Kỷ luật và bế tắc

01/04/2019 - 05:26

PNO - Hôm nay, một trận đòn hội đồng đã đánh chết luôn niềm vui sống của cả người đi học lẫn người đi dạy, cả trẻ nhỏ và người lớn.

Một nữ sinh lớp 9 tại Hưng Yên bị nhóm bạn cùng lớp, cũng là các nữ sinh, lột đồ và đánh đập dã man tàn bạo ngay trong phòng học tại trường. Clip được quay lại một cách bình tĩnh, chi tiết, thể hiện một con mắt quan sát rất lạnh.

Điều này sau đó mới có thể giải thích được một cách đau xót: vì em nữ sinh này đã bị đánh nhiều lần, và chắc những vụ đánh nhau đã không còn lạ trong lớp. Clip được phát tán trên mạng, nhưng cả tuần sau đó các cơ quan chức năng mới biết được và vào cuộc.

Ky luat va be tac
 

Trong sự chậm trễ này có phần "đóng góp" của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm - những người đã bắt các em xóa clip và giữ kín thông tin. Đến nỗi người nhà nạn nhân khi được mời đến trường làm việc cũng không hay biết về clip, chỉ được nghe nói lại và giải quyết như một vụ xích mích bình thường của trẻ con.

Chỉ sau khi xem clip, xót xa vì sự tàn nhẫn thú tính của trận đòn hội đồng, người nhà mới làm đơn kêu cứu. Trong những ngày xã hội bàng hoàng đặt câu hỏi về vai trò của nhà trường, của thầy cô, thì nạn nhân đang hoảng loạn, tinh thần bất ổn, phải điều trị tại bệnh viện.

Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT và lãnh đạo tỉnh, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong vụ việc này, ngay tại buổi làm việc sáng 31/3, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tuyên bố cách chức toàn bộ Ban giám hiệu trường THCS Phù Ủng, Chi ủy, kỷ luật hội đồng sư phạm, cô giáo chủ nhiệm.

Một án kỷ luật có lẽ là nặng nhất từ trước đến nay, dành cho “chuỗi biện pháp” bưng bít vấn đề, ém nhẹm xoa dịu mọi chuyện của nhà trường. Đây có lẽ cũng là những biện pháp đã được cập nhật từ kinh nghiệm xử lý những việc tương tự, thể hiện từ bản tường trình của cô chủ nhiệm, đến các biện pháp của trường. Ngành giáo dục đã nhận trách nhiệm, tự phạt mình một cách nghiêm khắc.

Nhưng liệu cái án kỷ luật đó mang lại được gì? 

Bạo lực học đường biến thái muôn hình vạn trạng trong những lớp học, từ tiểu học đến trung học cơ sở và đại học. Có những đứa trẻ bị hành hạ, có những đứa trẻ nhiễm căn bệnh thích hành hạ người khác, xưng hùng xưng bá anh chị giang hồ trong lớp, có những đứa trẻ bị đánh chết ngay trong sân trường. Kỷ luật này liệu có ngăn chặn được làn sóng đó? Hay kỷ luật này sẽ tạo ra thêm nhiều bưng bít, nhiều quanh co đối phó che giấu hơn?

Ky luat va be tac
 

Những đứa trẻ đánh bạn, và những đứa trẻ bị bạn đánh, được - mất những gì sau khi chúng biết án kỷ luật này? Xã hội cho rằng, cần phải xây dựng lòng tin, con trẻ cần tin rằng thầy cô, nhà trường, người lớn có thể bảo vệ được chúng. Vụ kỷ luật này liệu có xây dựng lòng tin đó, hay giúp nó tồn tại? 

Đành rằng kỷ luật là chuyện phải làm, nhiều ý kiến còn cho rằng với sự vô cảm trong cách xử lý của giáo viên chủ nhiệm cũng như hiệu trưởng nhà trường, kỷ luật vậy là còn nhẹ. Nhưng nếu coi kỷ luật là một biện pháp tích cực để làm gương nhân rộng, thì ngành giáo dục đang tự đưa mình vào ngõ cụt. Trường học không còn là môi trường thân thiện nữa, khi ở đó nỗi sợ hãi trở nên phổ biến, sợ bị đánh, sợ bị kỷ luật. 

Trẻ ở tuổi trung học là đang ở thời kỳ phát triển phức tạp nhất. Tiến bộ công nghệ, mạng xã hội… đang làm cho sự phức tạp đó nhân lên gấp bội lần. Ngành giáo dục đã trang bị những gì cho giáo viên để hiểu trẻ và hiểu công nghệ hơn?

Khi mạng xã hội trở thành kênh liên lạc chủ yếu, thậm chí trở thành đời sống thứ hai nơi trẻ bộc lộ nhân cách, một giáo viên có được trang bị những kỹ năng để theo học sinh của mình trên mạng xã hội, để nắm bắt thông tin, để xử lý những vụ đánh nhau, để xử lý clip mới được quay, được đăng, để nói chuyện với học sinh trong lớp?

Thiếu những kỹ năng ấy, người ta chắc chắn sẽ tìm đến cách giấu nhẹm, bưng bít, che đậy, cho rằng mình đã “báo cáo cấp trên” là xong, và cấp trên của mình có trách nhiệm xử lý.  

Những vụ đánh nhau bây giờ luôn được đám trẻ quay clip đăng lên mạng - một cách chứng tỏ bản thân, một cách thể hiện bất cần không sợ hãi. Nếu người lớn loay hoay mãi trong những cách làm cũ, từ bưng bít, che giấu đến khi phát hiện ra thì trừng phạt, coi như xong trách nhiệm… thì sẽ chẳng có gì thay đổi, chỉ e rằng các vụ bạo lực sẽ càng nhiều thêm thôi. Xin hãy thay đổi cách nghĩ, cách làm đi. 

Hôm nay, một trận đòn hội đồng đã đánh chết luôn niềm vui sống của cả người đi học lẫn người đi dạy, cả trẻ nhỏ và người lớn. Gần đây, dư luận vẫn nhớ câu chuyện kỷ luật và sau kỷ luật của một giáo viên mấy tháng trời không giảng bài trên lớp. Có phải chuyện kỷ luật đang được đưa ra như một giải pháp, mà người ta không nhìn thấy sự bế tắc đằng sau nó? 

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI