Lãnh đạo TP.HCM cần sớm chấn chỉnh chuyện 'sang chảnh' của ngành giáo dục

13/10/2017 - 15:23

PNO - Những chuyến đi du lịch núp dưới những cái tên nghe rất chuyên môn như “tập huấn”, “học tập, trao đổi kinh nghiệm”, “tham quan thực tế”... không chỉ diễn ra ở cấp phổ thông mà cả ở cấp đại học.

Hiện trạng giáo dục nói chung và câu chuyện “sang chảnh” của ngành giáo dục TP.HCM nói riêng, đang cần lắm các biện pháp kiểm tra, các kênh giám sát mang theo mệnh lệnh “một mất một còn” cho sự phát triển và trường tồn của quốc gia, để môi trường giáo dục trở về cái nội hàm vốn dĩ của nó là lành mạnh, văn minh và tiên tiến.

Hội họp, giao lưu gây tốn kém là điều cần tránh

Không phủ nhận những thành quả mà ngành giáo dục TP.HCM đã đóng góp và mang lại, thông qua số lượng học sinh tài năng ngày càng tăng, giải thưởng khu vực, quốc tế mà học sinh TP đạt được luôn ở thứ hạng cao, chất lượng giáo dục có những bước cải thiện đáng ghi nhận.

Lanh dao TP.HCM can som chan chinh chuyen 'sang chanh' cua nganh giao duc
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM

Trước mỗi kỳ khai giảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Sở GD-ĐT thường tổ chức hội nghị chuyên đề, ở đó, chúng tôi tổng hợp ý kiến nhân dân, phản ánh trên các phương tiện báo đài chính thống đóng góp cho ngành giáo dục TP. Nhiều ý kiến được lãnh đạo ngành tiếp thu, chấn chỉnh.

Tháng 11 này, UBMTTQ VN TP.HCM sẽ tiến hành chương trình giám sát đột xuất về tình hình thu phí trong hệ thống các trường, qua đó cũng có đề nghị đánh giá lại vai trò và tính chất, hiệu quả hoạt động của Hội Phụ huynh học sinh. 

Với thực trạng Sở GD-ĐT TP.HCM gần đây tổ chức nhiều chuyến hội họp, tập huấn ngoài nước, trong nước kết hợp du lịch gây tốn kém mà hiệu quả thấp, đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Giao lưu, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, tiếp nhận những phương pháp giáo dục tiên tiến để áp dụng nâng cao chất lượng dạy và học là hết sức chính đáng. Nhưng khi áp lực học tập, điểm số, thành tích vẫn còn đè nặng lên học sinh thì những hội họp, giao lưu trong và ngoài nước gây tốn kém, hiệu quả thấp là điều cần tránh. 

Lanh dao TP.HCM can som chan chinh chuyen 'sang chanh' cua nganh giao duc
Học sinh Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8, TP.HCM) tham gia tiết học ngoại khóa tại Thảo Cầm Viên. Những buổi học thế này có giá khá "chát" vì Sở giáo dục - Đào tạo TP.HCM liên kết với một đơn vị bên ngoài để tổ chức 

Phải chấm dứt ngay lập tức!

Bài “Sang chảnh” như… ngành giáo dục TP.HCM của Báo Phụ Nữ đã đụng đến một trong những hoạt động mà tôi cho là mờ ám của ngành này. Đất nước còn nghèo, ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, lẽ ra mọi nguồn lực cần được sử dụng một cách căn cơ, hiệu quả, thì chúng ta lại đang tiêu xài phung phí, vô ích, hoặc vì lợi ích của một số cá nhân nào đó. Thiết nghĩ, những chuyện như thế này cần phải chấm dứt ngay lập tức!

Ông Phạm Tấn Mỹ, quận 9, TP.HCM

Trước tình hình khó khăn chung của TP, lẽ ra, lãnh đạo ngành cần chia sẻ và ý thức về tiết kiệm một cách triệt để, cùng với việc tập trung nghiên cứu, tìm tòi để tham mưu, đề xuất UBND TP những nội dung cải cách, cải tiến giáo dục vừa có ích cho Nhà nước, vừa có lợi cho nhân dân. Qua phản ánh của báo chí, việc tổ chức liên tục các chuyến hội họp - du lịch tốn kém, lãnh đạo ngành giáo dục cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả của hoạt động này.  

Để chấn chỉnh thực trạng trên, thời gian tới, theo tôi, UBND TP nên quản lý chặt chẽ hơn việc đi công tác nước ngoài cũng như các đợt tập huấn - du lịch trong nước của ngành giáo dục. Đồng thời cũng cần kiểm tra, kiểm soát những vấn đề liên quan đến việc ký kết các chương trình hợp tác giáo dục, các dịch vụ cung cấp trang thiết bị giáo dục với các đơn vị trong và ngoài nước, đảm bảo một môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, tiên tiến.  

Chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu

HĐND TP cần giám sát vấn đề này

Theo tôi, trong thời gian sớm nhất, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP cần giám sát và làm rõ việc chi phí cho các chuyến đi cao hơn giá thị trường nhiều lần có phải do cơ sở tự chịu, tự “bóp” các hoạt động của mình để tham gia và đều do một công ty độc quyền hay không.

Tôi nghĩ, chủ tịch hay thường vụ HĐND TP cần phân công Ban Văn hóa - Xã hội giám sát các vấn đề liên quan đến những hoạt động đang bị nghi ngờ là có sự độc quyền để chia chác của Sở GD-ĐT TP.HCM. Có thể mời một số thành viên các ban khác cùng tham gia để bảo đảm tính khách quan.

Đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng

Chính là hành vi tham nhũng!

Những chuyến đi du lịch núp dưới những cái tên nghe rất chuyên môn như “tập huấn”, “học tập, trao đổi kinh nghiệm”, “tham quan thực tế”... không chỉ diễn ra ở cấp phổ thông mà cả ở cấp đại học. Có thể nói, đây là một loại “bệnh” hiện lây lan rất mạnh trong ngành giáo dục - bệnh thích du lịch bằng tiền thiên hạ của một bộ phận lãnh đạo, nhưng chưa có thuốc để trị.

Nói cho cùng, đây chính là hành vi tham nhũng thời gian làm việc, nhận hối lộ qua cái gọi là “chi phần trăm” của các quan chức ngành giáo dục. Trong khi đó, tiền thanh toán lại do các đơn vị trường học phải tự “bóp” các hoạt động của mình lại để tham gia những chuyến đi có chi phí cao hơn giá thị trường nhiều lần và đều do một công ty độc quyền.

Buồn thay, các cơ quan cấp trên đã “ngó lơ” không giám sát các hoạt động biến tướng kiểu này! Nếu có sự giám sát, chuyện đã không phổ biến đến như vậy.

Ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu độc lập, giảng viên lịch sử tại TP.HCM

Quốc Ngọc(ghi) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI