Liêm - chỉ một chữ Liêm!

01/11/2019 - 06:41

PNO - Người lãnh đạo - tập thể đứng đầu ấy đã dọn mình một cách trung thực như thế nào để đối diện với sự giám sát vô hình, những tai mắt nhân dân và nhất là với… chính mình.

Từ cú đút túi 3 triệu USD của ông cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong thương vụ mua bán AVG - Mobifone đến danh sách địa chỉ “ma” nhận tiền thưởng hiến máu nhân đạo tại Hội Chữ thập đỏ Q.1, TP.HCM, bạn nghĩ gì?

Số tiền chiếm đoạt chênh lệch, kéo theo “đường đi” cũng luồn lách, lươn lẹo hơn nhiều, dẫn tới mức độ thất thoát tài sản nhà nước lớn cấp số nhân? Nhưng cuộc bắt tay định giá “ma” cho bộ máy AVG để sang tay qua Mobifone với giá hời mà bỏ vào “túi anh túi ả” tài sản ngân sách so với cái hành vi “hút máu” của bao nhiêu người dân tự nguyện hiến máu cho cộng đồng, lại không hề kém cạnh. Để từ đó, sự tha hóa trong một ông bộ trưởng hay ngài chủ tịch hội hiến máu là như nhau. 

Không thiếu những yêu cầu, đòi hỏi về phẩm chất, đạo đức cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu trong các tổ chức Đảng, chính quyền ở mọi nghị quyết, chỉ thị, quy định đã ban hành. Theo đó, nếu áp dụng và thực hành nghiêm, trung thực, giám sát chặt chẽ thì hẳn đã không xảy ra tình trạng bê bết cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước trong suốt thời gian vừa qua. 

Nhưng vì sao, càng trong cơ man những đòi hỏi, yêu cầu ấy, tính chất, mức độ, sự cấu kết vi phạm lại ngày càng diễn ra tinh vi hơn, bất chấp hơn, tha hóa hơn? Chẳng lẽ, giữa những kẽ hở của các “thông số kỹ thuật” ấy chính là nơi phát huy cao độ cái “nghệ thuật” tha hóa mà một bộ phận người-trong-cuộc mới tường tận chân tơ kẽ tóc? 

Trong khi, với thực trạng hiện nay, giữa bao nhiêu án kỷ luật đã được công khai lẫn những cảnh báo, giải pháp cho công cuộc phòng chống tham nhũng, chống tệ nạn chạy chức chạy quyền… thì duy nhất, một trong những điều kiện cần và đủ ở một cán bộ - người đứng đầu (của tổ chức Đảng lẫn chính quyền các cấp, trung ương xuống địa phương, cơ sở) đó chính là sự trong sạch. Xin nhắc lại, chỉ bấy nhiêu đấy, LIÊM - điều thứ 5 trong đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Sửa đổi lối làm việc. 

Trình độ, kỹ năng, tác phong… là đòi hỏi tất yếu, nhưng tất cả sẽ chỉ là mớ vỏ bọc hoàn hảo cho một đạo đức không trong sạch, không liêm chính. Trong sạch, nó không phải là tính cách để rồi phụ thuộc vào cái gọi là “trời sinh tính”, nó là phẩm chất, nhân cách, vốn được giáo dục, rèn giũa, giữ gìn và tuân thủ. Để từ một cá thể - người đứng đầu trong sạch, nó sẽ hình thành một môi trường trong sạch, triệt tiêu mọi biểu hiện, cơ hội móc ngoặc, đút lót, tham ô và nhất là cấu kết tham nhũng trong cùng hệ thống, cấp ngành; cấu kết cấp trên cấp dưới; cấu kết quan chức - doanh nghiệp… 

Nhận diện sự trong sạch, không khó, nhất là tình hình hiện nay. Với đội ngũ cán bộ, viên chức (cấp dưới), không ai tinh tường (về cấp trên) bằng họ. Với doanh nghiệp, lại càng tinh… quái, họ biết tuốt, nắm tất. Và với nhân dân, cái trí khôn dân gian chưa bao giờ đánh lừa được chính họ. Vấn đề còn lại, người lãnh đạo - tập thể đứng đầu ấy đã dọn mình một cách trung thực như thế nào để đối diện với sự giám sát vô hình, những tai mắt nhân dân và nhất là với… chính mình. 

Gần 70 năm trước, trong thư gửi đồng bào Liên khu IV, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ở một vài nơi, cán bộ làm sai chỉ thị của Chính phủ và đường lối của đoàn thể. Họ xa rời nhân dân, không hiểu biết nhân dân… Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi - là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo”. 

70 năm sau, soi vào một bộ phận cán bộ không trong sạch đã bị kỷ luật, cán bộ nhởn nhơ thăng chức ngay trong khi tham nhũng, xênh xang nhận huân chương trong khi đã nhúng chàm, một lời xin lỗi trước quốc dân đồng bào, từ chính họ và từ những người đã cất nhắc họ, có hay không? 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI