Không dự án chống ngập nào ở quận 2 kịp tiến độ

13/11/2019 - 09:06

PNO - Tại quận 2, TP.HCM, chỉ một bến buýt đường sông cần phải di dời để xây kè chống ngập mà gần hai năm trời, không di dời nổi.

Hai năm không dời nổi bến buýt thủy

Chiều 12/11, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã tổ chức cuộc tái giám sát công tác chống ngập tại quận 2. Kết quả, có tất cả 5 dự án lớn nằm trong chương trình giảm ngập nước thuộc quận này thì đến nay, không dự án nào kịp tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM - ngán ngẩm: “Xong cuộc giám sát, nghe các bên giải thích về tiến độ chậm trễ, tôi cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai, trách nhiệm đó ra sao khi tất cả đều đùn qua đẩy lại”.

Đối với các dự án và chương trình chống ngập của TP.HCM nói chung, khó khăn lớn nhất lâu nay được xác định là công tác đền bù, giải tỏa, bàn giao mặt bằng, do có liên quan đến hàng ngàn hộ dân. Thế nhưng, chính quyền đã quán triệt “cái nào làm được sẽ làm liền”.

Dù vậy, hiện có những cái rất dễ làm, không liên quan đến dân nhưng chẳng ai chịu làm. 

Tại cuộc giám sát ở quận 2 này, dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm lại được “điểm danh”. Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 992 tỷ đồng, khởi công từ tháng 12/2017 và dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2020.

Bên cạnh một số hạng mục hiện vẫn đang ngổn ngang, trong dự án này, hạng mục đoạn kè 3.1 được xem là dễ làm nhất, sau gần hai năm, vẫn chưa nhúc nhích. Cụ thể, đoạn kè hiện bị vướng 30m tại bến buýt thủy Bình An.

Hội đồng nhân dân TP.HCM nhận định, chỉ cần di dời bến buýt này, giao mặt bằng cho chủ đầu tư kết nối, hoàn thiện đoạn kè nhưng sau nhiều lần giám sát, bến buýt này vẫn trơ trơ.

Khong du an chong ngap nao o quan 2 kip tien do

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó chủ tịch UBND quận 2 - kể, bến buýt thủy Bình An là đất của nhà nước, phục vụ cho công cộng, nhưng việc di dời nhích qua 15m để thực hiện dự án cũng khiến dân bất bình. Tuy vậy, việc “yên dân” không khó, thực tế đã giải quyết xong.

Khó nhất là không có sự nhất trí giữa Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư Saigon Waterbus, đơn vị chịu trách nhiệm việc di dời bến buýt Bình An - và Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Gần hai năm qua, trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mỏi cổ chờ công ty này lập hồ sơ cho việc di dời, giao lại đất thì công ty này vẫn không chịu làm.

Ông Khiết khẳng định: “Họ không nói chuyện được với nhau, UBND Q.2 phải nhiều lần làm cầu nối nhưng vẫn không thành công”. 

Giao UBND quận 2 ráo riết đứng ra làm đầu mối để giải quyết sự bất cập này, Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu, ngay trong tháng 12/2019, bến buýt cũ phải được di dời, bến buýt mới phải được xây xong.

Theo bà Lệ, việc này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chống ngập mà còn giải quyết được tình trạng của bến buýt Bình An hiện tại, với những bất cập mà bà đã chứng kiến trong cuộc giám sát: tụ nước, nguy hiểm cho trẻ em... 

 “Nhà nước mình khôn”

Ngoài Bờ tả sông Sài Gòn, dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng cũng có một vướng mắc nhỏ nhưng không ai giải quyết. Đó là vị trí cửa xả số 6 nằm ngay trong phần đất đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân.

Theo ông Khiết, có thời điểm, chủ khu đất này chịu cho nhà nước đặt cống, nhưng sau đó lại không chịu. Trong khi UBND quận 2 xin điều chỉnh phương án đặt cống thoát nước, không cho băng qua đất của dân nữa thì các đơn vị liên quan hối thúc, kiên quyết với yêu cầu ông phải giải thích với người dân, nói với người dân sao đó để họ chịu cho đặt cống ngay điểm này. 

Ông Khiết nhấn mạnh, sự việc này cứ nói qua nói lại mãi, làm ảnh hưởng đến tiến độ, trong khi ông không biết làm sao.

Ông Khiết bức xúc: “Nhà nước mình khôn, cứ muốn đút cống vô đất của người ta (người dân lâu nay đã tự đặt cống chống ngập cho gia đình họ). Việc đặt cống phải tránh đất của dân chứ làm sao mà thuyết phục, thu hồi đất của dân được, khi họ đã được cấp chủ quyền”.

Bà Lệ đồng tình với ý kiến này và cho rằng, qua việc này, cho thấy công tác phối hợp giữa các đơn vị vẫn còn rất dở. Bà nói: “Đôi khi, thẩm quyền quản lý không thuộc về mình nhưng mình được giao làm, rồi mình làm không được thì phải níu áo người quản lý để xin ý kiến, cứ nín thinh luôn thì ai biết”.

Bà đề nghị, các bên phải ráo riết báo cáo những khó khăn này cho Thường trực UBND TP.HCM để tìm hướng tháo gỡ.

Lãnh đạo HĐND TP.HCM nhận định, việc thực hiện các dự án chống ngập tại quận 2 là vẫn đang… đứng yên, đụng đến đâu cũng đều thiếu sự phối hợp, thống nhất ý kiến. Chính thực trạng ầu ơ này đã góp phần khiến người dân không chịu nhận bồi thường, di dời, giao lại đất. 

Ông Khiết khẳng định, quận 2 hiện giống như một đại công trường, đi đến đâu cũng thấy đào xới, gây bất bình cho người dân. Cũng chính hiện trạng này khiến giá đất lên từng ngày, từ đó rất khó thuyết phục người dân nếu đền bù không thỏa đáng.

Hiện vẫn còn nhiều trường hợp dân không chịu giá bồi thường, là do giá đất được thẩm định tại thời điểm năm 2018 nhưng mãi đến năm 2019 mới công bố để bồi thường. Việc định giá ở thời điểm cách xa lúc công bố lại do không có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan. 

Tuyết Dân

 
TIN MỚI