Làng ‘nồi đất’ duy nhất xứ Nghệ hồi sinh

26/08/2017 - 08:55

PNO - Sau hàng chục năm bị mai một, làng nồi đất có tuổi đời hàng trăm năm và duy nhất xứ Nghệ dần hồi sinh, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương những năm gần đây.

Ở cái tuổi trên 65, nhưng hai tay bà Nguyễn Thị Lan (xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) vẫn thoăn thoắt nặn đất thành những chiếc nồi đất, ấm sắc thuốc tròn trịa, bắt mắt như một thói quen. Khéo léo tạo hình chiếc nồi, bà Lan cho biết không ai còn nhớ nghề làm nồi đất ở đây có từ bao giờ, hầu hết những người cao niên trong làng cũng được truyền nghề từ bố mẹ.

Lang ‘noi dat’ duy nhat xu Nghe hoi sinh
Có tuổi đời hàng trăm năm nhưng người dân làng nghề Trù Sơn vẫn chủ yếu sản xuất theo hướng thủ công.

Làng Trù Sơn được biết đến là nơi duy nhất làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ. Không những thế, đây có thể là ngôi làng duy nhất trong cả nước còn làm các loại nồi bằng đất. Do vậy, ngoài cái tên Trù Sơn, nơi đây được gọi là làng “nồi đất”.

Theo các “nghệ nhân” làng nghề này, những người làm gốm ở đây cần có sức khỏe và sự dẻo dai vì mọi công đoạn làm gốm từ nhào, nặn đất đến tạo hình sản phẩm đều làm bằng tay. Hơn nữa, để có đất sét làm gốm như ý, người dân địa phương phải đi nơi khác chọn đất sét thích hợp.

Trong khi gốm Hải Dương, gốm Bát Tràng (Hà Nội) đa dạng, hình thức đẹp, được tráng men... thì gốm Trù Sơn lại đơn giản, làm bằng phương pháp thủ công, không tráng men, chỉ có màu đất. Nhưng có lẽ, chính vì “chỉ có màu đất” nên gốm Trù Sơn có nét đặc trưng riêng.

Sản phẩm gốm ở đây dù không sặc sỡ, bắt mắt và tuy nhẹ, mỏng nhưng khá cứng. Điều khiến nhiều người ưa chuộng những chiếc nồi đất ở Trù Sơn chính là khi sử dụng sản phẩm này để đun nấu bất cứ thứ gì từ thức ăn, vị thuốc đều giữ nguyên được hương vị vốn có của nó.

Nhờ vậy, từ những năm 1975 trở về trước được xem là thời kỳ cực thịnh của làng gốm Trù Sơn. Khi ấy nhà nào cũng làm gốm nên đi khắp làng khắp xóm người ta đều thấy một màu gốm đỏ au. Những chiếc nồi đất đầy đủ kích cỡ như chiếc niêu kho cá, siêu sắc thuốc… là những sản phẩm có tiếng của nghề gốm ở Trù Sơn. Các sản phẩm không những được tiêu thụ trong nước mà còn đưa sang nước ngoài xuất khẩu.

Lang ‘noi dat’ duy nhat xu Nghe hoi sinh
Sau nhiều năm tưởng chừng bị lãng quên, làng nghề độc nhất xứ Nghệ này dần "hồi sinh" trở lại.

Ông Trần Công Định, xóm trưởng xóm 12 (xã Trù Sơn) cho biết, nghề làm nồi đất từng là nguồn thu nhập chính, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Nhưng rồi sự xuất hiện của các loại nồi gang, inox và sự vất vả của nó nên nghề này ngày càng mai một.

Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng sản phẩm của làng “nồi đất” làm ra ế ẩm nên dân làng Trù Sơn “quay lưng” với nghề truyền thống. Lúc ấy, về Trù Sơn nếu không được biết trước sẽ khó có thể nhận ra nơi đây có một làng chuyên làm đồ gốm. Các dấu tích của làng nghề đã bị che khuất bởi nhà cửa, tường rào... Thi thoảng, chỉ có một vài nhà làm gốm sống lay lắt, buồn thiu.

Lang ‘noi dat’ duy nhat xu Nghe hoi sinh
Những "nghệ nhân" tóc bạc truyền lửa nghề cho con cháu.

Ông Trần Khánh Nam (61 tuổi) cho biết, từ năm 2014 tới nay, nhiều nhà hàng, khách sạn và làng nghề nấu cá truyền thống phát triển nên sản phẩm nồi đất Trù Sơn được nhiều nơi sử dụng. Vì vậy, làng nghề nồi đất cổ và độc nhất vô nhị ở xứ Nghệ dần “hồi sinh” trở lại.

Giao thông thuận lợi, việc bán hàng của người dân Trù Sơn dễ dàng hơn khi những chiếc xe đạp dùng để thồ hàng đi bán được thay thế bằng xe máy để vận chuyển xa hơn, nhiều thương lái còn đi ô tô đến tận nơi mua hàng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, những người làm gốm nơi đây cũng bắt đầu sáng tạo ra nhiều mẫu mã hữu dụng hơn từ sình lọ đến trệt sưởi, chõ hông xôi, niêu kho cá, bát nhang…

Lang ‘noi dat’ duy nhat xu Nghe hoi sinh
Nhiều người vẫn sử dụng xe đạp thồ hàng đi bán ở các địa điểm lân cận.

Theo thống kê của chính quyền xã Trù Sơn, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ làm nghề, tập trung chủ yếu ở các xóm 10, 11, 12, 13. Sản phẩm nồi đất do người dân Trù Sơn làm ra cũng đa dạng về mẫu mã như siêu sắc thuốc, cơm niêu, cá kho tộ được khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi tháng, người làng Trù Sơn sản xuất được hàng chục ngàn sản phẩm nồi đất đem lại cho các hộ dân thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thụy Chính, Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết, làng gốm Trù Sơn đã qua nhiều thăng trầm, có những thời điểm bị mai một và hiện nay người dân địa phương đang khôi phục lại nghề gốm.

Hai năm trở lại đây, người dân trong xã đã tập hợp lại từng tổ từ 7-10 người để sản xuất gốm. Sau khi nung, nhiều ô tô từ các nơi tìm về đóng hàng và đưa đi tiêu thụ. Hiện chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đang vào cuộc tiến tới xây dựng và khôi phục lại làng nghề truyền thống.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI