Không thể giỡn chơi với học hàm, học vị

05/03/2018 - 10:09

PNO - Bạn đọc đã cung cấp thêm cho Báo Phụ Nữ TP.HCM nhiều tư liệu nhằm chứng minh những sai phạm tại bộ môn Vật lý hạt nhân, khoa Vật lý-Vật lý kỹ thuật của trường Đại học Khoa học Tự nhiên là có chủ ý, có hệ thống.

Trên Báo Phụ Nữ số 18 ra ngày 28/2 có bài Phong hàm giáo sư và những nghi vấn không vô cớ đề cập đến những sai phạm trong hồ sơ được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (PGS) của hai cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên (KHTN) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. 

Đáng nói, khi nhận được đơn tố cáo của công dân về hai trường hợp trên, Hội đồng chức danh giáo sư (GS) ngành vật lý và Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã căn cứ vào giải thích “đơn vị chuyên môn là nhóm nghiên cứu” của Trường ĐH KHTN để giải quyết quấy quá, xuê xoa sự việc.  

Quy chế đào tạo tiến sĩ (TS) của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của ĐH Quốc gia TP.HCM cấm không cho người phản biện luận án TS là người cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh (NCS) và đơn vị chuyên môn được định nghĩa là “bộ môn hoặc khoa, phòng chuyên môn trực tiếp đào tạo NCS”. Hồ sơ của hai cán bộ được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS nói trên đã mắc lỗi này. Để tránh lỗi này, ĐH KHTN đã “nặn” ra khái niệm mới “đơn vị chuyên môn là nhóm nghiên cứu”. 

Nhưng xưa nay, ở các trường ĐH, bộ môn là đơn vị chuyên môn nhỏ nhất và không một trường ĐH nào xem “nhóm nghiên cứu là đơn vị chuyên môn” như ĐH KHTN. Thực tế ấy đã được thảo luận, nhìn nhận và thống nhất trong Quy chế đào tạo trình độ TS của bộ, của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng như Điều lệ trường ĐH từ bao năm qua.

Nhưng ngay cả khi quan niệm “nhóm nghiên cứu là đơn vị chuyên môn” của ĐH KHTN là đúng, thì “nhóm nghiên cứu” ấy vẫn thuộc bộ môn và khoa, là những “đơn vị chuyên môn” theo quy định, nên không thể lấy người của nhóm này để phản biện luận án cho người của nhóm kia. Cho nên việc “nặn” ra khái niệm “nhóm nghiên cứu là đơn vị chuyên môn” là phi lý. 

Trường ĐH KHTN cũng cho rằng, do bộ môn vật lý hạt nhân được chia theo hướng nghiên cứu hẹp, khó tìm được những người giỏi chuyên môn nên buộc phải sử dụng những chuyên gia trong cùng bộ môn nhưng khác hướng nghiên cứu vào hội đồng chấm luận án TS. Đây lại là sự biện minh nữa. Bởi ở nhiều trường ĐH khác cũng như ngay trong Trường ĐH KHTN, nhiều khoa cũng có các chuyên ngành hẹp, nhưng không trường nào “dùng người của ta phản biện cho người của mình” như khoa Vật lý - Vậy lý kỹ thuật, Trường ĐH KHTN. 

Cũng phải nói thêm, ở lĩnh vực vật lý hạt nhân, vào khoảng thời gian từ năm 2013-2015, Việt Nam có hàng trăm TS, PGS và GS chuyên ngành đủ am hiểu để phản biện các luận án TS chứ không hề “khó tìm”.

Có thể kể hàng loạt tên tuổi trong lĩnh vực vật lý hạt nhân vào khoảng thời gian trên, như GS-TS Ngô Quang Huy, TS Võ Xuân Ân (ĐH Công nghiệp TP.HCM), TS Trần Văn Luyến, TS Trần Quốc Dũng (Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân TP.HCM), PGS Nguyễn Minh Cảo (ĐH Bình Dương), PGS-TS Bùi Loát, PGS-TS Phạm Quốc Hùng, PGS-TS Đặng Huy Uyên (ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội), cùng nhiều TS đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam...

Nhưng điều đáng nói hơn cả trong sự việc đang gây xôn xao tại Trường ĐH KHTN nằm ở chỗ: GS Châu Văn Tạo - Hiệu phó nhà trường, kiêm trưởng bộ môn vật lý hạt nhân - là người hướng dẫn NCS T.T.T., trong khi cấp dưới của ông Tạo là TS H.T.P. - Phó khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, giảng viên bộ môn vật lý hạt nhân - lại được phân công làm phản biện.

Ngoài ra, còn có một số thuộc cấp khác cùng bộ môn ngồi ghế ủy viên thư ký. Ngoài sai quy định, việc “dùng cấp dưới ngồi vào hội đồng chấm luận án cho NCS do cấp trên hướng dẫn” cũng không được tế nhị và rất có thể dẫn đến việc đánh giá luận án không được khách quan. Ít nhất, có hai trường hợp như thế đã xảy ra tại bộ môn vật lý hạt nhân, khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, càng khiến người ta nghi ngờ rằng, đơn vị này đã cố tình sắp xếp nhân sự vào hội đồng chấm để “thuận lợi” cho NCS khi bảo vệ luận án. 

Có lẽ Trường ĐH KHTN và cả ĐH Quốc gia TP.HCM cần phải nghiêm túc mổ xẻ vấn đề để lập lại trật tự trong công tác đào tạo TS, mang lại sự liêm chính và minh bạch trong khoa học. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI