Không thể cứ chặn thực phẩm bẩn bằng… phạt nguội

07/05/2018 - 08:21

PNO - Chủ hàng vẫn bán sản phẩm sau khi cơ quan quản lý lấy mẫu ngẫu nhiên đi xét nghiệm. Khi mẫu kiểm nghiệm có kết quả, dù trong thực phẩm có tồn dư chất cấm, chủ hàng bị phạt nhưng chất độc đã vào bụng người tiêu dùng

Nghịch lý này đã được đội trưởng các đội quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM phản ánh trực tiếp với Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi ông Đam có đợt thị sát chợ đầu mối Bình Điền rạng sáng 6/5.

Khong the cu chan thuc pham ban bang… phat  nguoi
Chất lượng thực phẩm sẽ được quản lý tốt hơn nếu quy định pháp luật chặt chẽ và phù hợp thực tiễn hơn

Luật “trói tay” nhà quản lý 

Câu chuyện gần 5.000 con heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (H.Củ Chi, TP.HCM) bị chích chất an thần trước khi đem đi giết mổ cách đây gần một năm được xem như vụ việc điển hình trong xử lý vi phạm về quản lý ATTP tại TP.HCM khi được thí điểm mô hình quản lý mới.

Nếu như trước đó, lô heo vi phạm sẽ được lưu lại và lấy mẫu nước tiểu; khi mẫu nước tiểu của heo không tồn dư chất an thần hay chất cấm nào khác, heo sẽ được đem đi giết mổ và tiêu thụ bình thường. Mặc dù biết rõ, độc chất dù không còn trong nước tiểu con vật không có nghĩa là trong thịt, trong xương của chúng không còn, nhưng luật quy định như vậy, nên không thể làm khác. 

Chỉ vài giờ trước thời điểm những con heo vi phạm chuẩn bị được đem đi giết mổ, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã ra thông báo giữ toàn bộ số heo lại và đem tiêu hủy. Tuy nhiên, quyết định này không phải là đặc quyền của ban mà việc tiêu hủy được áp dụng theo Luật Thú y. Số heo lưu giữ tại cơ sở giết mổ bị buộc tiêu hủy là do đã nhiễm bệnh lở mồm long móng chứ không phải do bị chích chất an thần. Nếu heo bị tiêu hủy do bị chích chất an thần, chủ những lô heo vi phạm có thể kiện ngược cơ quan chức năng.

Ban Quản lý ATTP TP.HCM được thí điểm hoạt động từ khá lâu nhưng cơ chế quản lý các mặt hàng tươi sống vẫn không khác trước. Cơ quan quản lý lấy mẫu ngẫu nhiên, thực phẩm vi phạm hay không vẫn tiếp tục được bán ra cho người tiêu dùng. Có chăng trước đây, việc lấy mẫu và xử phạt thuộc trách nhiệm của Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật thì nay được quy về Ban Quản lý ATTP, nhân sự của ban cũng lấy từ các chi cục trước đây.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, nhiều người nghĩ ban được giao rất nhiều đặc quyền khi xử lý thực phẩm bẩn, nhưng thực tế, quyền xử phạt vi phạm của ban vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, cán bộ thanh tra vẫn không có quyền ký các văn bản xử phạt; toàn bộ các vụ việc vi phạm cần ký giấy xử phạt vẫn do trưởng ban đảm trách, điều này dẫn đến sự thiếu linh hoạt và làm chậm tiến độ xử lý vi phạm.

Đợi kiến nghị Quốc hội

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, những chất tồn dư trong thực phẩm tươi sống do các đối tượng buôn gian bán lận đưa vào nhằm kiếm lời thường không gây ra ngộ độc cấp tính mà chúng sẽ tích tụ trong cơ thể người tiêu dùng và có thể phát thành bệnh sau đó. “Chúng tôi muốn có được cơ chế kiểm soát mạnh hơn, chẳng hạn như ngành công thương khi phát hiện hàng không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, hàng độc hại… là có thể ra quyết định tịch thu, tiêu hủy ngay” - bà Lan bày tỏ.

Bà Lan khẳng định, việc kiểm soát thực phẩm ở TP.HCM không khó vì toàn bộ thực phẩm từ các địa phương được đưa vào TP.HCM chủ yếu qua ba chợ đầu mối chính (chiếm khoảng 80%). Nếu quy định rõ ràng, xử phạt nghiêm minh với những sản phẩm không an toàn, tự khắc tiểu thương sẽ truy ngược lại nguồn cung cấp hàng cho mình.

Không có cơ quan quản lý nào đủ lực để kiểm soát tất cả, do đó rất cần sự hỗ trợ từ quy định pháp luật. Năm nào, số liệu công bố xuất khẩu nông sản, thực phẩm cũng tăng trưởng, mà những sản phẩm chỉ xuất khẩu được khi đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Trong khi đó, người dân trong nước vẫn nơm nớp lo ăn phải thực phẩm không an toàn.

Có tình trạng nông dân bán ra thị trường những sản phẩm mà gia đình họ không dám sử dụng. Tất cả xuất phát từ luật chưa nghiêm khiến thị trường trong nước bị xem nhẹ.

Rạng sáng 6/5, ngay tại chợ Bình Điền, bà Lan tiếp tục phản ánh với Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam các vấn đề trên. Tuy nhiên, ông Đam chia sẻ, trong vấn đề thanh tra, xử lý vi phạm, phải áp dụng theo luật. Mà đã là luật thì Chính phủ không thể can thiệp theo kiến nghị mà phải cần đến Quốc hội. “

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng là một đại biểu Quốc hội, nên tôi mong rằng, bà Lan có thể kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, để các quy định về quản lý thực phẩm sớm được hoàn thiện hơn” - ông Đam nói.

Đăng Thư - Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI