Không thụ lý, giải quyết đơn tố cáo nặc danh: Bỏ lọt nguồn thông tin tố giác quan trọng

12/06/2017 - 16:48

PNO - Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng, không giải quyết các tố cáo nặc danh là phù hợp, có nhiều ý kiến trái chiều khẳng định, quy định của Luật Tố cáo hiện hành chưa có cơ chế chặt chẽ bảo vệ người tố cáo.

Ngoài ra, việc không thụ lý, giải quyết đơn tố cáo nặc danh sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, đặc biệt là bỏ lọt nguồn thông tin tố giác, khiến cho việc phòng chống tội phạm kém hiệu quả.

Khong thu ly, giai quyet don to cao nac danh: Bo lot nguon thong tin to giac quan trong
Mặc dù có nhiều cơ quan, ban ngành, các luật sư, luật gia tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí, nhưng người dân vẫn chọn hình thức gửi thư nặc danh tố cáo, trước tiên là để tự bảo vệ mình.

Không giải quyết các tố cáo nặc danh là phù hợp

Tố cáo là biện pháp để công dân tham gia vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống các vấn đề tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Khi tố cáo, người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình và trình bày trung thực về nội dung tố cáo. Đây là nghĩa vụ của người tố cáo, được quy định tại khoản 2 điều 9 Luật Tố cáo 2011 và vẫn được dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi (lần 3) ghi nhận. Có thể thấy Luật Tố cáo được xây dựng theo quan điểm không chấp nhận giải quyết các tố cáo nặc danh và tôi cho rằng quy định này là phù hợp, bởi:

Thứ nhất, kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ của người tố cáo là một trong những việc mà người giải quyết tố cáo phải thực hiện để kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo. Người giải quyết tố cáo còn có quyền yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo. Vì vậy, nếu không có thông tin liên lạc với người tố cáo, việc xác minh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, pháp luật nghiêm cấm hành vi cố ý tố cáo sai sự thật. Người có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình (hành chính, hình sự…) và phải bồi thường thiệt hại do việc tố cáo đó gây ra. Điều đó có nghĩa, bản thân người tố cáo phải có ý thức và chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình nên cần thiết phải xác định rõ được thông tin của người tố cáo.

Nếu nội dung tố cáo sai sự thật thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức; ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Ai sẽ bồi thường những thiệt hại mà người bị tố cáo phải gánh chịu. 

Thứ ba, người tố cáo hoàn toàn được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo. Vì vậy, nếu vì lý do lo sợ người tố cáo, người thân thích của họ sẽ bị đe dọa, bị trả thù, bị trù dập mà chấp nhận giải quyết tố cáo nặc danh là không phù hợp. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu
(Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam)

Phải chấp nhận và cho phép người tố cáo được giấu tên

Người gửi đơn tố cáo có thể gửi bằng nhiều hình thức như: mail, fax... nhưng phải có nội dung, vụ việc cụ thể và chỉ gửi đến nơi có trách nhiệm, không lạm dụng theo kiểu tung lên mạng xã hội. Nhiều vụ việc núp dưới danh nghĩa tố cáo, nhưng thực chất là bôi nhọ.

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung mới nhằm bảo vệ người tố cáo, tuy nhiên chỉ quy định các hình thức bảo vệ người tố cáo mà chưa có quy định chế tài cụ thể đối với các cơ quan không thực hiện việc bảo vệ người tố cáo. Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định người tố cáo phải được bảo vệ bí mật đời tư, danh tính.

Như vậy, cơ quan giải quyết tố cáo sẽ phải phối hợp với các cơ quan có liên quan như chính quyền địa phương, cơ quan công an địa phương nơi người tố cáo cư trú để bảo vệ người tố cáo, người thân người tố cáo và tài sản của họ, nhưng việc phối hợp như thế nào cũng chưa quy định cụ thể. 

Do đó, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo cần phải quy định theo hướng như đối với đơn tố cáo nặc danh, nếu nội dung phản ánh là rõ ràng, chính xác, có chứng cứ chứng minh kèm theo thì cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh phải xem xét, thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.

Còn đối với đơn tố cáo nếu nội dung phản ánh không rõ ràng, không chính xác, không có chứng cứ chứng minh thì không xem xét giải quyết. Có như vậy, sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống tội phạm, nhất là kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức hiện nay.

Bà Tô Thị Bích Châu 

(Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM)

Cơ chế bảo vệ người tố cáo còn lỏng lẻo

Công dân thường gửi đến các cơ quan có thẩm quyền: đơn tố cáo, đơn khiếu nại và đơn dân nguyện. Về đơn dân nguyện, không có quy định bao nhiêu lâu để giải quyết nên thực tế, nhiều cơ quan công quyền quy đơn tố cáo không rõ ràng hoặc nặc danh thành đơn dân nguyện, vô tình làm cho đơn người dân gửi “bị ngâm”.

Quy trình giải quyết tố cáo thường theo các bước: đọc đơn, mời người có đơn lên làm việc, ghi vào biên bản. Sau buổi làm việc này, người tố cáo thường được hỏi: có muốn nhận kết quả giải quyết tố cáo không? Trong khi đó, người tố cáo luôn có quyền được biết kết quả giải quyết tố cáo của mình.

Từ ví dụ này cho thấy, quy trình tiếp nhận, giải quyết tố cáo hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt là cơ chế bảo vệ người tố cáo còn lỏng lẻo. Nhiều vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay chỉ “xử lý chỗ hoại tử”, mà không quan tâm đến những di căn, hay những thương tật sâu xa hơn, dù biết còn bệnh nhưng không quan tâm.

Theo tôi, Luật Tố cáo cần quy định chặt chẽ hơn từ việc bố trí cán bộ - người giải quyết tố cáo cho đến các quy trình cần thiết. Trong đó, khâu quan trọng nhất là cán bộ tiếp nhận, giải quyết tố cáo, khiếu nại của dân, đòi hỏi vừa vững kiến thức luật, có kỹ năng, nghiệp vụ, vừa có cái tâm bảo vệ công dân.

Thạc sĩ Lê Minh Long
(Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp)

Không giải quyết đơn tố cáo nặc danh sẽ bỏ lọt tội phạm

Phần lớn các đơn tố cáo nặc danh xuất phát từ nguyên nhân: người tố cáo không muốn bị phát hiện, sợ bị trù dập, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống bản thân và gia đình. Nhiều cơ quan khi tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh chỉ lưu đơn, không xử lý.

Luật Tố cáo năm 2011, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2012 đã dành hẳn một chương (từ điều 34 đến điều 40) quy định về bảo vệ người tố cáo. Trong đó, điều 34 của luật quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quy định. 

Cũng theo quy định của điều này, đối tượng bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt... Tuy nhiên, người tố cáo vẫn chưa an tâm với việc thực thi các quy định này. Thực tế, nhiều người tố cáo đã bị trù dập. 

Ví dụ, khi thủ trưởng cơ quan, tổ chức phát hiện nhân viên tố cáo mình thì có thể nhân viên đó sẽ bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc hoặc có những quyết định điều động, luân chuyển. Đây là những lý do cơ bản dẫn đến việc phát sinh các đơn tố cáo nặc danh.

Theo tôi, nếu không xem xét, thụ lý và giải quyết đơn tố cáo nặc danh thì sẽ bỏ lọt một nguồn thông tin tố giác hành vi vi phạm pháp luật quan trọng. 

Đỗ Văn Nhân
(211 Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum)

Pháp luật Thái Lan quy định, các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả các đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên. Singapore cũng xem xét đơn thư tố giác không ghi tên người gửi. Trung Quốc cho phép xem xét cả đơn thư tố cáo nặc danh để phát hiện tham nhũng. 

Đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật thường che giấu bằng cách mua chuộc, đe dọa và thực hiện các hành vi bạo lực, trả thù khiến cho người bị xâm phạm lo sợ, không dám tố cáo. Đặc biệt, đối với các hiện tượng tham nhũng thì tâm lý này còn nặng nề hơn vì đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn.

Việc bảo vệ, giữ bí mật thông tin người tố cáo chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, chặt chẽ, chưa được các cơ quan có thẩm quyền thực thi đúng quy định pháp luật. Vì vậy, phải chấp nhận và cho phép người tố cáo được giấu tên.

Luật sư Bùi Minh Nghĩa
(Công ty Luật TNHH Đại Luật Hằng Sinh)

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI