Không chỉ trên Biển Đông, Trung Quốc mới chiến bại!

13/09/2019 - 06:59

PNO - Những gì phô diễn trên thực địa Biển Đông cũng như những tuyên bố trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi ngoại giao đã cho thấy một lối ứng xử kém văn minh, một kiểu hành động vô pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Ngày 12/9, tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc “tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. 

Phát ngôn ấy đã cho thấy bản chất bất chấp, bành trướng và... lì lợm của một đại diện quốc thể Trung Hoa. Giáo sư Thomas J.Christensen (Đại học Princeton), trong cuốn Mối thách thức Trung Quốc đã đặt ra hai khía cạnh trong sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ trở thành vấn đề của Mỹ: làm thế nào để dàn xếp sự nổi lên của một chủ thể ngày càng mạnh mẽ trong một khu vực có tầm quan trọng toàn cầu to lớn? Làm thế nào để “thuyết phục một quốc gia lớn nhưng vẫn đang phát triển và còn đang mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tham gia đóng góp vào hệ thống quốc tế”?

Ở khía cạnh thứ hai, với những gì phô diễn trên thực địa Biển Đông cũng như những tuyên bố trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi ngoại giao đã cho thấy một lối ứng xử kém văn minh, một kiểu hành động vô pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc. 

Trong cuộc tiếp đón Tổng thống Philippines ngày 29/8 tại Bắc Kinh, trước đề cập của ông Duterte về phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở Hague là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc và không kháng cáo, chủ tịch Tập Cận Bình đã thẳng thừng bác bỏ công nhận phán quyết của tòa và khẳng định không thay đổi lập trường của Trung Quốc. Ông Tập, sau đó còn nhấn mạnh về sự cần thiết của việc cần có những bước tiến xa hơn trong hoạt động khai thác chung tài nguyên dầu khí trong khu vực Biển Đông - một động thái ngang nhiên tự công nhận “đường chín đoạn” do Trung Quốc ngụy tạo, tuyên xưng. 

Dĩ nhiên, Việt Nam không phải là Philippines. 

Dĩ nhiên, thái độ và phát ngôn phủ quyết công lý quốc tế không phải lần đầu tiên với Trung Quốc. 

Phục vụ cho toan tính bành trướng Biển Đông của mình, tiếng nói công lý thông qua những phán quyết của tòa án cho đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - mà Trung Quốc là một thành viên tham gia ký kết, lại luôn bị chính nước này vi phạm, phủ quyết, chối bỏ. 

Có điều, Trung Quốc chỉ phủ quyết trong trường hợp họ thấy bị bất lợi. Còn khi cần “công lý”, họ lại bấu víu vào UNCLOS để “kêu oan”. Sự kiện đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ngay trong vùng biển của Việt Nam năm 2014 đã được phía Trung Quốc lu loa lên rằng, Việt Nam “vi phạm nghiêm trọng đối với luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm… UNCLOS”! 

Hành vi xấu xí không hề che đậy này, mới đây cũng lặp lại trong vụ Trung Quốc đệ đơn kiện Mỹ lên WTO về việc Mỹ áp thuế 300 tỷ USD hàng nhập khẩu nước này (mức thuế cao hơn mức trần) mà không thông qua WTO. Nhưng cũng chính Trung Quốc, trong cuộc đáp trả Mỹ, áp thuế hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ cũng đâu một lời “đếm xỉa” đến WTO. 

Giáo sư Diêm Học Thông (Đại học Thanh Hoa), một nhà bình luận Trung Quốc khôn ngoan đã viết bài báo Làm thế nào Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ (New York Times), trong đó có đoạn: “Việc Trung Quốc tìm cách nâng cao vị thế lãnh đạo thế giới của mình và việc Mỹ nỗ lực để duy trì vị trí hiện tại là trò chơi một mất một còn. Đó là cuộc chiến giành lấy con tim khối óc người dân vốn sẽ quyết định kẻ thắng thế. Và, như các nhà triết học Trung Quốc cổ đại đã dự đoán, nước nào thể hiện đường lối nhân nghĩa nhiều hơn sẽ giành chiến thắng”. 

Giờ thì cái gọi là “đường lối nhân nghĩa” ấy đang ngang nhiên, bất chấp đi xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác. 

Giờ thì cái cách “giành lấy con tim khối óc người dân” bằng việc đội lốt, che mắt bằng “phòng thí nghiệm”, “nhà xưởng”, “công ty”, “thành phố” để bào chế, sản xuất tiền chất ma túy hủy hoại người dân nước khác; thiết lập đường dây đánh bạc, buôn người ngay trên quốc gia láng giềng.  

Mỉa mai thay, người Trung Quốc hiện đại vẽ vời, vờ vịt học người Trung Quốc cổ đại “đường lối nhân nghĩa” - cốt lõi của Vương đạo, sau khi họ đã bày bừa, phô diễn trước cả thế giới cái thuyết Bá quyền và Chuyên chế - thuộc đường lối cai trị của triết gia Tuân Tử. 

Kẻ bành trướng, bá quyền, ngạo mạn thì ngoài biển hay trong bờ, mọi sự đối đầu, gây chiến, tìm cách cưỡng đoạt đều là kẻ chiến bại. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI