Liều mình trên những chuyến xe 'đánh hàng' tết

11/01/2019 - 07:00

PNO - Cuối năm, liên tục xảy ra những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng mà theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính bắt nguồn từ tài xế.

Từ tháng 12/2018 đến nay, tại TP.HCM, liên tục xảy ra các vụ tai nạn do xe tải chở hàng gây ra, trong đó, thảm khốc nhất là vụ tai nạn xảy ra ở tỉnh Long An làm chết 4 người và bị thương hàng chục người. Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhập vai, xin làm phụ xe tải chở hàng tết liên tỉnh...

Cuốc xe từ 3 giờ sáng

3g sáng, điện thoại reo lên. Bên kia đầu dây, tài xế Bảo - 27 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM - báo tin: “Xe lên hàng rồi, anh chuẩn bị đi, khoảng một tiếng nữa xuất phát”. Để được cùng đi chuyến này, chúng tôi đã hẹn tài xế Bảo từ bốn hôm trước.

4g sáng, chiếc xe tải 2,3 tấn đã chất đầy hàng, nằm sâu trong một con hẻm ở Q.Tân Phú. Trước giờ khởi hành, tài xế Bảo và phụ xe tên Phú cầm lon nước tăng lực uống ừng ực. Rít thêm mấy hơi thuốc lá thật sâu, Bảo ra hiệu cho chúng tôi lên xe, thẳng tiến về hướng ngã tư An Sương. “Hồi tối em đánh cữ đêm về trễ, nên sáng nay hơi phê. Chắc phải làm thêm lon bò húc nữa mới tỉnh người được”. Bảo vừa dứt lời, phụ xe Phú đã hiểu ý, mở thêm một lon nước tăng lực để giúp tài xế tỉnh táo.

Lieu minh tren nhung chuyen xe 'danh hang' tet

Tài xế Bảo trên chuyến xe hàng từ TP.HCM đi tỉnh Bình Phước, xung quanh là hàng loạt xe tải chở hàng chạy cùng hướng

Thuật ngữ “đánh cữ đêm” của cánh tài xế thật ra là làm thêm bên ngoài sau giờ ở công ty. Mấy hôm nay, tài xế của một đại lý bia, nước ngọt ở Q.10 về quê nuôi người thân bị bệnh. Xe trống, người ta thuê Bảo chạy giao hàng thêm buổi tối với tiền công 200.000 đồng. Bảo nói, làm thời vụ nên họ trả công cao chứ thực ra lương tài xế cũng chỉ tầm 7 triệu đồng/tháng. Ráng cày vài hôm cũng đủ mua quà về quê ăn tết.

Hôm nay, xe của Bảo đi giao hàng ở H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, dọc đường, còn phải ghé thị xã Bến Cát, H.Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) giao hàng cho vài mối lẻ. Đoạn đường hơn 100km nhưng xe phải khởi hành từ rất sớm, vì chỉ cần qua 6g là đường nội thành kẹt cứng, mất nhiều giờ mới ra khỏi. Vì vậy, tài xế phải xuất phát sớm để đến đoạn Tỉnh lộ 8 (H.Củ Chi, TP.HCM) “nằm đường”, ăn sáng. Theo Bảo, cánh tài xế “đánh hàng” đi Bình Phước thường chạy hướng H.Củ Chi, qua cầu Phú Cường (tỉnh Bình Dương) chứ không theo Quốc lộ 13, vì sợ kẹt xe và cũng để tránh chốt.

Rạng sáng, trên Quốc lộ 22, cánh tài xế xe tải nháy đèn chào nhau chí chóe. Tài xế xe tải ở TP.HCM thì quen mặt nhau qua các fanpage “bạn hữu đường xa” trên Facebook. Những tài xế chạy cùng chiều thường chào nhau qua khung cửa kính vẫn còn đọng sương mờ, mang theo cái lạnh của những ngày cuối năm.

Chiếc xe chở chúng tôi đến Tỉnh lộ 8 cũng là lúc trời sáng rõ. Tài xế cho xe “nằm đường”, vào ăn sáng, uống thêm cữ cà phê nữa cho qua cơn buồn ngủ. Các điểm Bảo dừng xe hầu hết chỉ có cánh tài xế xe tải xuất phát từ TP.HCM, chở hàng đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Bắt chuyện với chúng tôi, tài xế Trần Trung Quân (ngụ tại Q.Tân Bình) cho biết, anh đang chở hàng thuê cho một công ty may mặc ở Q.Bình Tân. Cận tết là vào mùa của hàng may mặc nên hôm nào anh cũng phải “đánh hàng” liên tỉnh.

Trên xe, chỉ có một tài xế và một phụ xe (lơ), nên tài xế phải lái suốt từ 12-14 giờ/ngày. “Rạng sáng hôm qua, phải đánh một cuốc hàng đi Chợ Lầu (tỉnh Bình Thuận), về đến nhà đã chập choạng tối, vậy mà chủ xe còn năn nỉ đi thêm một cuốc xuống Long An nữa. Đến 21g về lại tới công ty, mấy anh em rủ làm vài ly nữa nên sáng nay đi sớm hơi đuối” - tài xế Quân than.

Lieu minh tren nhung chuyen xe 'danh hang' tet
Một xe tải chở đồ gỗ bất ngờ chuyển hướng chắn ngang đầu xe tải của tài xế Bảo

Theo các tài xế, thời điểm cuối năm âm lịch, những người lái xe cho công ty liên quan đến mặt hàng may mặc, đồ gia dụng, đồ trang trí... phải chở hàng liên tục để đủ bán tết. Nếu như ngày thường, tài xế được bao lương khoảng 6-7 triệu đồng/tháng thì dịp cuối năm, họ sẽ kiếm thêm tiền tăng ca trên những cuốc xe chạy thêm. Đây là nguồn trang trải tết của cánh tài xế.

Khi mà gánh nặng mưu sinh đè lên vai cánh tài xế với mức lương bèo bọt, họ chấp nhận liều mình theo những chuyến chở hàng đường dài để kiếm thêm tiền tăng ca càng nhiều càng tốt. Nhiều tài xế cho biết, hầu như mỗi đêm, họ chỉ được ngủ khoảng 5 giờ, trong khi họ phải lái xe trên 12 giờ/ngày. Áp lực công việc cuối năm đôi lúc biến phương tiện mưu sinh của tài xế thành hung thần trên xa lộ với những vụ tai nạn liên hoàn hay những cú ngoặt tay lái đâm sập hàng loạt căn nhà ven đường.

Cuối năm, liên tục xảy ra những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng mà theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính bắt nguồn từ tài xế. Chỉ tính trong ngày 6/1, tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, đã có hai vụ tai nạn nghiêm trọng do xe tải gây ra khiến 7 người thương vong.

Những cung đường ám ảnh

Cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng gấp đôi

Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết, cuối năm, nhu cầu vận tải hàng hóa ở TP.HCM tăng từ 100% trở lên so với ngày thường. Trong đó, tại TP.HCM, nhu cầu vận tải hành khách và các mặt hàng gia dụng là tăng cao nhất. Để đảm bảo nhu cầu vận tải hàng hóa, nhiều doanh nghiệp phải huy động tối đa phương tiện cũng như tài xế. Phương tiện, lượt vận chuyển hàng hóa tăng thì nguy cơ xảy ra tai nạn cũng tăng lên so với ngày thường.

Ngồi ở quán ăn chừng 20 phút, tài xế Bảo đã giục tôi và phụ xe Phú chuẩn bị lên xe cho kịp giờ. Theo Bảo, chậm nhất là 15g, xe phải trở về đến TP.HCM; nếu chậm hơn, sẽ trúng giờ cao điểm, kẹt xe, ít nhất cũng phải hơn 20g mới về đến công ty. Chiếc xe lao nhanh trên Tỉnh lộ 8. Đây là cung đường mà theo tài xế Bảo, rất ám ảnh bởi nhiều đoạn không có dải phân cách.

Các phương tiện khác nhau lưu thông chung làn nên chỉ cần một va quệt nhỏ là xảy ra tai nạn chết người. Tài xế Bảo đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc do xe tải gây ra trên tuyến đường này, mới đây nhất là rạng sáng 1/12/2018, một chiếc xe tải bị nổ lốp lao vào húc sập hai nhà dân.

Cũng trên Tỉnh lộ 8, chúng tôi nhiều lần thót tim với cảnh bị xe máy cắt ngang đầu khiến tài xế Bảo phải phanh gấp và buột miệng chửi thề. Bảo nói như phân trần: “Anh thấy không, đâu phải vụ tai nạn nào cũng do tài xế chơi ma túy, say rượu chạy ẩu đâu. Người dân mình kỳ lắm, băng đại qua đường mà không nghĩ tới hậu quả”.

Trên cung đường quay về TP.HCM, chúng tôi chứng kiến cảnh hai xe ba gác băng vào làn đường dành cho ô tô với tốc độ cao. Nhiều đoạn, do tránh vật cản phía trước, chiếc xe ba gác cúp vào sát ngay trước đầu xe tải khiến chúng tôi giật thót tim. Thế nhưng, cả hai tài xế xe ba gác vẫn cứ tỉnh bơ.

Lieu minh tren nhung chuyen xe 'danh hang' tet
Một xe máy chở hàng cồng kềnh nghiêng ngả trước đầu xe tải rất dễ gây tai nạn

Theo cánh tài xế xe tải, những cung đường “tử thần” với họ là đường không có dải phân cách, không có vạch kẻ làn. Khác với loại ô tô thông thường, khi gặp sự cố bất ngờ trên đường, tài xế xe tải sẽ khó xử lý hơn, vì đang chở hàng rất nặng, khi thắng (phanh), xe không dừng lại ngay như ô tô con. Nếu thắng gấp, xe tải sẽ lật.

Đúng như dự kiến, khoảng gần 15g, chiếc xe tải của chúng tôi đã về đến kho hàng ở Q.Tân Phú. Tài xế Bảo kiểm tra xe thì phát hiện vỏ bánh sau đã gần hết “đát”, phải thay vỏ mới cả hai bên thì hôm sau mới chạy tiếp được. Thế nhưng, đúng lúc này, chủ xe đang cần một chuyến hàng đi H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Bảo và Phú chần chừ định không nhận, nhưng vì chủ hàng năn nỉ nên đành phải lên đường.

Trước khi đi, Bảo mượn tạm lốp dự phòng trên xe đồng nghiệp thay vào để kịp lên đường. Khoảng 15g30, xe khởi hành đi Tây Ninh, đến 20g30 mới trở về đến TP.HCM. Lúc này, cả tài xế và phụ xe đều mệt lả. Bảo cho biết, rạng sáng hôm sau, anh lại tiếp tục đi Bình Phước giao hàng. “Lịch đi tỉnh từ đây cho đến ngày 22 tháng Chạp không trống ngày nào. Đến ngày 23, em mới được nghỉ tết để về quê, còn cánh tài xế có nhà ở đây thì chạy luôn cho đến ngày 29, mùng Ba làm lại” - Bảo cho hay.

Trong lúc tài xế Bảo đang chuẩn bị thu dọn để về nhà nghỉ thì chuông điện thoại lại reo. Bên kia đầu dây, giọng một tài xế đã ngà ngà hơi men rủ anh “họp mặt” ở một quán nhậu gần nhà. Bảo lấy chiếc khăn lạnh còn sót lại trên xe lau mặt, tạm biệt chúng tôi rồi ra gặp đồng nghiệp ở quán nhậu. Trước khi Bảo đi, phụ xe Phú dặn chừng: “Uống ít thôi, mai còn đi sớm nha anh”.

Không biết cuộc họp mặt giữa Bảo và cánh tài xế đêm nay kéo dài tới đâu, nhưng nghĩ đến cung đường mấy trăm cây số, tôi cảm thấy rùng mình. Tài xế xe tải - nghề mưu sinh lương thiện của hàng triệu người, nuôi sống biết bao gia đình nhưng cũng có khi, trong phút chốc, phương tiện mưu sinh biến thành ác quỷ, cướp đi mạng sống của rất nhiều người.

Hàng loạt vụ tai nạn liên quan đến xe tải dịp cuối năm

- Trưa 9/1, trên Tỉnh lộ 8, H.Củ Chi, TP.HCM, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ. Thời điểm trên, cặp vợ chồng quê tỉnh Bến Tre đi chung xe máy, khi đến đoạn Công viên nước H.Củ Chi thì bất ngờ bị nổ lốp, ngã xuống đường. Lúc này, xe tải mang biển số 51D-171.88 chạy ngang qua, tông trúng người vợ khiến chị tử vong tại chỗ.

- Trưa 8/1, tài xế xe tải biển số 60C-414.77 lưu thông từ Quốc lộ 62 rẽ sang tuyến đường tránh TP.Tân An, tỉnh Long An để về vòng xoay P.4, TP.Tân An, khi vừa rẽ sang phải thì va chạm với xe đạp của một nam sinh lớp Mười khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

- Chiều 6/1, xe tải mang biển số 54Z-1140 lưu thông trên Quốc lộ 1 theo hướng từ cầu vượt An Sương đến vòng xoay An Lạc, khi qua P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM, đã tông khoảng năm chiếc xe máy khiến một xe bị cuốn vào gầm xe tải, bốn xe khác chồng chất lên nhau, hư hỏng nặng.

- Tối 6/1, tại H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, đã xảy ra vụ va chạm giữa hai xe tải mang biển số 49C-012.19 và 49C-084.50 khiến một tài xế tử vong.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI