Lên mạng tìm người chăm bệnh, rước về... cục tức

12/06/2019 - 08:30

PNO - Thu tiền xe ôm 200.000 đồng, cam kết "đổi người không giới hạn" nhưng không đổi, cung ứng người "ham ăn nhác làm" đến... làm má gia chủ. Đó là kiểu làm ăn của các trung tâm môi giới trên mạng.

Khi trong nhà có người bệnh nặng, nhiều gia đình buộc phải tìm người nuôi bệnh qua môi giới. Một số “trung tâm môi giới” quảng cáo rầm rộ trên Facebook hoặc các trang web bằng những lời hứa hẹn lập lờ để kiếm lợi, mặc khách hàng bị mất tiền oan.

Thuê hay không thuê cũng “dính chưởng”

Chị P.T.D. - 36 tuổi, ngụ tại Q.10, TP.HCM - vừa rước cục tức khi quyết định thuê người chăm bệnh qua dịch vụ môi giới. 

Mẹ chị D. 84 tuổi, bị tai biến, liệt nửa người, mất chức năng nói và khả năng đi lại cũng như vệ sinh cá nhân. Nhà chỉ có hai anh em, mẹ còn một ngày nữa sẽ xuất viện nên chị D. chạy đôn chạy đáo kiếm người chịu ở lại nhà chăm bệnh cho mẹ. Nếu không kịp thuê người, chị sẽ phải nghỉ làm.

Nhờ hết họ hàng thân thích, bạn bè, đồng nghiệp mà vẫn không tìm được người nuôi bệnh, chị D. đành lên mạng để lại thông tin. Trong ba trung tâm chị D. liên hệ, có trung tâm tên B. phản hồi sớm nhất.

Nhân viên của trung tâm cho biết, sẽ cử xe ôm chở người giúp việc tới nhà chị; nếu chị đồng ý thì ký hợp đồng thuê, không đồng ý thì trả tiền xe ôm để người giúp việc về. Chị D. đồng ý ngay, bởi nghĩ tiền xe ôm chẳng đáng bao nhiêu. 

Khi người chăm bệnh được xe ôm chở tới, chị D. yêu cầu cho xem chứng minh nhân dân thì phát hiện chứng minh thư của bà giúp việc tên M. chỉ còn một tháng là hết hạn 15 năm. Trong khi đó, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú lại ở một tỉnh miền quê phía Bắc.

Lo bà M. đã lưu lạc nhiều nơi, thông tin trong chứng minh nhân dân không còn chính xác, chị đề nghị cho số điện thoại của con cái để xác minh, hoặc bản phô-tô hộ khẩu thì bà M. giận dỗi: “Con tôi nó mà thấy tôi đi làm khó khăn thế này, nó gọi tôi về luôn. Chứng minh hết hạn thì từ từ tôi gia hạn. Từ trước tới giờ, đi làm chẳng có ai đòi sổ hộ khẩu phô-tô của tôi cả. Thôi nếu cô thấy không được thì cho tôi tiền xe ôm, tôi về”.

Chị D. ngã ngửa khi nghe bà giúp việc đòi cuốc xe ôm 200.000 đồng. 

Thấy tiền xe ôm cao, chị D. gọi lại trung tâm thắc mắc thì nhân viên của trung tâm B. trả lời tỉnh bơ: “Phí xe ôm bên em quy định vậy đó chị. Hồi nãy qua điện thoại, em đã thỏa thuận với chị, chị đồng ý trả tiền xe ôm nếu không thuê người. Tại chị không hỏi bao nhiêu chứ đâu phải lỗi tụi em. Không muốn trả phí xe ôm thì chị thuê cô ấy đi, rồi đóng phí môi giới 1,5 triệu đồng cho anh xe ôm giùm em”.

Chị D. đành phải trả 200.000 đồng. Chồng chị D. lắc đầu, nói với vợ: “Một ngày, chỉ cần có năm con mồi như em là đủ nuôi sống cái trung tâm ấy rồi. Thuê hay không thuê cũng đều dính chưởng”.

Len mang tim nguòi cham bẹnh, ruoc ve... cuc tuc
Những người nuôi bệnh thuê chờ được tuyển tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM)

Cam kết “đổi người không giới hạn” chỉ là hứa lèo

Anh P.V.K. - 49 tuổi, ngụ tại Q.7, TP.HCM - cũng mất tiền oan cho dịch vụ môi giới người nuôi bệnh và đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. 

Anh K. thuê người chăm bệnh qua dịch vụ của công ty môi giới trên mạng tên N., đóng phí dịch vụ cho công ty 1,5 triệu đồng. 

Công ty hứa sẽ đổi người không giới hạn cho gia đình anh trong vòng một tháng, tiền công của người giúp việc sẽ là 280.000 đồng/ngày, bao ăn ở. 

Ngay khi thỏa thuận xong, công ty cử một phụ nữ tên T., sinh năm 1963 đến nhà anh K. Bà T. tự giới thiệu có kinh nghiệm nuôi bệnh 11 năm. 

Chỉ chưa đầy một tuần, gia đình anh K. không thể chịu nổi vì bà giúp việc chỉ nằm trên giường xem ti vi, lại còn yêu sách về chuyện ăn uống: “Cậu ơi, tôi không thích ăn cơm thịt, trưa về cậu mua cơm cá cho tôi nhé. Tối tôi muốn ăn món nước, không muốn ăn món khô”. 

Anh K. ngán ngẩm: “Bà ta ăn xong còn không tự rửa nổi cái chén, đi vệ sinh cũng không dội nước với lý do bận chăm bệnh. Trong khi mẹ tôi tai biến nằm liệt, chỉ bận lúc cho ăn và làm vệ sinh thôi. Tôi là đàn ông, vụng về trong việc vệ sinh cá nhân cho mẹ và còn phải đi làm nên mới cần thuê người. Ai dè thuê về còn hầu thêm cả bà giúp việc”. 

Không chịu nổi, anh K. cho bà T. nghỉ việc, yêu cầu công ty môi giới đổi người, nhưng một tuần trôi qua, vẫn chỉ nhận được phản hồi: “Bên em đang kiếm, có người phù hợp sẽ gọi anh ngay”. 

Anh K. thắc mắc về lời hứa “đổi người không giới hạn trong vòng một tháng” thì nhân viên công ty N. đáp: “Em vẫn đang kiếm người để đổi cho anh mà, tại kiếm chưa ra chứ có phải không đổi cho anh đâu”. Anh K. tặc lưỡi, tự đi tìm người thay thế, thay vì ngồi chờ công ty kia hoàn thành giao ước đổi người.

Chị N.T.V. - 29 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM - kể, qua một dịch vụ môi giới nuôi bệnh, chị nhờ tìm người chăm cha bị liệt do di chứng nhồi máu não. Khi nói chuyện qua điện thoại với nhân viên công ty P., chị V. thấy ổn vì có hợp đồng ba bên (người lao động, người sử dụng lao động và công ty P.). 

Tuy nhiên, khi tận tay cầm bản hợp đồng, chị V. không dám thuê người bởi có một điều khoản mà khách hàng rất dễ bị dính chấu: “Công ty không chịu trách nhiệm về hành vi của người lao động trong quá trình làm việc”. 

Chị V. ngao ngán: “Rất mất thời gian của nhau. Nếu tôi không đọc kỹ mà tin tưởng ký đại thì kể như nắm đằng lưỡi rồi. Chẳng may người giúp việc trộm cắp hay làm điều phi pháp, phía công ty sẽ rũ bỏ hết trách nhiệm. Thế thì cần gì phải ký hợp đồng ba bên và tốn phí dịch vụ cho công ty”.

Nếu không kiếm được người chăm bệnh, sẽ gây ra sự xáo trộn, ảnh hưởng tới chất lượng sống của chính bệnh nhân và công việc của các thành viên trong gia đình. Thế nhưng, vướng phải những dịch vụ “trời ơi” như trên thì thật phiền toái, tốn kém. 

Nhu cầu thuê người nuôi bệnh ở TP.HCM hiện đang rất lớn. Thế nhưng, thị trường cung ứng nguồn nhân lực này còn nhiều khập khiễng.

Tại TP.HCM, có ba trung tâm dịch vụ việc làm uy tín, có thể tin tưởng là trung tâm của Hội LHPN TP.HCM, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM và của Thành đoàn TP.HCM. Tuy nhiên, nguồn nhân lực từ ba trung tâm này không đủ để cung ứng cho thị trường. 

Ngoài ra, còn nhiều trung tâm môi giới việc làm khác nữa nhưng cho dù họ được cấp phép đầy đủ, hoạt động đúng pháp luật thì cũng không thể đảm bảo hết được tính an toàn cho khách hàng.

Đó là vì những người đi giúp việc nhà, chăm bệnh đa phần có hộ khẩu ngoài TP.HCM nên khó mà kiểm soát. Trong khi đó, chăm bệnh là một công việc đặc thù, cần cả kỹ năng chăm sóc y tế. 

Ông Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo thị trường lao động tại TP.HCM

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI