về tận quê nhà (Hậu Giang), trưa, bỗng dưng Trang quay quắt cùng cực. Hóa ra, lúc đang bàn phối hợp, hai cô gái quay ngoắt với Trang, hết nghi ngờ nhà báo “sang tay” cho môi giới khác lại trách móc “tại sao lại phải giải cứu tụi tui”. Tin nhắn kêu cứu hằng đêm của một trong hai cô gái ấy vẫn còn lưu trong máy, Trang cứ mở đọc đi đọc lại. 

Đêm trước của ngày chuẩn bị làm việc với công an Q.Ba Đình về vụ chợ Long Biên, Trang và các đồng nghiệp không ngủ. 23g29, đêm Chủ nhật, 23/9/2018, Trang và các đồng nghiệp VTV đang trực chiến ở mé sau chợ Long Biên, trong một hốc tối, lần theo băng nhóm Hưng “kính” - sau khi bị báo chí truyền hình phanh phui - đã di chuyển địa điểm, thời gian, tiếp tục trò thu “phí” bảo kê. Thêm bằng chứng của hành vi bất chính, chỉ cách giờ làm việc chính thức có mấy tiếng đồng hồ. Chứng cứ, chỉ có chứng cứ mới bảo vệ bản chất vụ việc, không ai có thể làm sai lệch - tin nhắn của Trang. Vẫn như mọi lần, luôn hoài nghi, luôn chắc chắn, luôn đến cùng.

Lua chon cua Trang

Dường như đó là cái nghiệp của phóng viên điều tra. Cho dù có bao nhiêu lá chắn chăng nữa thì cái thời khắc cam go, nguy hiểm nhất cũng chỉ lầm lũi, lọt thỏm một mình giữa hiện trường, trận địa. Đêm 3/9/2018, Trang giáp mặt Hưng “kính”, trong vai bà chị của Nga - người bị nhóm Hưng “kính” o ép, tìm cách triệt hạ. Từ thân phận “cu li bàn phím” tại báo Phụ Nữ TP.HCM - theo cách Trang tự nhận, thoắt cái, thành một bà chị đáo để, đanh đá, vừa tỏ ra mềm mỏng, “biết điều” hơn cô em, vừa có lúc tức tối, “giở thói” lớn giọng, đến độ Hưng “kính” tức tối chỉ tay vào mặt, con này là con nào mà dám… Và trong cơn thịnh nộ ấy, tay trùm cứ thế tuôn xối xả: “Công an với anh là một. Anh cũng nói rất rõ ràng, “tao mà có tội, tao lạy mày, mày cũng không tha tao đâu, mày bắt tao ngay. Tao không có tội, tao coi mày chả ra gì luôn”. Kể cả em có ghi âm, anh cũng nói thẳng luôn là như thế”. 

Mạo hiểm, có cả liều lĩnh nhưng không bất chấp, luôn giữ chút suy tính còn sót lại để bảo toàn đường dây, bảo vệ bản thân. Dù phải thừa nhận, mỗi cuộc thâm nhập là một chuyến đi sinh tử. Vậy mà, những đối diện đầy sợ hãi, những thời khắc của hoảng loạn, với Trang như thể… nhịp thở. Trang chấp nhận và sống chung với nó; hoặc ngược lại, bởi đó đã là một phần trong trạng thái nghề nghiệp của một phóng viên điều tra. 

Lua chon cua Trang

Như giờ phút miệng vẫn cười cười nói nói với tay cán bộ hải quan biến chất Nguyễn Văn Đặng, nhưng đầu óc thì phải vẽ ra kế tẩu thoát trước khi xe về lại Hà Nội, nếu không sẽ lộ thân thế “đối tác” - điều mà Đặng đang nghi ngờ, muốn kiểm tra nên bất ngờ đề nghị ghé về “biệt thự phố cổ” của Trang (trong vai đối tác của chị Nguyễn Thị Thoa - người bị cán bộ hải quan Đình Vũ, Hải Phòng rút ruột hàng hóa, vòi tiền trong phóng sự Thâm nhập đường dây cán bộ hải quan câu kết "trộm" hàng vi phạm ở Hải Phòng). Cuối cùng, Trang nhanh trí tìm ra kế thoát, vẫn bám trụ ở Đình Vũ mà Đặng không mảy may nghi ngờ. Và đường dây rút ruột hàng hóa trong container, bán lại cho chính chủ hàng để chia chác trong nhóm bảo kê bị phanh phui.

Phóng sự điều tra Thâm nhập đường dây cán bộ hải quan câu kết “trộm” hàng vi phạm ở Hải Phòng đăng tải. Đâu đến kỳ thứ 3, có tin nhắn muốn “vào thăm tòa soạn”. Bộ phận tiếp bạn đọc sẵn sàng. Kỳ thứ 4, thứ 5 tiếp tục đăng tải. Mãi sau này, có dịp ngồi cạnh, Trang mới cười cười bảo, vụ hải quan Đình Vũ, giá của chị và em cao lắm đấy… Tôi chìa lá thư của chị Thoa gửi cho tòa soạn, chị cảm ơn báo và xin lỗi vì buộc phải nhận lại một phần tiền được hoàn trả, “bởi em còn phải tiếp tục làm ăn để nuôi con”. 

Lua chon cua Trang
 

“Mày nên nhớ là cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao”  - tin nhắn trong những ngày thực hiện phóng sự Thâm nhập băng nhóm bảo kê ở chợ Long Biên. “Mày đi mua quan tài ngay. Mỗi người một cái. Nhà mày có bao nhiêu người thì mua bấy nhiêu cái” - tin nhắn trong lúc thực hiện phóng sự Thâm nhập lò gạch “thổ phỉ” tại Hà Nội (tháng 3/2016), đây là tin nhắn của Đàm Hữu Dũng - giảng viên khoa quân sự - Học viện Kỹ thuật quân sự, kẻ môi giới trong phóng sự "Cò" viên chức giáo dục lộng hành ở Hà Nội của Thu Trang (tháng 9/2015). Hay trong phóng sự sòng bạc 5 sao của người Việt tại Quảng Ninh, một bản sơ đồ mô tả lộ trình đi và về của chồng, con và các phóng viên (trong đó có Trang) báo Phụ Nữ tại Hà Nội kèm lời nhắn: “tụi anh không đảm bảo tính mạng của các em và gia đình các em”. 

Và cả những áp lực không tên nhưng có địa chỉ, có địa vị, luôn sẵn sàng “hậu thuẫn” cho việc tác động vào “quy trình xử lý khủng hoảng” những tuyến bài điều tra, phản biện. Nhưng cuối cùng, vẫn cứ vang lên tiếng nói bảo vệ sự thật và lẽ phải - cái đích của những người làm báo Phụ Nữ, như Trang. 

Cũng đã có lúc, tòa soạn “gửi”  Trang về viết ký sự sông Hồng, hay giữ một suất cho Trang vào tác nghiệp tại hội trường Diên Hồng. Nhưng, chỉ cần màn hình chớp nháy, tiếng chuông điện thoại vang lên, lời kêu cứu xé toạt màn đêm, Trang thức luôn để kịp lên phương án trước giờ lên đường. Cái con đường quen thuộc nhưng mỗi lần đi là một lần sinh tử. Trang chọn con đường ấy, nơi những người khốn khổ cần đến Trang, còn Trang, lại cần họ - như một lẽ sống.

Chọn cách sống ấy, chọn nơi chốn này, tờ báo này (chứ không phải là một tờ báo… đàn ông nào khác) để luôn được vui với mỗi ngày, với cái công việc mình yêu, tha thiết và không chút sợ hãi mà tiếp tục những cuộc - thâm - nhập - không - ngừng… 

Ngày 4/3, Forbes Việt Nam đã công bố 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Nguyễn Thu Trang là nhà báo duy nhất trong danh sách ấy.

“Điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trong danh sách năm 2019 là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời hiện đại” - đại diện Forbes Việt Nam cho biết.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI